Tác dụng của thuốc Formoterol

Formoterol thuộc nhóm thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài, thường được chỉ định trong các bệnh lý đường hô hấp như hen suyễn, khí phế thũng, COPD,... Vậy công dụng, cơ chế tác dụng và các chỉ định của thuốc là gì?

1. Formoterol là thuốc gì?

Formoterol có thành phần hoạt chất chính là Formoterol fumarate - thuốc kích thích chọn lọc thụ thể β2-adrenergic ở cơ trơn phế quản và có tác dụng kéo dài. Cơ chế tác dụng của thuốc là gắn vào thụ thể β2-adrenergic, kích thích các chất xúc tác để chuyển adenosin triphosphat (ATP) thành adenosine monophosphate (AMP vòng). Nồng độ AMP vòng tăng lên sẽ ức chế giải phóng các yếu tố gây viêm (histamin, leukotrien), làm giãn cơ trơn phế quản.

Sau khi hít qua đường miệng thuốc hấp thu nhanh chóng, liên kết với protein huyết tương 61-64%. Đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 5-10 phút, hiệu quả giãn phế quản sau khoảng 1-3 phút, phát huy tác dụng tối đa sau 2 giờ và thời gian tác dụng kéo dài đến 12 giờ.

Có đến 90% lượng thuốc hít qua đường miệng bị nuốt và hấp thu từ ống tiêu hóa. Do đó sử dụng Formoterol bằng đường hít có hiệu quả tương đương dùng bằng đường uống, nhưng tác dụng nhanh chóng hơn đường uống. Formoterol chuyển hóa ở gan thành các dạng hoạt động và được thải trừ hoàn toàn ra khỏi cơ thể qua phân (1/3), nước tiểu (2/3).

2. Chỉ định của thuốc Formoterol

Thuốc Formoterol được sử dụng điều trị trong các trường hợp bệnh lý sau đây

  • Phối hợp với các thuốc corticoid dạng hít để điều trị hen phế quản mạn tính ở bệnh nhân trên 5 tuổi.
  • Bệnh nhân hen phế quản mạn tính không kiểm soát được cơn hen bằng các đơn trị liệu thông thường.
  • Bệnh lý tắc nghẽn đường hô hấp mạn tính có hồi phục, bao gồm cả bệnh nhân có triệu chứng hen ban đêm, viêm phế quản, khí phế thũng.
  • Phòng ngừa cơn cơ thắt phế quản do gắng sức (vận động, thể thao,...).

3. Chống chỉ định của thuốc Formoterol

Không sử dụng thuốc Formoterol trong các trường hợp bệnh lý sau

  • Bệnh nhân dị ứng với thành phần formoterol fumarate hay bất cứ thành phần tá dược nào khác của thuốc.
  • Bệnh nhân hen mạn tính nhưng không dùng đồng thời các thuốc kiểm soát hen lâu dài dạng hít (corticoid).
  • Formoterol không được sử dụng như thuốc điều trị chính cho đợt cấp của tắc nghẽn đường hô hấp, cơn hen phế quản cấp.
  • Trẻ em dưới 5 tuổi không có chỉ định dùng thuốc Formoterol.

Lưu ý khi dùng thuốc Formoterol

  • Chưa có đầy đủ bằng chứng về sự an toàn của thuốc cho thai nhi và trẻ bú mẹ. Do đó, phụ nữ có thai và đang cho con bú nên cân nhắc lợi ích, chỉ dùng thuốc khi không có biện pháp điều trị thay thế.
  • Thận trọng khi dùng thuốc ở những bệnh nhân có các bệnh lý tuyến giáp (cường giáp), bệnh lý tim mạch (bệnh tim thiếu máu cục bộ, rối loạn nhịp, tăng huyết áp), các bệnh lý xơ cứng động mạch, phình động mạch.
  • Không nên dùng thuốc ở bệnh nhân chuẩn bị các phẫu thuật có gây mê bằng cyclopropan, halothan hoặc các thuốc gây mê halogen khác vì có nguy cơ gây rung thất.
  • Không đơn trị liệu bằng Formoterol trong bệnh lý hen phế quản mức độ trung bình đến nặng không kiểm soát được cơn hen. Nên phối hợp một corticoid dạng uống trong phác đồ điều trị.
  • Không sử dụng Formoterol để bắt đầu điều trị hoặc khi tình trạng bệnh đang diễn biến xấu đi hoặc tình trạng co thắt phế quản cấp tính.
  • Nếu bệnh nhân đã kiểm soát được cơn hen bằng corticoid liều thấp hoặc liều trung bình thì không nên dùng thuốc.
  • Sử dụng thuốc với liều cao và trong thời gian kéo dài có thể làm giảm đáp ứng của cơ thể.
  • Thuốc có thể gây run, đánh trống ngực. Vì vậy, tài xế lái xe hay người làm việc đòi hỏi tập trung tỉ mỉ nên thận trọng trong quá trình dùng thuốc.

4. Liều dùng và cách dùng

Cách dùng

  • Formoterol được bào chế dưới dạng viên nang chứa bột hít được bọc kín trong vỏ thiếc và có thiết bị hít qua đường miệng chuyên dụng. Không uống viên thuốc qua đường tiêu hóa
  • Mở ống hít ngay trước khi sử dụng, đưa vào miệng hít nhanh và sâu hết lượng thuốc, không thở vào ống hít.
  • Nếu sử dụng thuốc để phòng ngừa co thắt đường hô hấp do gắng sức thì nên sử dụng thuốc trước ít nhất 15 phút khi vận động, tập luyện.

Liều dùng

  • Phòng ngừa co thắt phế quản do gắng sức: Hít 12 mcg bột (1 lần hít) trước 15 phút khi vận động; có thể dùng liều bổ sung sau 12 giờ.
  • Bệnh nhân hen suyễn: Hít 12 mcg bột (1 lần hít) mỗi 12 giờ. Liều tối đa 24 mcg/ ngày.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Hít 12 mcg bột (1 lần hít) mỗi 12 giờ. Liều tối đa 24 mcg/ ngày.
  • Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo, tùy từng tình trạng bệnh lý khác nhau mà bác sĩ sẽ chỉ định liều Formoterol khác nhau.

5. Tương tác thuốc của Formoterol

Một số tương tác có thể xảy ra khi phối hợp điều trị Formoterol với các thuốc khác như sau

  • Phối hợp với các thuốc cùng nhóm kích thích thụ thể β2-adrenergic tác dụng kéo dài có thể gia tăng các tác dụng phụ và tăng mức độ giãn phế quản.
  • Sử dụng đồng thời với kháng histamin (terfenadin, astemizol, mizolastine), thuốc chống loạn nhịp (disopyramide, quinidin), thuốc chống trầm cảm ba vòng làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim trên thất.
  • Phối hợp với các thuốc ức chế MAO và thuốc chống trầm cảm ba vòng làm tăng tác dụng kích thích β2 trên hệ tim mạch. Do đó, ngưng sử dụng các thuốc này ít nhất 2 tuần trước khi dùng Formoterol.
  • Phối hợp với các thuốc steroid, dẫn chất xanthin, thuốc lợi tiểu làm tăng nguy cơ hạ kali máu nghiêm trọng.
  • Dùng thuốc xa bữa ăn do nguy cơ xảy ra các tương tác bất lợi. Rượu bia, thuốc lá và các thực phẩm có cồn cũng làm ảnh hưởng đến sinh khả dụng của thuốc.
  • Một số tương tác khác của thuốc chưa được chứng minh đầy đủ, do đó trước khi điều trị bằng Formoterol người bệnh nên thông báo với bác sĩ tất cả tình trạng bệnh lý và các thuốc điều trị trong thời gian gần đây.

6. Tác dụng phụ của thuốc Formoterol

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi điều trị bằng thuốc Formoterol

  • Đau tức ngực, đánh trống ngực.
  • Cảm giác lo âu, mất ngủ, đau đầu, chóng mặt, sốt.
  • Khó phát âm, khó thở.
  • Phản ứng dị ứng gây phát ban, ngứa, đỏ da.
  • Rối loạn chức năng tiêu hóa gây tiêu chảy, buồn nôn, nôn, khô miệng, đau bụng, khó tiêu, viêm dạ dày.
  • Xuất hiện cơn co cứng cơ, run ngoại biên, co giật.
  • Trầm trọng tình trạng hen, cơn co thắt phế quản nghịch lý.
  • Tăng tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm phế quản, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan.
  • Rối loạn nhịp tim, tăng nhịp tim.
  • Tăng đường huyết, hạ kali huyết, không dung nạp glucose, nhiễm toan chuyển hóa.
  • Phản ứng phản vệ gây hạ huyết áp, phù mạch.

Như vậy, Formoterol là thuốc giãn phế quản có tác dụng kéo dài, được sử dụng như liệu pháp phối hợp điều trị bệnh lý co thắt hay tắc nghẽn đường hô hấp. Thuốc phải được kê đơn bắt buộc bởi bác sĩ chuyên khoa, không lạm dụng hay tự ý ngưng sử dụng thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe