Cây rung rúc còn được gọi là cây cứt chuột, rút dế hay đồng bìa, có tên khoa học là Berchemia lineata (L.) DC. Đây là dược liệu được sử dụng trong nhiều bài thuốc y học cổ truyền với công dụng trị đau lưng, mỏi gối, tê thấp...
1. Đặc điểm cây rung rúc
Cây rung rúc còn được gọi là cây cứt chuột, rút dế hay đồng bìa, có tên khoa học là Berchemia lineata (L.) DC – thuộc họ Táo ta. Loại thực vật vật này có những đặc điểm như sau:
- Cây thuộc dạng bụi leo, thân nhỏ. Thân và cành cây mảnh, nhẵn, màu xanh khi còn non và chuyển sang màu nâu khi về già
- Lá cây hình bầu dục mọc so le, chiều dài lá khoảng từ 1 – 3cm, chiều rộng khoảng từ 0,5 – 2cm, đầu và gốc lá tròn, hai mặt nhẵn, mép lá nguyên. Mặt trên lá màu lục sẫm, mặt dưới nhạt và có gân nổi rõ, cuống lá ngắn
- Hoa cây mọc thành cụm ở đầu cành hoặc kẽ lá. Các cụm hoa kết hợp với nhau thành chùm dài khoảng 1 – 3cm, hoa có màu trắng, trong đó đài hoa có 5 răng nhỏ hình mác, tràng hoa dài hơn phần ống đài. Hoa có 5 cánh thuôn hình trứng chứa 5 nhị bên trong, chỉ nhị dài và dẹt, bầu 2 ô
- Quả rung rúc hình bầu dục, dạng quả hạch màu đen, đài hoa tồn tại ở gốc quả và mũi nhọn ở đầu. Trong quả chứa 2 hạt dạng hình thuôn;
- Mùa ra hoa của cây vào khoảng tháng 9 – 10, mùa ra quả vào khoảng tháng 12 – 1.
Tất cả các bộ phận của cây đều được dùng làm thuốc trong điều trị bệnh (lá, thân và rễ cây). Thân, lá sau khi thu hái được cắt ngắn và phơi khô, rễ cây thường được chặt thành từng miếng mỏng, phơi khô và đem sao vàng hạ thổ làm thuốc.
2. Tác dụng của cây rung rúc
Tác dụng của cây rung rúc đối với sức khỏe con người đã được chứng minh cả trong y học cổ truyền và y học hiện đại.
Theo Y Học Cổ Truyền lá và thân cây có tác dụng làm mát, thanh nhiệt giải độc. Rễ cây có tính ấm, vị hơi ngọt và đắng. Theo đó, rễ cây có công dụng trong điều trị các bệnh lý sau:
- Giảm đau, tiêm viêm
- Trị phong tê thấp, đau mỏi vai gáy
- Trị đau tức lưng, nhức mỏi mình mẩy mỗi khi ngủ dậy
- Trị đau khớp cổ, tay và gối
- Trị tiêu chảy, lao phổi
Tác dụng cây rung rúc theo y học hiện đại: Nghiên cứu từ các nhà khoa học cho thấy dược liệu rung rúc có nhiều công dụng đối với sức khỏe con người như sau:
- Hoạt động giảm đau, chống viêm từ cây rung rúc: Một nghiên cứu được thực hiện trên chuột cho thấy dịch chiết từ Berchemia lineata (L.) DC có tác dụng giảm đau, chống viêm hiệu quả
- Hoạt động bảo vệ gan: Chiết xuất từ cây rung rúc có công dụng bảo vệ tế bào gan khỏi tác nhân gây tổn thương CCl4 ở chuột thí nghiệm
- Hoạt động chống ung thư: Một số nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng các hoạt chất Flavone trong cây rung rúc có công dụng chống khối u, ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ác tính.
3. Cây rung rúc trong các bài thuốc trị bệnh
“Cây rung rúc chữa bệnh gì?” Theo đó, vị thuốc này được sử dụng trong nhiều bài thuốc trị bệnh như sau:
Bài thuốc chữa mụn nhọt sưng đau chưa vỡ mủ: Chế biến bài thuốc bằng cách dùng 30g lá non của cây rung rúc đem rửa sạch, để ráo nước và giã nát với muối, đem đắp lên vùng da bị mụn nhọt, khoảng 2 giờ sau thì tháo băng. Người bệnh nên dùng bài thuốc 1 lần mỗi ngày để đạt hiệu quả điều trị cao. Bên cạnh đó dùng 15g cúc hoa trắng và 5g cam thảo sắc trong 200ml nước đến khi còn 100ml thì dừng, chia nước thuốc thành 2 lần uống trong ngày. Sử dụng bài thuốc liên tục 5 ngày.
Bài thuốc chữa ho lâu ngày do cảm lạnh
- Bài thuốc 1: Sử dụng 30g rễ cây rung rúc, 9g cam thảo và 10g xuyên phá thạch. Hỗn hợp dược liệu đem sắc với 700ml nước đến khi còn khoảng 300ml thì dừng. Chia nước thuốc thành 3 lần uống trong ngày và uống khi thuốc còn ấm, sử dụng liên tục 10 ngày một liệu trình
- Bài thuốc 2: Sử dụng 60g lá hoặc cành non cây rung rúc đem sắc trong 200ml nước đến khi còn 100ml thì dừng, thêm 60ml rượu trắng và tiếp tục đun đến khi sôi. Chia nước thuốc thành 2 lần uống trong ngày, sử dụng liên tục 15 ngày cho một liệu trình
Bài thuốc hỗ trợ điều trị trĩ ngoại: Sử dụng 30g lá và cành non của cây rung rúc đem rửa sạch và thái ngắn; dùng 1 cái đuôi lợn đã được làm sạch, chặt khúc ướp vừa. Các nguyên liệu được hầm trong nước đến khi nhừ, dùng ăn cả nước lẫn cái. Sử dụng bài thuốc liên tục 10 ngày để đạt hiệu quả cao.
Bài thuốc trị mẫn tịt: Sử dụng 30g rễ cây rung rúc đem sắc trong 500ml nước đến khi còn khoảng 250ml thể tích thì dừng. Chia nước thuốc thành 3 lần uống trong ngày, sử dụng liên tục 5 ngày liên tiếp để đạt hiệu quả điều trị cao.
Bài thuốc trị đau xương khớp, phong tê thấp, nhức mỏi: Sử dụng 200g rễ cây rung rúc, thái mỏng, đem sao vàng và ngâm với 1 lít rượu trắng 30 – 40 độ. Thời gian ngâm ít nhất là 15 ngày, dùng 20 – 30ml rượu ngâm uống mỗi ngày.
Như vậy, cây rung rúc là dược liệu có nhiều công dụng đối với sức khỏe, tuy nhiên cũng như các vị thuốc khác, dược liệu này có thể gây ra những tác dụng phụ nhất định. Vì vậy, để đảm bảo độ an toàn và hiệu quả trong điều trị, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.