Tai biến không mong muốn liên quan đến truyền máu

Bài viết được viết bởi bác sĩ Huyết học - Truyền máu - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Máu và các chế phẩm máu là loại thuốc đặc biệt có nguồn gốc từ người, được sử dụng để thay thế cho lượng máu đã mất ở người nhận và điều chỉnh những bất thường trong máu mà không có bất kỳ giải pháp nào có thể thay thế được. Máu sử dụng trong điều trị của hầu hết các chuyên ngành Y học. Có máu mới có thể phát triển nhiều kỹ thuật cao. Nhu cầu máu sử dụng máu thể hiện sự phát triển của Y học.

1. Tai biến không mong muốn liên quan đến truyền chế phẩm máu là gì?

Tai biến không mong muốn hoặc phản ứng truyền máu là các phản ứng, biểu hiện xảy ra ở người bệnh có liên quan đến truyền máu và các chế phẩm máu.

Tai biến do truyền máu/chế phẩm máu có thể xảy ra sớm hoặc muộn. Vì vậy chỉ truyền máu khi rất cần thiết.

Các tai biến xảy ra sớm như tan máu do truyền nhầm nhóm máu ABO, Rh, hạ thân nhiệt, run, dị ứng, phù phổi cấp trong khi truyền... Các tai biến muộn xảy ra khi truyền máu gồm: nhiễm trùng, nhiễm các virus gây bệnh truyền nhiễm qua máu như viêm gan B, C, HIV, tan máu muộn...

Khi xảy ra tai biến cần xử trí kịp thời, đúng phác đồ nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.


Truyền chế phẩm màu
Truyền chế phẩm màu

2. Phân loại tai biến không mong muốn liên quan đến truyền máu

2.1. Theo cơ chế

  • Bất đồng miễn dịch
  • Nhiễm trùng
  • Truyền máu khối lượng lớn

2.2. Theo mức độ: Nhẹ, trung bình, Nặng.

2.3. Theo thời gian

  • Cấp tính: Tai biến truyền máu cấp xảy ra từ khi bắt đầu truyền máu và trong vòng 24 giờ sau truyền máu.
  • Muộn: Tai biến truyền máu chậm xảy ra sau 24 giờ đến nhiều ngày sau truyền máu.

2.3.1. Tai biến không mong muốn cấp tính

  • Phản ứng dị ứng - nổi mày đay
  • Phản ứng sốt sau truyền máu không do tan máu
  • Nhiễm khuẩn
  • Tan máu cấp
  • Sốc phản vệ
  • Tổn thương phổi cấp do truyền máu (TRALI).

2.3.2. Tai biến không mong muốn muộn do truyền máu

a) Lây các bệnh lây qua đường truyền máu

  • Như HIV-1 và HIV-2, HTLV-1 và II
  • Viêm gan B và C
  • Giang mai, Sốt rét
  • Nhiễm cytomegalovirus

b) Bệnh ghép chống chủ do truyền máu (GvHD)

c) Xuất huyết sau truyền máu

d) Các tai biến do truyền máu khối lượng lớn


Mày đay
Mày đay

3. Dấu hiệu phát hiện sớm và triệu chứng lâm sàng

  • Bồn chồn, lo âu, khó chịu, lơ mơ, mất tri giác
  • Đau lưng, đau bụng, đau đầu
  • Sốt hoặc rét run
  • Sẩn, mẩn ngứa, mề đay
  • Mạch nhanh, huyết áp hạ, trụy mạch, khó thở, suy hô hấp
  • Buồn nôn, nôn
  • Đột ngột chảy máu ở các vết thương đã cầm từ trước, không cầm máu được các vết thương mới, máu chảy ra không đông
  • Đái huyết sắc tố...

4. Cách xử trí tai biến không mong muốn liên quan đến truyền máu

4.1. Cách xử trí chung tai biến cấp do truyền máu

4.1.1. Loại 1. Phản ứng mức độ nhẹ

  • Triệu chứng: Ngứa, nổi mày đay.
  • Nguyên nhân: Quá mẫn mức độ nhẹ.
  • Xử trí: Giảm tốc độ truyền.Tiêm thuốc kháng Histamin.

Nếu trong vòng 30 phút lâm sàng không cải thiện hoặc xấu đi thì phải điều trị giống như phản ứng mức độ trung bình.


Thuốc kháng sinh Histamin
Thuốc kháng sinh Histamin

4.1.2. Loại 2. Phản ứng mức độ trung bình

  • Triệu chứng: Ngứa, nổi mày đay, sốt, rét run, nhịp nhanh, khó thở nhẹ, đau đầu.
  • Nguyên nhân: Quá mẫn; Kháng thể kháng BC, TC, protein. Túi máu bị nhiễm khuẩn
  • Xử trí

a) Ngừng truyền, thay dây truyền và giữ đường tĩnh mạch.

b) Báo cáo ngay bác sĩ điều trị và ngân hàng máu.

c) Gửi vật phẩm, bệnh phẩm và phiếu yêu cầu tới phòng xét nghiệm phát máu.

d) Tiêm thuốc kháng histamin và thuốc hạ sốt.

e) Dùng corticoid và thuốc giãn phế quản nếu có dấu hiệu phản vệ.

f) Thu thập mẫu nước tiểu 24 giờ tìm dấu hiệu tan máu.

Nếu tình trạng lâm sàng được cải thiện thì có thể bắt đầu truyền 1 đv máu mới.

Nếu tình trạng lâm sàng không cải thiện hoặc xấu đi trong vòng 15’ thì phải điều trị như phản ứng loại 3.

4.1.3. Loại 3. Phản ứng mức độ nặng đe dọa tính mạng của bệnh nhân

a) Triệu chứng: sốt, rét run, hạ HA tối đa > 20%, nhịp tim tăng > 20%, đái Hb, chảy máu không giải thích được, khó thở/suy hô hấp, đau thắt ngực, đau lưng.

b) Nguyên nhân

c) Xử trí

  • Ngừng truyền máu. Thay bộ dây và duy trì đường tĩnh mạch bằng NaCl 0,9%.
  • Truyền dung dịch NaCL 0,9% (Bắt đầu 20-30 mL/kg) để duy trì huyết áp tối đa. Nếu hạ HA thì truyền nhanh trong vòng 5 phút và nâng cao chân người bệnh.
  • Duy trì đường thở và cho thở oxy qua mặt nạ.
  • Tiêm Adrenaline (Dung dịch 1: 1000) 0,01 mg/Kg tiêm bắp chậm.
  • Tiêm Corticoit TM và dùng thuốc giãn phế quản nếu có dấu hiệu của shock.
  • Cho thuốc lợi tiểu đường tĩnh mạch (Frusemide 1mg/kg).
  • Báo cáo cho bác sĩ điều trị và phòng Truyền máu máu ngay lập tức.
  • Gửi túi máu, bệnh phẩm và phiếu yêu cầu tới phòng XN phát máu tìm nguyên nhân.
  • Kiểm tra mẫu nước tiểu mới để tìm dấu hiệu của đái Hb niệu.
  • Thu thập nước tiểu 24 giờ và theo dõi cân bằng dịch vào ra.

Sốc phản vệ
Sốc phản vệ

4.2. Tai biến không mong muốn muộn do truyền máu

4.2.1. Lây các bệnh lây qua đường truyền máu

a) HIV-1 và HTLV-1

  • Tác nhân gây bệnh: hiện nay nhiễm HIV-1 thường có tỷ lệ thấp do sàng lọc HIV thường quy (nguy cơ khoảng 1/100000-1/1000000). Lây nhiễm chủ yếu gặp ở giai đoạn cửa sổ. Nhiễm HTLV-1 chủ yếu gặp ở các vùng dịch tễ (Nhật Bản, châu Phi...)
  • Biểu hiện lâm sàng: nhiễm HIV gây bệnh AIDS sau truyền máu. Nhiễm HTLV-1 có thể gây Leucemie cấp dòng lympho T hoặc u Lympho.
  • Nguyên tắc điều trị: hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào có thể đạt được khỏi bệnh.
  • Dự phòng: sàng lọc người cho máu nhiễm HIV và HTLV-1.

b) Viêm gan B và C

  • Biểu hiện lâm sàng: thường gặp viêm gan không có hoặc có ít biểu hiện vàng da. Bệnh nhân có thể có biểu hiện mệt mỏi, kém ăn, rối loạn tiêu hóa, đau khớp, sốt nhẹ... Trường hợp có vàng da thường biểu hiện lâm sàng nặng hơn.
  • Chẩn đoán xác định viêm gan: căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm đặc hiệu
  • Hội chứng hủy hoại tế bào gan như tăng men gan (SGPT, SGOT) và các hội chứng sinh hóa khác của tổn thương nhu mô gan...
  • Nguyên tắc điều trị: chủ yếu là điều trị nâng đỡ.
  • Dự phòng: viêm gan c có khuynh hướng chuyển sang thể mạn tính dẫn đến xơ gan. Một số ít hơn bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B cũng chuyển sang thể mạn tính và xơ gan. Vì thế dự phòng nhiễm viêm gan qua đường truyền máu là vấn đề cấp thiết. Dự phòng nhiễm HBVHCV bằng sàng lọc người cho máu (anti-HCV* và HBsAg). Không có xét nghiệm sàng lọc thường quy cho HDV mà loại trừ thông qua sàng lọc HBV

c) Giang mai

  • Tác nhân gây bệnh: Treponema pallidum.
  • Biểu hiện lâm sàng: ủ bệnh 4 tuần đến 4 tháng, thường biểu hiện giống giai đoạn 2 của bệnh giang mai điển hình (sẩn da lan tỏa và tổn thương hạch bạch huyết).
  • Nguyên tắc điều trị: phác đồ điều trị giang mai thông thường..
  • Dự phòng: xét nghiệm sàng lọc giang mai, hạ thấp nhiệt độ máu bảo quản để giết xoắn khuẩn.

d) Sốt Rét

  • Tác nhân gây bệnh: P. falciparum, P. malariae, P.vivax, P.ovale.
  • Biểu hiện lâm sàng: bệnh nhân bị bệnh sốt rét.
  • Nguyên tắc điều trị: bằng các phác đồ điều trị sốt rét thông thường có đáp ứng tốt.
  • Dự phòng: xét nghiệm sốt rét cho người cho máu để sàng lọc.

e) Nhiễm Cytomegalovirus (CMV)

  • Biểu hiện lâm sàng: đa số bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng. Các bệnh nhân có suy giảm miễn dịch có thể có các biểu hiện nhiễm virus như nhiễm trùng bạch cầu đơn nhân, viêm phổi do CMV...
  • Chẩn đoán: chủ yếu dựa vào các dấu ấn huyết thanh ví dụ đảo ngược huyết thanh với CMV từ (-) sang (+) sau truyền máu.
  • Nguyên tắc điều trị: chỉ điều trị chống virus bằng Ganciclovir và điều trị triệu chứng khi có biểu hiện lâm sàng.
  • Dự phòng: truyền chế phẩm máu từ người cho âm tính với CMV cho bệnh nhân chưa nhiễm CMV.

4.2.2. Bệnh ghép chống chủ do truyền máu (GvHD)

  • Bệnh sinh: Do các lympho T của máu người cho truyền vào người nhận bị suy giảm MD. Các lympho này phản ứng với KN tương đồng tổ chức của người nhận tạo ra Lympho độc hoặc hoạt hoá TCD4, sản xuất ra các cytokin gây huỷ hoại tổ chức người nhận.
  • Lâm sàng: Sốt, rối loạn tiêu hoá, ban xuất huyết.
  • Điều trị: Dùng thuốc ức chế miễn dịch.
  • Dự phòng: Chiếu tia xạ vào túi máu nhằm bất hoạt lympho T.

Xuất huyết
Xuất huyết

4.2.3. Xuất huyết sau truyền máu: Hiếm gặp

  • Do kháng thể kháng tiểu cầu ở người nhận,
  • Xuất huyết: Số lượng Tiểu cầu giảm nhanh,
  • Điều trị: Corticoid liều cao, trao đổi huyết tương.

4.2.4. Các tai biến do truyền máu khối lượng lớn

Là truyền một lượng máu/CP bằng thể tích máu cơ thể < 24 giờ.

Gặp trong đa chấn thương, ghép tế bào gốc, phẫu thuật tim, tai biến sản khoa...

a) Quá tải tuần hoàn

  • Bệnh sinh: do truyền một khối lượng lớn máu với tốc độ nhanh gây quá tải tuần hoàn nhất là trên các bệnh nhân sẵn có bệnh tim hoặc phối.
  • Biểu hiện lâm sàng: là biểu hiện của suy tim phải: phù phổi cấp, xanh tím, khó thở...
  • Nguyên tắc điều trị: ngừng truyền máu, dùng thuốc lợi tiểu, thở oxy...
  • Dự phòng: không truyền máu quá nhanh nhất là trên các bệnh nhân có nguy cơ quá tải tuần hoàn như bệnh tim, phổi...

b) Rối loạn huyết động

  • Nguyên nhân: truyền máu khối lượng lớn (MTP, KHC) có ít BC, TC, yếu tố đông máu nên pha loãng máu người nhận sẽ giảm TC và các yếu tố đông máu trong tuần hoàn, bởi vậy dễ gây chảy máu.
  • Xử trí: Xét nghiệm tiểu cầu và các yếu tố đông máu để điều chỉnh.

c) Nhiễm độc Citrate

  • Nguyên nhân: truyền máu nhiều lần kèm chất chống đông có Citrate, làm tăng citrate máu gây giảm canxi gây rối loạn chức năng tim.
  • Xử trí: Tiêm/truyền CaCl2.

d) Hạ thân nhiệt

  • Nguyên nhân: Máu bảo quản lạnh, khi truyền lượng lớn vào cơ thể làm hạ thân nhiệt, gây giảm Canxi máu, giảm trao đổi oxy tổ chức gây rối loạn nhịp tim, tiên lượng xấu.
  • Xử trí: Máu phải được làm ấm trước khi truyền.

e) Nhiễm sắt do truyền máu nhiều lần

  • Bệnh sinh: tích tụ sắt trong tổ chức gây tổn thương các hệ cơ quan bị nhiễm sắt.
  • Biểu hiện lâm sàng: biểu hiện lâm sàng như sạm da, tổn thương các hệ cơ quan nhất là tim gan hệ nội tiết...
  • Chẩn đoán: tiền sử truyền máu nhiều lần, dấu hiệu lâm sàng của nhiễm sắt và các xét nghiệm cho thấy tăng kho dự trữ sắt trong cơ thể.
  • Nguyên tắc điều trị và dự phòng: chỉ định truyền máu có cân nhắc, tìm các phương pháp điều trị khác như ghép tủy xương cho các bệnh nhân mắc các bệnh đòi hỏi truyền máu nhiều lần như thalassemia hay suy tủy xương. Sử dụng các tác nhân thải sắt để làm giảm tình trạng nhiễm sắt...

Tai biến không mong muốn do truyền máu cho có thể xảy ra theo các cơ chế khác nhau,

Có nhiều nguyên nhân gây ra tai biến đối với bệnh nhân trong truyền máu,

Khi truyền máu cho bệnh nhân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc, các quy trình đã được phê duyệt.

Khi xảy ra tai biến cần xử trí kịp thời, đúng phác đồ nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe