Tác dụng của địa cốt bì

Địa cốt bì là vị thuốc thường được sử dụng trong Đông y để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Ngoài ra, địa cốt bì có thể được dùng để chế biến một số món ăn tốt cho sức khỏe.

1. Địa cốt bì là gì?

Địa cốt bì chính là vỏ rễ của cây Câu kỷ (Lycium sinense Mill).

Câu kỷ là loại cây bụi nhỏ, phần lá thường mọc so le hoặc mọc thành vòng ở một điểm với cuống dài từ 2 đến 6 mm. Phiến lá thường có hình mác với đầu lá hẹp, nhọn, hoa nhỏ có màu tím nhạt, mọc riêng lẻ.

Cây mọc hoang và thích nghi với hầu hết các địa hình ở nước ta, kể cả trung du, đồng bằng hoặc đồi núi. Bộ phận dùng dùng làm thuốc là phần vỏ rễ, chính là địa cốt bì. Địa cốt bì thường được thu hái vào đầu mùa xuân hoặc cuối mùa thu. Sau khi được thu hoạch phần rễ sẽ được rửa sạch rồi rút bỏ lõi bên trong.

Địa cốt bì còn có tên gọi khác là khô kỷ, khổ di, kỷ căn, khước thử, tiên trượng, tiên nhân tượng, địa tinh, cẩu kế, địa tiết, địa tiên, khước lão căn, địa cốt quan...Tên khoa học của địa cốt bì là Cortex Lycii chinensis radicis, thuộc họ Cà (Solanaceae). Địa cốt bì có vỏ cuộn hình lòng máng hoặc hình ống. Mặt ngoài có màu vàng đất hay vàng nâu, có những đường nứt dọc ngang và có lớp bần dễ bong. Mặt trong màu trắng hoặc vàng xám, có nhiều đường vân dọc, đôi khi còn sót một ít gỗ. Địa cốt bì nhẹ, giòn và dễ bẻ, mặt bẻ lởm chởm.

Ngoài ra, địa cốt bì có mùi thơm hơi hắc, vị lúc đầu hơi ngọt, sau hơi đắng. Loại phiến lớn không có lõi là loại tốt. Vỏ to dày, sắc vàng, có thêm đốm trắng nhiều lõi là loại xấu. Lưu ý, hiện nay trên thị trường đôi khi có thể gặp vị thuốc Hương gia bì (Periploca sepium Bge.) dưới tên Địa Cốt Bì, một số nơi còn dùng vỏ rễ cây Bọ mảy (Đại thanh - Clerodedron cyrtophyllum Turcz.), họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae) với tên Địa cốt bì.

2. Địa cốt bì có tác dụng gì?

Thành phần của địa cốt bì có chứa nhiều saponin, alcaloid cùng nhiều hoạt chất khác. Theo Đông y, địa cốt bì vị ngọt nhạt, tính hàn; vào phế, can, thận và tam tiêu. Địa cốt bì có tác dụng hạ đường huyết, hạ huyết áp, hạ cholesterol, thanh phế, trừ cốt chưng và giáng hỏa. Đồng thời có khả năng kháng khuẩn, giúp ức chế tụ cầu khuẩn và một số loại virus. Vị thuốc này chuyên điều trị chứng âm hư, sốt về chiều, phế nhiệt ho, nội nhiệt tiêu khát, ra mồ hôi trộm, nôn ra máu, tiểu ra máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, mụn nhọt...

Địa cốt bì thường dùng dạng sắc uống hoặc ngâm rượu với liều lượng từ 6 đến 12g mỗi ngày. Thông thường, sau khi thu hoạch địa cốt bì sẽ được cắt thành từng đoạn bằng nhau rồi cho vào sắc chung cùng cam thảo, ngâm 1 đêm rồi sấy khô. Lưu ý nên chọn phần vỏ không còn lõi, rửa sạch rồi cắt nhỏ, đôi khi sẽ tẩm thêm rượu rồi sấy sơ qua. Vị thuốc này hầu như không có độc tính, ít gây tác dụng phụ và có thể dùng được cho trẻ em. Địa cốt bì không nên dùng cho người không có nhiệt hay tỳ vị hư hàn, người cảm mạo phong hàn mà phát sốt cũng không nên dùng.

3. Một số bài thuốc từ địa cốt bì

Lương huyết, trị đau xương: Trị âm hư huyết nhiệt, sốt nhẹ, mồ hôi trộm hoặc tự ra mồ hôi.

  • Bài 1: Địa cốt bì 12g, ngân sài hồ 16g, miết giáp 12g, tri mẫu 12g, tần giao 12g, bối mẫu 8g, đương quy 12g. Dùng tất cả để sắc uống. Bài thuốc này có công dụng tốt trong trị lao phổi, xương đau nóng, sốt nhẹ và ra mồ hôi trộm.
  • Bài 2: Địa cốt bì (rễ tươi và thân lá) mỗi thứ 20g, thiến thảo 20g, gan lợn 125g. Tất cả sắc uống. Dùng điều trị trẻ em cam tích sốt nhẹ.

Mát phổi, dịu ho: Điều trị ho do nhiệt ở phế.

  • Bài 1: Địa cốt bì 12g, ngạnh mễ 20g, tang bạch bì 12g, sinh cam thảo 8g. Sắc uống. Bài thuốc này có công dụng tốt trong điều trị viêm phế quản, viêm phổi, sốt nhẹ và ho hen.
  • Bài 2: Địa cốt bì 12g, ngân sài hồ 12g, miết giáp 24g, tri mẫu 12g, hài nhị sâm 12g, hoàng cầm 12g, xích phục linh 16g. Sắc uống. Dùng để điều trị bệnh lao phổi giai đoạn phục hồi (sốt dai dẳng, ra mồ hôi đêm), trẻ suy dinh dưỡng có sốt (cam nhiệt).

Chữa đái tháo đường, miệng khát, tiểu nhiều.

  • Bài 1: địa cốt bì 500g, râu ngô 500g. Chia 8 ngày. Sắc uống.
  • Bài 2: địa cốt bì 15g, rễ khổ qua 15g, thiên hoa phấn 15g, lô căn 15g, mạch môn 20g. Xay bột thô. Mỗi lần dùng 10g, thêm đại táo 1 - 2 quả (thái gọt thành nhiều miếng); sắc uống nóng trong ngày.

Điều trị đau thắt lưng do suy thận

  • Bệnh nhân cần chuẩn bị 400g đại cốt bì, 400g tỳ giải và 400g đỗ trọng. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi, đậy kín rồi hầm trong 1 ngày, sau đó để dành uống từ từ. Mỗi lần chỉ dùng khoảng 30ml là vừa đủ.

Cầm máu, hạ huyết áp

  • Điều trị nôn ra máu: Địa cốt bì 12 - 15g sắc với 200ml nước. Uống trong ngày
  • Tiểu ra máu: Địa cốt bì tươi khoảng 30 - 50g, giã nát, lọc lấy nước cho uống.
  • Điều trị tăng huyết áp: Địa cốt bì 25g và rễ dâu 25g. Sắc uống; nếu bệnh nhân nhức đầu thì thêm cúc hoa 20g hoặc thương nhĩ thảo 24g.

4. Một số món ăn từ địa cốt bì

  • Cháo địa cốt bì: Địa cốt bì 30g, mạch đông 15g, tang bạch bì 15g, bột miến dong 100g. Các dược liệu sắc lấy nước và nấu với bột miến dong. Món ăn này rất tốt cho người đái tháo đường, khát nước uống nhiều và gầy yếu suy kiệt.
  • Cháo thận dê lá câu kỷ: Lá hay rễ câu kỷ 300g, thịt dê 150g, thận dê 1 đôi, gạo tẻ 150g, hành 5 củ. Thận dê và thịt dê làm sạch thái lát, lá hay rễ câu kỷ dùng vải xô gói lại. Tất cả nguyên liệu trên cho vào nồi, thêm nước nấu cháo, khi cháo chín nhừ thig thêm gia vị. Bệnh nhân nên ăn trong ngày, ăn nóng. Món ăn này rất tốt cho nam giới thận hư suy giảm tính dục, di tinh liệt dương, đau bại vùng thắt lưng hoặc đau mỏi đầu gối.

Bài viết trên đây đã cung cấp thông tin về tác dụng của vị thuốc địa cốt bì. Trường hợp bệnh nhân muốn dùng vị thuốc này để điều trị bệnh, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để được tư vấn cụ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe