Tắc tia sữa sau sinh mổ có cho con bú được không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Hoàng Thị Ánh Tuyết - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Tắc tia sữa là hiện tượng tuyến sữa bị tắc, sữa không chảy ra ngoài được, ứ đọng lại trong bầu ngực gây nên cảm giác khó chịu, căng tức, thậm chí là đau đớn, nhiều chị em còn phát sốt. Hiện tượng tắc tia sữa khiến chị em lo lắng không biết nên xử lý như nào, tắc tia sữa có nên cho con bú không?

1. Tắc tia sữa sau sinh mổ

Hiện tượng tắc tia sữa sau sinh mổ thường xảy ra ở phụ nữ trong những ngày đầu sau sinh. Cũng có nhiều trường hợp chị em bị tắc tia sữa trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng tắc tia sữa như: mẹ không cho trẻ bú sớm, không cho trẻ bú thường xuyên, không cho trẻ bú cạn bầu ngực, không vệ sinh sạch sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập vào đầu vú dẫn đến viêm ống dẫn sữa... Chị em có đầu ti thụt vào, đầu ti quá to... gây khó khăn cho trẻ trong quá trình bú rất dễ bị tắc tia sữa. Trẻ thường xuyên cắn đầu ti, khiến đầu ti có nhiều vết thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng tấn công gây nên tắc tia sữa.

Tắc tia sữa sau sinh mổ không những khiến sản phụ vô cùng khó chịu, đau đớn, ảnh hưởng đến nguồn sữa cho con mà còn có thể dẫn đến tình trạng áp xe tuyến vú, thậm chí là hình thành các dải xơ hóa, u xơ tuyến vú.


Hiện tượng tắc tia sữa sau sinh mổ thường xảy ra ở phụ nữ trong những ngày đầu sau sinh
Hiện tượng tắc tia sữa sau sinh mổ thường xảy ra ở phụ nữ trong những ngày đầu sau sinh

2. Tắc tia sữa có cho con bú được không?

Sau khi sinh hoặc trong thời gian cho con bú, nếu sản phụ cảm thấy bầu ngực căng tức, nặng và nóng bất thường thì rất có khả năng đã bị tắc tia sữa. Sữa được tiết ra, các ống lym-phô ở tuyến vú và các mạch máu căng lên chèn vào các tuyến vú kiến các tia sữa bị nghẽn lại. Đôi khi chị em còn có cảm giác như bầu ngực muốn nổ tung, xuất hiện các cục cứng trong bầu ngực. Khi có những hiện tượng trên, chị em vẫn nên tiếp tục cho trẻ bú, thậm chí là tăng cường lượng bú và cữ bú để hút bớt sữa ra ngoài. Đồng thời dùng tay nắn bóp để sữa chảy ra hoặc dùng máy hút sữa hút sữa ra. Sau khoảng 1 - 2 ngày, tình trạng này sẽ đỡ dần và biến mất, bầu ngực của chị em sẽ trở về trạng thái bình thường.


Chị em vẫn nên tiếp tục cho trẻ bú, thậm chí là tăng cường lượng bú và cữ bú để hút bớt sữa ra ngoài
Chị em vẫn nên tiếp tục cho trẻ bú, thậm chí là tăng cường lượng bú và cữ bú để hút bớt sữa ra ngoài

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp đã áp dụng các phương pháp trên mà vẫn bị tắc tia sữa. Bầu ngực mỗi lúc một to lên, căng, cứng và đau, bề mặt da đỏ, nóng, sản phụ bị sốt... Lúc này, cần thông tia sữa càng sớm càng tốt, nếu không có thể dẫn đến áp xe vú. Chị em có thể tự thông bằng cách tiếp tục cho con bú và dùng tay ép sữa ra ngoài. Nên day ngực, đặc biệt là các vị trí nổi cục cứng để làm tan phần sữa đã đông cứng, day theo hình tròn và mức độ tăng dần. Vừa day vừa kết hợp chườm ấm, cho con bú hoặc dùng máy hút sữa hút sữa ra. Nếu tình trạng vẫn không tiến triển thì nên đến bệnh viện kiểm tra hoặc nhờ các đơn vị thông tắc tia sữa chuyên nghiệp.

Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec áp dụng phương pháp tác động cột sống để điều trị tắc tia sữa sau sinh mà không cần dùng đến thuốc. Với Phương pháp Tác động cột sống, kỹ thuật viên điều trị chủ yếu sử dụng phần mềm đầu ngón tay tác dụng vào cột sống phía lưng của bệnh nhân để điều chỉnh, khai thông tuyến sữa, giúp thông tia, làm mềm bầu vú. Do vậy trong trường hợp cấp thiết, thai phụ nên đến bệnh viện để được thăm khám và xử trí kịp thời, tránh những biến chứng không đáng có.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tắc tia sữa

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe