Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Tâm Lý - Bác sĩ lâm sàng - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Tắc ống dẫn trứng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh nữ khá thường gặp. Tình trạng này khiến cho trứng và tinh trùng không gặp được nhau, chiếm khoảng 25-30% trong tất cả các trường hợp vô sinh.
1. Tắc ống dẫn trứng là gì?
Ống dẫn trứng là một phần của cơ quan sinh sản ở nữ giới. Đây là một bộ phần để kết nối buồng trứng và tử cung. Mỗi tháng, tại thời điểm rụng trứng, xảy ra vào khoảng giữa chu kỳ kinh nguyệt, ống dẫn trứng mang một trứng được giải phóng từ buồng trứng đi vào lòng tử cung.
Quá trình thụ thai cũng xảy ra ngay bên trong ống dẫn trứng. Nếu một trứng sau khi được giải phóng từ buồng trứng, đi vào ống dẫn trứng và được thụ tinh bởi tinh trùng sẽ hình thành hợp tử. Hợp tử sẽ phân chia rất nhanh, tiếp tục di chuyển hết ống dẫn trứng vào đến lòng tử cung để làm tổ.
Nếu vì bất kỳ một lý do nào đó khiến ống dẫn trứng bị tắc, tinh trùng và trứng không gặp được nhau để thụ tinh, khả năng mang thai sẽ gặp khó khăn và thậm chí là vô sinh.
2. Nguyên nhân gì gây tắc ống dẫn trứng?
Ống dẫn trứng thường bị tắc nghẽn bởi các mô sẹo hoặc dây dính vùng chậu. Những điều này có thể được gây ra bởi một trong các yếu tố sau đây:
- Tiền căn bị viêm nhiễm trong vùng chậu: Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục do chlamydia và lậu có thể gây sẹo và dẫn đến bệnh viêm vùng chậu.
- Lạc nội mạc tử cung: Mô nội mạc tử cung có thể tích tụ trong ống dẫn trứng và bài tiết, gây tắc nghẽn. Mô nội mạc tử cung ở bên ngoài các cơ quan khác cũng có thể gây ra sự kết dính, gián tiếp làm tắc nghẽn ống dẫn trứng.
- Từng mang thai ngoài tử cung và can thiệp bóc tách túi thai có thể làm sẹo ống dẫn trứng.
- U xơ tử cung: Những khối u này có thể chặn ống dẫn trứng, đặc biệt là nơi chúng bám vào tử cung.
- Từng can thiệp phẫu thuật ổ bụng: Các cuộc phẫu thuật trong quá khứ, đặc biệt là trên ống dẫn trứng, có thể dẫn đến tình trạng dây dính vùng chậu làm tắc nghẽn ống dẫn trứng.
3. Triệu chứng tắc ống dẫn trứng như thế nào?
Ống dẫn trứng bị tắc nghẽn hầu như không gây ra bất kỳ một triệu chứng nào. Nhiều phụ nữ hoàn toàn không biết rằng họ gặp phải vấn đề tắc ống dẫn trứng cho đến khi họ cố gắng mang thai và nhiều lần gặp thất bại.
Trong một số rất ít trường hợp, ống dẫn trứng bị tắc có thể dẫn đến cảm giác đau nhẹ, thường xuyên ở một bên bụng. Điều này là do chất lỏng lấp đầy vào loa vòi vào trong ống dẫn trứng mà không giải thoát được (ứ dịch ống dẫn trứng).
Ngoài ra, các nguyên nhân cụ thể làm ống dẫn trứng bị tắc nghẽn có thể gây ra các triệu chứng chuyên biệt. Ví dụ, lạc nội mạc tử cung thường gây ra những cơn đau xuất hiện từ rất sớm, mức độ thường nặng nề, lan toàn bộ vùng chậu và có tương quan với chu kỳ kinh nguyệt.
4. Ảnh hưởng của tắc ống dẫn trứng đến khả năng sinh sản như thế nào?
Ống dẫn trứng bị tắc nghẽn là một nguyên nhân phổ biến của vô sinh nữ. Tinh trùng và trứng vì lý do này mà khó gặp nhau trong ống dẫn trứng để thụ tinh.
Nếu cả hai ống đều bị ngăn chặn hoàn toàn, người phụ nữ khó có thể mang thai tự nhiên mà không cần điều trị hỗ trợ gì. Nếu ống dẫn trứng bị tắc một phần, dù vẫn còn khả năng mang thai tự nhiên, nguy cơ mang thai ngoài tử cung sẽ tăng lên.
5. Chẩn đoán tắc ống dẫn trứng bằng cách nào?
Để xác nhận xem một hoặc cả hai ống dẫn trứng có bị tắc nghẽn hay không, bác sĩ sẽ cần phải thực hiện một trong hai thủ thuật như sau:
5.1. Chụp lòng tử cung - buồng trứng có cản quang
Người phụ nữ được hướng dẫn nằm trên bàn với tư thế phụ khoa. Một mỏ vịt được sử dụng để mở âm đạo, sau đó đặt ống thông để bơm chất cản quang qua cổ tử cung để vào tử cung.
Nếu trên phim chụp quan sát thấy thuốc thoát ra cả hai ống dẫn trứng thì được xem là bình thường. Ngược lại, nếu thuốc không thoát ra ngoài được thì có thể ống dẫn trứng đã bị tắc nghẽn hoàn toàn.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dù cho thấy được ống dẫn trứng có thông suốt, điều đó không có nghĩa là chức năng của ống là bình thường. Lớp niêm mạc bên trong của ống dẫn trứng có thể bị tổn thương nghiêm trọng, không bảo toàn được chức năng nhưng không thể hiện trên hình ảnh X quang.
5.2. Phẫu thuật nội soi
Một dụng cụ phẫu thuật gọi là nội soi được đưa vào ổ bụng qua một vết mổ rất nhỏ bên dưới rốn của người phụ nữ. Bác sĩ phẫu thuật có thể nhìn qua nội soi để xem liệu một hoặc cả hai ống dẫn trứng của bạn có thông suốt được hay không.
Bên cạnh đó, với công cụ nội soi, bác sĩ cũng có thể tìm thấy các vấn đề khác cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, chẳng hạn như mô sẹo dây dính hoặc lạc nội mạc tử cung.
6. Điều trị tắc vòi trứng như thế nào?
Nếu ống dẫn trứng bị tắc nghẽn do mô sẹo hoặc do các chất tiết gây kết dính, bác sĩ có thể giải phóng sự tắc nghẽn bằng phẫu thuật nội soi. Ngược lại, nếu ống dẫn trứng bị tắc nghẽn do dây dính quá mức, điều trị tái thông có thể khó thực hiện được.
Biến chứng khi can thiệp tắc ống dẫn trứng phổ biến nhất vẫn là tình trạng thai ngoài tử cung. Nguyên nhân là vì ống dẫn trứng vẫn còn nguy cơ bị tắc một phần, trứng có thể vẫn được thụ tinh nhưng sự di chuyển của phôi và buồng tử cung lại gặp khó khăn. Chính vì thế, các phụ nữ đã phẫu thuật ống dẫn trứng nên gặp bác sĩ ngay khi phát hiện đã mang thai để được siêu âm kiểm tra thai ngoài tử cung càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, phẫu thuật tái thông ống dẫn trứng vẫn chứa các rủi ro tiềm ẩn giống như bất kỳ phẫu thuật nào, bao gồm nhiễm trùng, tạo thêm mô sẹo dây dính, tổn thương các tạng xung quanh, chảy máu...
7. Khả năng mang thai sau can thiệp tắc ống dẫn trứng như thế nào?
Bạn vẫn có thể mang thai sau khi điều trị can thiệp tắc ống dẫn trứng. Cơ hội mang thai của bạn lúc này sẽ phụ thuộc vào phương pháp điều trị và mức độ nghiêm trọng của sự tắc nghẽn trước đó cần đến can thiệp.
Tắc ống dẫn trứng là một nguyên nhân gây vô sinh nữ. Nguyên nhân này khá thường gặp và cần giải quyết triệt để trước khi quyết định thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản nhân tạo.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: healthline.com, medicalnewstoday.com