Tác dụng phụ của thuốc điều trị dậy thì sớm

Dậy thì sớm là khi cơ thể của trẻ thay đổi thành cơ thể của người lớn bắt đầu trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Dậy thì bao gồm sự phát triển nhanh chóng của xương, cơ, những thay đổi về hình dạng, kích thước cơ thể, và phát triển khả năng sinh sản. Phương pháp điều trị dậy thì sớm thường sử dụng thuốc ức chế dậy thì sớm. Vậy việc điều trị thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ gì cho trẻ không?

1. Nguyên nhân gây dậy thì sớm

Dậy thì sớm là kết quả của việc kích hoạt sớm trục dưới đồi-tuyến yên-tuyến sinh dục khiến cho sự thay đổi về thể chất và sinh lý bao gồm sự phát triển nhanh chóng của xương và cơ, những thay đổi về hình dạng - kích thước cơ thể, và sự phát triển về khả năng sinh sản.

Các yếu tố góp phần cho sự phát triển sớm bao gồm:

1.1. Tuyến yên

Tuyến yên điều chỉnh việc giải phóng hầu hết các hormone của cơ thể. Nó là một tuyến có kích thước bằng hạt đậu nằm bên dưới não. Tuyến yên kiểm soát việc giải phóng các hormon tuyến giáp, tuyến thượng thận, tăng trưởng và sinh dục. Vùng dưới đồi, nằm trong não phía trên tuyến yên, điều chỉnh việc giải phóng các hormone từ tuyến yên.

1.2. Nội tiết tố

Nội tiết tố chính là sứ giả mang thông tin từ tế bào này sang tế bào khác trong cơ thể. Hormone được máu vận chuyển khắp cơ thể và chịu trách nhiệm điều chỉnh nhiều chức năng của cơ thể. Cơ thể tạo ra nhiều hormone (ví dụ: tuyến giáp, hormone tăng trưởng, giới tính và tuyến thượng thận) hoạt động cùng nhau để duy trì chức năng bình thường của cơ thể. Các hormone liên quan đến việc kiểm soát tuổi dậy thì bao gồm:

  • GnRH: Hormone giải phóng gonadotropin, xuất phát từ vùng dưới đồi và kiểm soát việc giải phóng hormone tạo hoàng thể (hormone LH) và hormone kích thích nang trứng (hormone FSH) từ tuyến yên.
  • LH: Luteinizing hormone, một trong các loại hormone tuyến yên kết hợp với hormone FSH kích thích sản xuất hormone sinh dục nam/nữ trong tinh hoàn/buồng trứng.
  • FSH: Hormone kích thích nang trứng, một hormon tuyến yên kết hợp với hormon LH kích thích sự phát triển của tinh trùng/trứng.
  • Testosterone: Một hormone sinh dục nam (androgen), được tạo ra bởi tinh hoàn ở các bé trai. Nó cũng xuất hiện với số lượng nhỏ hơn ở trẻ em gái. Các nội tiết tố androgen khác từ tuyến thượng thận (nằm gần thận) tạo ra lông mu và lông nách ở tuổi dậy thì.
  • Estrogen: Một hormone sinh dục nữ, chịu trách nhiệm cho sự phát triển của ngực ở trẻ em gái. Nó được tạo ra chủ yếu bởi buồng trứng, nhưng cũng có ở các bé trai với số lượng ít hơn.
  • Hormone giới tính: Chịu trách nhiệm về sự phát triển của các dấu hiệu dậy thì cũng như những thay đổi trong hành vi và khả năng có con.

Dậy thì sớm là khi cơ thể của trẻ thay đổi thành cơ thể của người lớn bắt đầu trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai
Dậy thì sớm là khi cơ thể của trẻ thay đổi thành cơ thể của người lớn bắt đầu trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai

Nguyên nhân gây dậy thì sớm ở bé gái và bé trai cho đến nay vẫn chưa rõ ràng. Trong một số trường hợp, tuyến yên báo hiệu buồng trứng và tinh hoàn tạo ra các hormone nữ và nam sớm hơn bình thường. Trong những trường hợp khác, các dấu hiệu dậy thì sớm xảy ra do các bất thường ở buồng trứng, tinh hoàn, tuyến yên và tuyến thượng thận. Để khẳng định chắc chắn con bạn có bị dậy thì sớm hay không thì cần làm một số xét nghiệm như chụp x - quang xương, chụp cộng hưởng từ (chụp MRI), xét nghiệm kích thích hormone giải phóng gonadotropin (hormone GnRH) và các xét nghiệm máu khác...

2. Điều trị dậy thì sớm

Nếu trẻ được chẩn đoán dậy thì sớm thì việc điều trị bằng thuốc là chắc chắn cần thiết. Mục tiêu của điều trị bằng thuốc này là ức chế dậy thì sớm và giảm tốc độ trưởng thành của xương. Quá trình trưởng thành xương nhanh chóng sẽ khiến chiều cao khi trưởng thành của trẻ thấp hơn so với chiều cao tiềm năng của trẻ. Sau vài tháng điều trị đầu tiên, sự phát triển nhanh chóng của con bạn sẽ chậm lại, và giai đoạn dậy thì của trẻ sẽ không thay đổi.

Các chất tương tự GnRH được tiêm mỗi 3 hoặc 4 tuần hoặc dưới dạng cấy ghép ngay dưới da cánh tay trong của trẻ 12 tháng một lần. Trẻ sẽ được dùng thuốc cho đến khi thích hợp để tiếp tục dậy thì. Nghiên cứu cho đến nay chỉ ra rằng, khi ngừng điều trị, tuổi dậy thì sẽ tiếp tục và tiến triển bình thường.

Các loại thuốc dùng điều trị dậy thì sớm điển hình như:

  • Lupron Depot - Ped có 2 dạng thuốc điều trị dùng thuốc 3 tháng một lần và dùng thuốc 1 tháng một lần. Với liều 3 tháng, con bạn sẽ được tiêm 4 mũi mỗi năm thay vì 12 mũi bắt buộc với liều hàng tháng.
  • Super Lin LA là phương pháp điều trị duy nhất mỗi năm một lần cho giai đoạn dậy thì sớm trung ương. Một liều SUPERLIN LA duy nhất cung cấp đủ 1 năm thuốc trong 1 lần cấy ghép để giúp ức chế các hormone sinh dục.
  • Tripod (triptorelin) là loại thuốc đầu tiên được FDA chấp thuận cho điều trị CPP (dậy thì sớm trung ương) cung cấp liều lượng sáu tháng một lần, được sử dụng bằng một mũi tiêm bắp (IM) duy nhất. Điều trị bằng Tripod không cần phẫu thuật.
  • Fensolvi (leuprolide acetate) dạng hỗn dịch tiêm là phương pháp điều trị tiêm dưới da đầu tiên và duy nhất kéo dài 6 tháng cho trẻ dậy thì sớm trung ương. Fensolvi sử dụng một cây kim ngắn và thể tích tiêm nhỏ cho phép tiêm dưới da thay vì sâu vào cơ.

Nếu trẻ được chẩn đoán dậy thì sớm thì việc điều trị bằng thuốc là chắc chắn cần thiết
Nếu trẻ được chẩn đoán dậy thì sớm thì việc điều trị bằng thuốc là chắc chắn cần thiết

3. Tác dụng phụ của các thuốc điều trị dậy thì sớm

3.1. Lupron Depot - Ped

Thuốc điều chế dạng hỗn dịch khô pha tiêm bắp hàm lượng 7,5 mg, 11,25 mg, 15 mg cho đợt điều trị 1 tháng và 11,25 mg, 30 mg cho đợt điều trị 3 tháng được kê đơn để điều trị trẻ em bị dậy thì sớm trung ương (CPP).

  • Lưu ý khi dùng thuốc

Trong 2 - 4 tuần đầu tiên điều trị Lupron Depot - Ped có thể làm tăng một số hormone khiến bạn nhận thấy nhiều dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ hơn như chảy máu âm đạo.

Một số trẻ dùng thuốc chủ vận hormone giải phóng gonadotropin (GnRH) như Lupron Depot - Ped đã mắc các vấn đề về tâm thần mới hoặc trầm trọng hơn các triệu chứng cũ. Các vấn đề về tâm thần có thể bao gồm các triệu chứng cảm xúc như: Khóc lóc, khó chịu, bồn chồn, thiếu kiên nhẫn, tức giận, hành động hung hăng.

Một số trẻ sử dụng thuốc Lupron Depot - Ped khiến nguy có co giật tăng cao hơn ở những trẻ có tiền sử co giật; tiền sử động kinh; tiền sử các vấn đề về não hoặc mạch não (mạch máu não) hoặc khối u; đang dùng thuốc có liên quan đến động kinh, chẳng hạn như bupropion hoặc thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)

  • Tác dụng phụ của thuốc

Với thuốc sử dụng 1 lần mỗi tháng:

  • Phản ứng tại chỗ tiêm như sưng, đau, áp xe
  • Tăng cân
  • Đau khắp cơ thể
  • Nhức đầu
  • Nổi mụn hoặc mẩn đỏ, ngứa và vảy trắng (tăng tiết bã nhờn )
  • Phát ban da nghiêm trọng (ban đỏ đa dạng)
  • Thay đổi tâm trạng
  • Sưng âm đạo (viêm âm đạo), chảy máu âm đạo và tiết dịch âm đạo

Với thuốc sử dụng 3 tháng 1 lần:

  • Đau tại chỗ tiêm, sưng tấy
  • Tăng cân
  • Nhức đầu
  • Thay đổi tâm trạng

3.2. Supprelin LA

Được bào chế dưới dạng que cấy, mỗi que thuốc chứa hydrogel polymer vô trùng, không phân hủy, kiểm soát sự khuếch tán, được thiết kế để cung cấp histrelin acetate liên tục trong 12 tháng sau khi cấy dưới da. Que cấy vô trùng chứa 50 mg histrelin acetate và cung cấp khoảng 65 mcg histrelin acetate mỗi ngày trong vòng 12 tháng.

Supprelin LA nên được loại bỏ sau 12 tháng điều trị (thiết bị cấy ghép đã được thiết kế để cho phép giải phóng histrelin acetate thêm vài tuần, để dành thời gian cho các cuộc hẹn khám y tế). Tại thời điểm loại bỏ một mô cấy, một mô cấy khác có thể được cấy vào để tiếp tục điều trị. Việc ngừng sử dụng Supprelin LA nên được xem xét theo quyết định của bác sĩ và vào thời điểm thích hợp để bắt đầu dậy thì (khoảng 11 tuổi đối với nữ và 12 tuổi đối với nam).


Trẻ sẽ được dùng thuốc cho đến khi thích hợp để tiếp tục dậy thì
Trẻ sẽ được dùng thuốc cho đến khi thích hợp để tiếp tục dậy thì

  • Chống chỉ định

Supprelin LA chống chỉ định ở những bệnh nhân quá mẫn cảm với hormone giải phóng gonadotropin (GnRH) hoặc các chất tương tự chủ vận GnRH .

Phụ nữ có thai.

  • Tác dụng phụ

Trong vài tuần đầu sử dụng Supprelin LA có thể làm tăng một số hormone trong thời gian ngắn và trong thời gian này, bạn có thể nhận thấy nhiều dấu hiệu dậy thì ở trẻ hơn, bao gồm chảy máu âm đạo nhẹ và vú to ở trẻ em gái. Trong vòng 4 tuần điều trị, bạn sẽ thấy các dấu hiệu ở trẻ cho thấy tuổi dậy thì đang dừng lại.

Tác dụng phụ thường gặp là phản ứng da tại nơi cấy ghép. Những phản ứng như vậy có thể bao gồm bầm tím, đau nhức, đau, ngứa ran, ngứa và sưng tấy. Chúng thường tự khỏi mà không cần điều trị trong vòng 2 tuần.

3.3. Triptodur

Được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm phóng thích kéo dài dùng tiêm bắp liều lượng 22,5mg pha loãng dung dịch được chỉ định tiêm mỗi 6 tháng 1 lần để điều trị bệnh nhi từ 2 tuổi trở lên bị dậy thì sớm trung ương (CPP).

  • Chống chỉ định

Triptodur chống chỉ định ở những bệnh nhân quá mẫn cảm với hormone giải phóng gonadotropin (GnRH) hoặc các chất tương tự chủ vận hormone GnRH .

  • Tác dụng phụ
  • Phản ứng quá mẫn: Sốc phản vệ, phù mạch, nổi mày đay
  • Tăng huyết áp
  • Rối loạn cảm xúc: chẳng hạn như khóc, cáu kỉnh, thiếu kiên nhẫn, tức giận và hung hăng.
  • Co giật ở những bệnh nhân có tiền sử co giật, động kinh, rối loạn mạch máu não, bất thường hệ thần kinh trung ương hoặc khối u, và bệnh nhân sử dụng đồng thời các loại thuốc có liên quan đến co giật như bupropion và SSRIs.
  • Giảm thị lực, rối loạn thị giác
  • Trong vài tuần đầu sử dụng Triptodur có thể làm tăng một số hormone trong thời gian ngắn và trong thời gian này, bạn có thể nhận thấy nhiều dấu hiệu dậy thì ở trẻ hơn, bao gồm chảy máu âm đạo nhẹ

Tác dụng phụ của các thuốc điều trị dậy thì sớm có thể khiến trẻ sốc phản vệ, phù mạch, nổi mày đay
Tác dụng phụ của các thuốc điều trị dậy thì sớm có thể khiến trẻ sốc phản vệ, phù mạch, nổi mày đay

3.4. Fensolvi

Fensolvi là một loại thuốc được gọi là “chất chủ vận hành hormone GnRH”. Nó được tiêm dưới dạng một miếng gel nhỏ có chứa thuốc ở dưới da trong 6 tháng, cung cấp nguồn thuốc ổn định cho cơ thể. Sau khi được tiêm, gel sẽ biến thành chất rắn phân hủy sinh học, cung cấp nguồn thuốc ổn định cho cơ thể. Điều này có thể giúp ngăn chặn làn sóng hormone GnRH gây dậy thì sớm.

  • Chống chỉ định

Fensolvi chống chỉ định ở những bệnh nhân quá mẫn cảm với hormone giải phóng gonadotropin (hormone GnRH) hoặc các chất tương tự chủ vận hormone GnRH .

  • Tác dụng phụ
  • Các tác dụng phụ phổ biến nhất được thấy trong các nghiên cứu với Fensolvi là đau/mẩn đỏ tại chỗ tiêm, cảm lạnh/đau họng, sốt, nhức đầu, ho, đau dạ dày, buồn nôn, táo bón, nôn mửa, thở khò khè, ho có đờm và nóng bừng mặt.
  • Thay đổi về cảm xúc: Khóc, cáu kỉnh, thiếu kiên nhẫn, tức giận và hung hăng.
  • Trong thời gian đầu điều trị Fensolvi có thể làm tăng một số hormone khiến bạn nhận thấy nhiều dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ hơn như chảy máu âm đạo.

Trên đây là một số thông tin hữu ích và cơ bản nhất về tác dụng phụ của các thuốc điều trị dậy thì sớm. Điều quan trọng bạn cần nhớ là dù trẻ dùng loại thuốc nào, bạn cũng cần theo dõi sát sao tình trạng của trẻ để tránh các tác dụng phụ nghiêm trọng. Luôn động viên tinh thần của trẻ, theo dõi bước đi của con trên con đường trưởng thành, và đặc biệt nếu có thể hãy trở thành một người bạn của con để con có thể tâm sự mọi điều còn khúc mắc. Lưu ý cho trẻ đi khám và kiểm tra hành tháng hoặc 3 tháng 1 lần.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: magicfoundation.org, rxlist.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe