Tác dụng của thuốc Neometin

Thuốc Neometin là thuốc điều trị viêm âm đạo nguyên nhân do Trichomonas và Gardnerella vaginalis, nấm Candida albicans, nhiễm đồng thời Trichomonas và nấm men. Đồng thời, thuốc đặt Neometin cũng có tác dụng tốt trong điều trị bệnh viêm âm đạo do nhiều tác nhân phối hợp. Thuốc được sử dụng để phòng ngừa 5 ngày trước và sau can thiệp các thủ thuật phụ khoa.

1. Thuốc đặt Neometin có tốt không?

Mỗi viên nén thuốc đặt Neometin bao gồm các thành phần dược chất chính như sau:

  • Nystatin hàm lượng 22,73mg.
  • Metronidazol có hàm lượng 500mg.
  • Neomycin Sulfat chứa hàm lượng 108,3mg.
  • Tá dược vừa đủ 1 viên.

Dạng bào chế: Dạng viên nén không bao phim, viên thuốc đặt âm đạo.

Hoạt chất Nystatin là một loại kháng sinh diệt nấm polyene và nhạy cảm với các loại nấm mốc, nấm men – trong đó có Candida. Thuốc được sử dụng trong điều trị các bệnh như nhiễm nấm ở mô mềm và niêm mạc như tưa lưỡi, viêm họng, viêm âm đạo,....

Nystatin hấp thu kém qua đường tiêu hóa, thuốc không hấp thu qua niêm mạc và bề mặt da. Thuốc chủ yếu được thải trừ qua đường tiêu hóa dưới dạng phân chưa được chuyển hóa.


Thuốc Neometin có tác dụng tốt trong điều trị bệnh viêm âm đạo
Thuốc Neometin có tác dụng tốt trong điều trị bệnh viêm âm đạo

2. Tác dụng của thuốc Neometin

Tác dụng của các thành phần có trong viên thuốc đặt Neometin:

  • Nystatin: Đây là loại kháng sinh kháng nấm có hoạt lực kìm hãm và diệt nấm. Cơ chế hoạt động là liên kết với Sterol ở thành tế bào nấm dẫn đến thay đổi tính thấm của màng làm rò rỉ các chất trong tế bào ra bên ngoài. Từ đó, nấm sẽ bị tiêu diệt.
  • Metronidazol: Là dẫn chất của 5 - Nitro - Imidazol. Thành phần này có tác dụng diệt khuẩn bằng cách chuyển thành chất trung gian gây độc tế bào trong ký sinh trùng. Sau đó, thuốc liên kết với cấu trúc xoắn của DNA khiến vỡ các sợi DNA gây chết vi khuẩn. Metronidazol là thành phần có tác dụng tốt với cả amip ở trong và ngoài ruột, cả thể cấp và thể mạn. Với lỵ amip mạn ở ruột, thuốc có tác dụng yếu hơn nguyên nhân do thuốc ít xâm nhập vào đại tràng. Thuốc còn có tác dụng tốt với Trichomonas vaginalis, Giardia, các vi khuẩn kỵ khí gram âm kể cả Bacteroid, Clostridium, Helicobacter nhưng không có tác dụng trên vi khuẩn ưa khí. Nhóm nitro trong thành phần của hoạt chất metronidazol bị khử bởi protein vận chuyển electron hay bởi ferredoxin. Metronidazol dạng khử có khả năng làm mất cấu trúc xoắn của ADN, tiêu diệt vi khuẩn và sinh vật dạng đơn bào.
  • Neomycin Sulfate: Đây là thành phần có tác dụng diệt khuẩn nhờ ức chế tổng hợp Protein ở vi khuẩn nhạy cảm. Phổ tác dụng của Neomycin chủ yếu là đối với vi khuẩn Gram âm. Neomycin ít hấp thu qua đường tiêu hoá và do có độc tính cao với thận và cơ quan thần kinh thính giác nên chủ yếu dùng ngoài điều trị tại chỗ (thường phối hợp với bacitracin, polymyxin) hoặc theo đường uống để tiêu diệt vi khuẩn ưa khí ở ruột chuẩn bị cho phẫu thuật tiêu hoá.

Chỉ định dùng thuốc trong điều trị bệnh lý do các tác nhân sau:

  • Viêm âm đạo nguyên nhân do các vi khuẩn sinh mủ thông thường.
  • Viêm âm đạo bởi nhiễm đồng thời Trichomonas và Gardnerella vaginalis.
  • Viêm âm đạo nguyên nhân do nấm Candida albicans.
  • Viêm âm đạo bởi nhiễm đồng thời Trichomonas và nấm men.
  • Viêm âm đạo do nhiều nguyên nhân phối hợp.
  • Phòng ngừa 5 ngày trước và sau khi làm các thủ thuật phụ khoa.

3. Tác dụng không mong muốn của thuốc Neometin

Một số tác dụng không mong muốn có thể phát sinh trong quá trình sử dụng thuốc đặt Neometin. Tác dụng phụ khi dùng thuốc thường gặp bao gồm:

  • Ngứa âm đạo;
  • Phát ban trên da;
  • Sưng nhẹ;
  • Chóng mặt;
  • Khó thở;
  • Đau dạ dày;
  • Buồn nôn, nôn mửa;
  • Nóng rát bên trong âm đạo.

Phản ứng của thuốc đặt Neometin với mỗi người là khác nhau. Vì vậy bạn có thể gặp phải các tác dụng phụ không được đề cập trong nội dung bài viết. Khi thấy bất cứ biểu hiện bất thường phát sinh, cần liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn cách khắc phục. Đồng thời, trong trường hợp những dấu hiệu kể trên tiếp tục kéo dài hoặc có xu hướng trầm trọng hơn, bạn cần ngưng sử dụng thuốc và đến bệnh viện có chuyên khoa Sản phụ khoa để làm các xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán nguyên nhân.


Thuốc neometin có gây tình trạng ngứa âm đạo cho phụ nữ sử dụng
Thuốc neometin có gây tình trạng ngứa âm đạo cho phụ nữ sử dụng

4. Cách dùng và liều dùng thuốc Neometin

4.1. Cách dùng thuốc Neometin

Bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng được in trên bao bì trước khi sử dụng. Khi bạn vẫn còn thắc mắc về cách dùng, vui lòng trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể. Cách sử dụng của thuốc còn phụ thuộc vào từng dạng bào chế.

Cách sử dụng thuốc như sau:

  • Viên uống: Thuốc có thể dùng trực tiếp với nước lọc. Bạn nên nuốt trọn viên thuốc khi uống để đảm bảo tác dụng điều trị. Trong trường hợp điều trị bạn bị nấm miệng, bác sĩ có thể đề nghị bạn ngậm tan cả viên thuốc.
  • Dung dịch uống: Bạn có thể sử dụng dụng cụ đo lường trong y tế để đo lượng thuốc được chỉ định. Sau đó uống trực tiếp hoặc pha loãng với nước lọc.
  • Viên đặt âm đạo: Bạn nên làm sạch tay và vùng kín trước khi tiến hành đặt thuốc. Để dễ dàng lấy viên thuốc ra khỏi bao nhôm có thể dùng kéo dọc theo chiều dài. Nhúng viên thuốc vào nước trong khoảng 20 đến 30 giây, sau đó tiến hành đặt thuốc vào âm đạo. Hạn chế vận động trong 10 đến 15 phút sau khi đặt thuốc. Thuốc đặt âm đạo cần được đưa vào sâu bên trong âm đạo bằng các dụng cụ hỗ trợ. Sau mỗi lần sử dụng, dụng cụ cần phải được rửa sạch và phơi khô. Dạng thuốc đặt âm đạo có thể sử dụng trong những ngày hành kinh.
  • Thuốc bôi: Bạn nên làm sạch tay và vùng da cần điều trị trước khi tiếp xúc với thuốc. Sử dụng một lượng thuốc và xoa nhẹ nhàng vào vị trí vùng da bị nhiễm nấm. Bác sĩ điều trị có thể hướng dẫn bạn sử dụng thuốc theo cách khác. Bạn nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.

Trước khi tiếp xúc với thuốc đặt Neometin, bạn cần vệ sinh tay và vùng kín nhằm hạn chế tình trạng viên thuốc bị nhiễm khuẩn. Sau khi dùng thuốc nên rửa sạch tay với xà phòng.

Bạn nên dùng thuốc vào buổi tối trước khi ngủ. Đây là thời điểm ít vận động, hoạt động. Điều này có tác dụng giúp thuốc đi sâu vào âm đạo và được hấp thu hoàn toàn tác dụng của thuốc. Liều sử dụng thuốc Neometin được chỉ định dựa vào mức độ nhiễm khuẩn của từng người. Do đó, bạn cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa để xác định tình trạng bệnh trước khi sử dụng thuốc điều trị.

4.2. Liều dùng thuốc Neometin

Thông tin về liều dùng thuốc Neometin trong bài viết chỉ đáp ứng cho trường hợp bệnh thông thường. Nếu tình trạng bệnh đi kèm với các dấu hiệu đặc biệt, bạn cần thông báo với bác sĩ để được điều chỉnh liều.

Liều dùng thuốc thông thường như sau:

  • Dùng 1 viên/ lần/ ngày
  • Thời gian điều trị khoảng 10 ngày liên tiếp
  • Có thể tăng lên 2 viên/ ngày

Nếu trong quá trình sử dụng mà kinh nguyệt xuất hiện, bạn nên liên hệ với bác sĩ để nhận được tư vấn chuyên môn. Không nên tự ý ngưng thuốc trong thời gian này có thể khiến tình trạng nhiễm nấm tái phát.

Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu về liều dùng đối với đối tượng là trẻ em, vì vậy phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.

4.3. Cách xử trí khi quên liều, quá liều thuốc:

Khi quên liều thuốc Neometin:

  • Bỏ qua liều thuốc đã quên nếu khoảng cách về thời gian dùng thuốc gần đến giờ dùng liều tiếp theo, đặt liều tiếp theo như dự định. Không được đặt thuốc gấp đôi so với liều dùng thông thường.
  • Việc quên liều dùng thuốc có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Khi quá liều thuốc Neometin:

  • Triệu chứng: Hiện vẫn chưa có báo cáo nào về các triệu chứng khi quá liều.
  • Nếu lỡ dùng thuốc quá liều và xuất hiện các tác dụng phụ không mong muốn nghiêm trọng, bạn cần đến ngay trung tâm y tế để được xử lý kịp thời.

Thuốc Neometin cần được dùng theo hướng dẫn của nhân viên y tế
Thuốc Neometin cần được dùng theo hướng dẫn của nhân viên y tế

5. Tương tác của thuốc Neometin

Thuốc đặt Neometin có thể làm giảm tác dụng của một số loại thuốc đặt và thuốc bôi vùng kín. Để hạn chế tình trạng này, bác sĩ điều trị bệnh có thể đề nghị giảm tần suất hoặc liều lượng của từng loại thuốc.

Ngoài ra, thuốc đặt Neometin cũng có thể tương tác với những loại thuốc sau:

  • Thuốc chống đông máu: Lithium, Warfarin, Disulfiram, Phenytoin,...
  • Thuốc kháng nấm: Metronidazole, Nystatin,...

Bạn cần trao đổi với bác sĩ để biết danh sách đầy đủ các loại thuốc có khả năng tương tác với thuốc đặt Neometin.

6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Neometin

  • Phụ nữ mang thai: Metronidazol đã có báo cáo về nguy cơ gây ra tình trạng quái thai khi dùng trong 3 tháng đầu thai kỳ. Do đó không sử dụng thuốc đặt Neometin trừ khi bắt buộc phải sử dụng.
  • Bà mẹ cho con bú: Thuốc có khả năng bài xuất vào sữa mẹ nên ngừng sử dụng thuốc khi cho con bú.
  • Những người lái xe và vận hành máy móc: Tác dụng phụ của thuốc là chóng mặt ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc, bạn cần thận trọng trong trường hợp này.
  • Không quan hệ qua âm đạo trong khi đang sử dụng thuốc đặt Neometin.
  • Nếu gặp phản ứng quá mẫn, ngay lập tức ngừng thuốc và thực hiện các biện pháp thích hợp.

Thuốc đặt Neometin là thuốc có tác dụng điều trị bệnh viêm đạo do nhiều nguyên nhân. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, bạn nên chú ý đọc kỹ hướng dẫn hoặc tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe