Thuốc Synthroid thường được chỉ định để điều trị cho những trường hợp mắc chứng nhược giáp, tức tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả và không sản xuất đủ lượng hormone levothyroxine cần thiết. Khi sử dụng Synthroid, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng liều lượng và chỉ dẫn mà bác sĩ đã khuyến cáo trước đó nhằm sớm khắc phục bệnh.
1. Synthroid là thuốc gì?
Synthroid là thuốc tuyến giáp, giúp thay thế cho hormone chứa levothyroxine khi tuyến giáp không thể sản sinh ra đủ để đảm bảo cơ thể điều chỉnh được mức năng lượng và trao đổi chất. Hiện nay, Synthroid cũng được sử dụng cho những bệnh nhân cần phẫu thuật và điều trị bằng biện pháp i - ốt phóng xạ nhằm kiểm soát bệnh ung thư tuyến giáp biệt hoá tiên lượng tốt.
Thuốc Synthroid được dùng theo đơn của bác sĩ, do đó người bệnh chỉ được phép sử dụng khi có chỉ định. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hoặc đưa thuốc cho người khác có những triệu chứng tương tự khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ hay dược sĩ.
2. Thuốc Synthroid có tác dụng gì?
Hoạt chất chính Levothyroxine trong thuốc Synthroid là một loại hormone tuyến giáp nhân tạo được sử dụng để điều trị tình trạng tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp). Levothyroxine giúp thay thế hoặc cung cấp thêm cho cơ thể hormone tuyến giáp. Thực tế, việc thiếu hụt hormone tuyến giáp có thể xảy ra tự nhiên hoặc khi tuyến giáp bị tổn thương do thuốc / phóng xạ hay phẫu thuật cắt bỏ. Để duy trì các hoạt động thể chất và tinh thần khỏe mạnh, điều quan trọng là luôn đảm bảo nồng độ hormone Levothyroxine đầy đủ trong cơ thể. Đặc biệt đối với trẻ em, Levothyroxine rất cần thiết cho sự phát triển bình thường về mặt tinh thần lẫn thể chất.
Bên cạnh đó, Levothyroxine trong thuốc Synthroid cũng được sử dụng để điều trị các tình trạng rối loạn tuyến giáp khác, ví dụ như ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, thuốc này không nên dùng trong điều trị vô sinh, ngoại trừ nguyên nhân xuất phát của bệnh là do nồng độ hormone Levothyroxine thấp trong cơ thể.
3. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Synthroid
Hiện nay, thuốc Synthroid thường được bác sĩ kê đơn cho những trường hợp dưới đây:
- Điều trị bệnh suy tuyến giáp.
- Điều trị hoặc hỗ trợ ngăn chặn tình trạng bướu cổ do mất cân bằng hormone tuyến giáp, ung thư, phẫu thuật hoặc xạ trị.
Tuy nhiên, cần tránh dùng thuốc Synthroid cho những đối tượng bệnh nhân dưới đây khi chưa có chỉ định của bác sĩ:
- Người bệnh có tiền sử quá mẫn hoặc dị ứng với chất Levothyroxine nhân tạo hay bất kỳ thành phần tá dược có trong công thức thuốc.
- Người bị rối loạn tuyến thượng thận không thể kiểm soát hoặc không được điều trị.
- Người bị rối loạn tuyến giáp, hay còn gọi là nhiễm độc giáp.
- Người có các triệu chứng của cơn đau tim như cảm giác nặng nề, đau ở ngực, cơn đau lan đến hàm/ vai, đổ mồ hôi, buồn nôn và có cảm giác yếu toàn thân.
4. Nên sử dụng thuốc Synthroid như thế nào cho hiệu quả?
Thuốc Synthroid cần được sử dụng chính xác với liều lượng và tần suất đã được bác sĩ quy định. Bệnh nhân cũng cần thực hiện theo đúng hướng dẫn được ghi trên nhãn thuốc hoặc tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ, nhất là khi có chỉ định thay đổi liều lượng.
Thuốc Synthroid hoạt động hiệu quả nhất khi được dùng vào lúc đói bụng, khoảng 30 – 60 phút trước bữa sáng. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén dùng bằng đường uống. Bệnh nhân nên uống nguyên viên thuốc với ly nước đầy, tránh nhai thuốc. Ngoài ra, để tránh quên liều Synthroid, bạn nên cố gắng uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ em không thể nuốt nguyên viên, người chăm sóc có thể nghiền nát viên thuốc và trộn cùng 5 – 10ml nước cho bé uống bằng ống nhỏ giọt hoặc thìa. Tránh bảo quản hỗn hợp thuốc đã trộn với nước, đồng thời không trộn lẫn cùng với những loại thực phẩm khác có thể làm giảm khả năng hấp thu hoạt chất Levothyroxine, ví dụ như sữa công thức cho trẻ làm từ đậu nành. Ngoài ra, liều dùng Levothyroxine sẽ được xác định dựa trên trọng lượng cơ thể của trẻ. Nhu cầu về liều thuốc của bé có thể thay đổi nếu trẻ giảm hoặc tăng cân.
Nhìn chung, cơ thể bạn sẽ mất khoảng vài tuần trước khi bắt đầu phản ứng với thuốc. Theo khuyến cáo của bác sĩ, bệnh nhân cần tiếp tục dùng thuốc Synthroid ngay cả khi cảm thấy khoẻ mạnh hoặc giảm triệu chứng. Bởi lẽ, thuốc Synthroid cần được duy trì sử dụng cho đến hết đời.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần thường xuyên làm các xét nghiệm y tế để theo dõi chức năng tuyến giáp. Trước khi phẫu thuật hay điều trị bất kỳ bệnh lý khác, hãy báo cho bác sĩ rằng bạn đang sử dụng Synthroid.
Thuốc Synthroid cần được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh nơi có nhiệt độ cao hoặc quá ẩm thấp. Bên cạnh đó, tuyệt đối không dùng chung Synthroid với người khác, ngay cả khi họ có cùng triệu chứng.
5. Liều dùng thuốc Synthroid theo khuyến cáo chung
Dưới đây là liều lượng sử dụng thuốc thay thế hormone tuyến giáp Synthroid theo chỉ định chung của bác sĩ:
Liều điều trị suy giáp cho người lớn và thanh thiếu niên:
- Liều khởi đầu: Uống 1,6mcg/ kg thể trọng/ ngày. Sau đó, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều từ 12,5 – 25mcg/ 4 – 6 tuần cho tới khi người bệnh có nồng độ hormone tuyến giáp bình thường và TSH huyết thanh trở lại mức hợp lý.
- Liều tăng cường: Uống 200mcg / ngày (hiếm khi được chỉ định). Thực tế, rất ít trường hợp bệnh nhân cần điều trị với liều hàng ngày cao hơn 300mcg. Những trường hợp không điều trị hiệu quả có thể do tương tác và hấp thu thuốc kém.
Liều điều trị cho bệnh nhân cao tuổi hoặc mắc bệnh tim:
- Liều khởi đầu: Uống 12,5 – 25mcg/ ngày.
- Liều tăng cường: Được điều chỉnh sau mỗi 6 – 8 tuần cho đến khi mức hormone tuyến giáp và TSH huyết thanh của bệnh nhân trở lại bình thường.
- Liều thay thế hoàn toàn: Uống dưới 1mcg/ kg thể trọng/ ngày.
Liều điều trị cho bệnh nhân bị suy giáp nghiêm trọng kéo dài:
- Liều khởi đầu: Uống từ 12,5 – 25mcg/ ngày.
- Liều tăng cường: Được điều chỉnh sau mỗi 2 – 4 tuần điều trị cho đến khi mức TSh huyết thanh và nồng độ hormone tuyến giáp của bệnh nhân về mức bình thường.
Liều cho phụ nữ mang thai mắc nhược giáp trước đó:
- Điều chỉnh liều tăng dần trong thai kỳ, thường từ 12,5 – 25mcg/ ngày.
- Mỗi 4 tuần cần đo mức TSH cho đến khi đạt liều thuốc Synthroid ổn định.
- Cần giảm liều Synthroid trước khi mang thai và đo lại mức TSH huyết thanh khoảng 4 – 8 tuần sau sinh để có liều dùng phù hợp.
Liều điều trị cho bệnh nhân mới khởi phát chứng nhược giáp:
- Liều ban đầu cho người có triệu chứng từ vừa – nghiêm trọng: Uống 1,6mcg/ kg thể trọng/ ngày.
- Liều ban đầu cho người có triệu chứng nhẹ: Uống 1mcg/ kg thể trọng/ ngày.
Bệnh nhân cần dùng đúng liều lượng đã được bác sĩ chỉ định. Trong trường hợp bỏ lỡ một liều thuốc Synthroid, người bệnh cần uống bù liều càng sớm càng tốt. Tránh uống chồng liều hoặc dùng quá gần với liều kế tiếp. Nếu bạn uống quá liều Synthroid và gặp các triệu chứng bất lợi, hãy đến ngay trung tâm y tế để được hỗ trợ.
6. Thuốc Synthroid gây ra những tác dụng phụ gì?
Bệnh nhân cần được cấp cứu ngay nếu có dấu hiệu của phản ứng dị ứng với hoạt chất Levothyroxine trong thuốc, bao gồm khó thở, phát ban, sưng lưỡi/ môi/ mặt/ cổ họng. Ngoài ra, báo cho bác sĩ sớm nếu xuất hiện những triệu chứng sau:
- Nhịp tim không đều/ đập nhanh.
- Khó thở.
- Đau tức ngực, cơn đau lan đến hàm hoặc vai.
- Bốc hỏa, sốt hoặc đổ mồ hôi.
- Cảm thấy lạnh bất thường, run người.
- Mệt mỏi, suy nhược, khó ngủ hoặc mất ngủ.
- Cảm thấy chán nản, dễ cáu kỉnh hoặc có vấn đề về trí nhớ.
- Chuột rút ở chân, đau đầu hoặc đau nhức cơ bắp.
- Lo lắng.
- Rụng tóc, khô da.
- Kinh nguyệt không đều.
- Tiêu chảy, nôn mửa, thay đổi cân nặng và khẩu vị.
Đối với người lớn tuổi khi dùng thuốc Synthroid có thể gặp phải các tác dụng phụ sau:
- Nhịp tim không đều.
- Đau ngực.
- Khó thở.
- Chuột rút chân, đau đầu, đau / yếu cơ.
- Khó ngủ, run, lo lắng hoặc cáu kỉnh.
- Cảm thấy nóng.
- Tăng khẩu vị.
- Giảm cân.
- Tiêu chảy.
- Rụng tóc hoặc phát ban trên da.
Trên đây chưa phải là danh sách đầy đủ các phản ứng bất lợi liên quan đến thuốc Synthroid. Bệnh nhân cần ngừng thuốc và báo cho bác sĩ nếu cơ thể xuất hiện bất kỳ tác dụng phụ nào được đề cập ở trên nhằm đảm bảo an toàn và ngăn các di chứng sức khoẻ khác.
7. Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc Synthroid?
Thuốc Synthroid không nên sử dụng cho những trường hợp bị béo phì hoặc mắc các vấn đề về cân nặng. Việc lạm dụng Synthroid quá mức có thể dẫn đến những tác dụng phụ nguy hiểm hoặc thậm chí gây tử vong, nhất là những người đang dùng bất kỳ loại thuốc ức chế cơn thèm ăn hay giảm cân.
Vì hormone Levothyroxine tuyến giáp được sản xuất tự nhiên trong cơ thể, do đó hầu như ai cũng có thể sử dụng loại thuốc này. Tuy nhiên, một số trường hợp dưới đây cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định dùng thuốc nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe:
- Người có khối u tuyến giáp.
- Có cục máu đông, rối loạn đông máu hoặc bệnh tim.
- Mắc bệnh tiểu đường.
- Bệnh thận.
- Thiếu hồng cầu.
- Mật độ khoáng xương thấp / loãng xương.
- Có vấn đề với tuyến yên.
- Dị ứng với bất kỳ loại thực phẩm / thuốc nào khác.
Ngoài ra, tránh dùng chung các loại thuốc dưới đây với Synthroid để phòng trừ nguy cơ xảy ra tương tác bất lợi:
- Canxi cacbonat như Caltrate, Alka-Mints, Oyster Shell Canxi,...
- Colesevelam.
- Sucralfate.
- Natri polystyrene sulfonate.
- Thuốc giảm axit dạ dày.
- Thuốc kháng axit chứa magie hoặc nhôm.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Synthroid, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Synthroid là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể gặp phải những tác dụng không mong muốn.
Nguồn tham khảo: drugs.com, webmd.com, synthroid.com