“Cổ rùa khi nhắn tin” đang trở thành “đại dịch” và có thể hủy hoại cột sống của bạn.
Đầu người nặng khoảng 5-6kg. Nhưng khi cổ cúi và gập về phía trước, trọng lượng đè lên cột sống cổ sẽ tăng lên. Ở góc 15 độ, trọng lượng này là khoảng 12kg, ở góc 30 độ là 20kg, ở góc 45 độ là 25kg và ở góc 60 độ là 30kg.
Đó là gánh nặng mà cột sống cổ phải chịu đựng khi bạn nhìn chằm chằm vào điện thoại thông minh - cách mà hàng triệu người hiện nay đang làm hàng giờ mỗi ngày, theo nghiên cứu được BS. Kenneth Hansraj công bố trên tạp chí Surgical Technology International. Theo thời gian, các nhà nghiên cứu cho biết, tư thế xấu này có thể dẫn đến tổn thương, thoái hóa cột sống, đôi khi phải cần đến phẫu thuật cột sống để khắc phục thương tổn.
“Đây là một bệnh dịch, hoặc ít nhất, nó rất phổ biến,” BS. Hansraj, trưởng khoa phẫu thuật cột sống tại khoa Phục hồi chức năng và Phẫu thuật Cột sống New York cho biết. “Chỉ cần nhìn xung quanh, bạn sẽ thấy hầu hết mọi người đều gập cổ.”
Bạn chưa hình dung được tầm quan trọng của sức nặng 30 kg dồn lên cổ? Hãy tưởng tượng bạn mang một đứa trẻ 8 tuổi quanh cổ của mình vài giờ mỗi ngày thì sẽ hiểu được tầm nghiêm trọng của vấn đề. Người dùng điện thoại thông minh dành trung bình từ 2 đến 4 giờ mỗi ngày để đọc e-mail, gửi tin nhắn hoặc vào các trang mạng xã hội. Theo nghiên cứu, mỗi người sẽ dành 700 đến 1.400 giờ mỗi năm ở tư thế gập cổ, qua đó tạo sức ép lên cột sống của họ. Trong đó, học sinh trung học là tồi tệ nhất, vì có thể ngầm hiểu rằng đối tượng học sinh phải dành thêm 5.000 giờ mỗi năm để sử dụng điện thoại hoặc máy tính ở tư thế này trong quá trình học tập - BS. Hansraj cho biết. Ông nói: “Vấn đề thực sự sâu sắc ở những người trẻ tuổi. Với tình trạng sức ép quá mức ở cổ, chúng ta có thể thấy rằng những người trẻ tuổi cần được chăm sóc về cột sống. Tôi thực sự muốn thấy các bậc cha mẹ hướng dẫn con cái họ nhiều hơn.”
Các chuyên gia y tế đã cảnh báo mọi người về vấn đề này trong nhiều năm. Một số người cho rằng cứ mỗi 2cm đầu nghiêng về phía trước, áp lực tác động lên cột sống sẽ tăng gấp đôi.Tom DiAngelis, chủ tịch khối hành nghề tư nhân của Hiệp hội Vật lý trị liệu Hoa Kỳ cho biết: hiệu ứng này tương tự như việc uốn cong một ngón tay hết cỡ và giữ nó ở tư thế đó trong khoảng một giờ. Ông nói: “Khi bạn kéo căng tổ chức phần mềm trong một thời gian dài, nó sẽ bị đau và bị viêm. Nó cũng có thể gây căng cơ, chèn ép dây thần kinh, thoát vị đĩa đệm và theo thời gian, nó thậm chí có thể làm mất đi đường cong tự nhiên của cổ. Đó là rủi ro đối với khoảng 58% người Mỹ trưởng thành sở hữu điện thoại thông minh.
Michelle Collie - Trưởng khoa Vật lý trị liệu ở Rhode Island nói với CNN rằng: khoảng sáu hoặc bảy năm trước đây (tức là từ năm 2007), cô ấy đã bắt đầu gặp những bệnh nhân bị đau đầu, cổ và lưng do công nghệ di động gây nên. Tư thế xấu cũng có thể gây ra các vấn đề khác. Các chuyên gia cho biết nó có thể làm giảm dung tích phổi tới 30%, nó cũng liên quan đến đau đầu và các vấn đề về thần kinh, trầm cảm và bệnh tim. Nhóm nghiên cứu của BS. Hansraj cho biết: “Mặc dù không thể không sử dụng công nghệ, nhưng mọi người nên cố gắng nhìn điện thoại ở tư thế trung tính (cổ ở tư thế thẳng) và tránh gập cổ xuống hàng giờ mỗi ngày”. BS. Hansraj đã đưa ra những lời khuyên cho người dùng điện thoại thông minh để tránh bị đau:
- Nhìn xuống điện thoại bằng mắt mà không cần phải gập cổ;
- Bài tập: Di chuyển đầu từ trái sang phải nhiều lần. Sử dụng tay để tạo lực cản và đẩy đầu của bạn, di chuyển đầu về phía trước và phía sau. Đứng ở ngưỡng cửa với hai cánh tay duỗi thẳng và đẩy ngực về phía trước để làm mạnh các khối cơ ở tư thế thích hợp.
"Tôi yêu công nghệ. Tôi không đả kích công nghệ theo bất kỳ cách nào,” BS. Hansraj nói. “Thông điệp của tôi là: Chỉ cần nhận thức đúng vị trí của đầu bạn so với điện thoại thông minh, hãy tiếp tục tận hưởng thiết bị công nghệ này và đảm bảo rằng bạn luôn ngẩng cao đầu.”Ths. BS. Trương Văn Trí - Trưởng Đơn nguyên phẫu thuật thần kinh chức năng, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Central Park (dịch).
Nguồn:
1. Lindsey B, ‘Text neck’ is becoming an ‘epidemic’ and could wreck your spine ever, Washington Post, November 2014.
2. Hansraj, K. K. (2014). Assessment of stresses in the cervical spine caused by posture and position of the head. Surg Technol Int, 25(25), 277-9.
https://surgicaltechnology.com/LibraryOnline/25-Neuro-and-Spine-Surgery.htm