Chẩn đoán mạch học trong Y Học Cổ Truyền chính là kỹ thuật đỉnh cao giúp đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát và những rối loạn của tạng phủ bên trong cơ thể. Vì vậy bắt mạch khám bệnh là một trong những bước đầu tiên trong chẩn đoán bệnh của phương pháp Y Học Cổ Truyền.
1. Tác dụng của bắt mạch khi khám bệnh
Bắt mạch đông y là một trong những bước cơ bản và tối quan trọng đối với người thầy thuốc trong Y Học Cổ Truyền. Mạch là khí huyết của con người và được ký ngụ trong hơi thở, biểu hiện ra ở hai tay. Bắt mạch chẩn đoán bệnh là một kỹ thuật có thể giúp đánh giá được tình trạng sức khỏe tổng quát và những rối loạn của tạng phủ bên trong cơ thể.
Khi mạch không trầm, không trì, không phù, không sắc, mạch đi hòa hoãn đều đặn là mạch bình thường. Khi có bệnh thì phụ thuộc vào khí huyết thịnh suy, hàn nhiệt của từng bệnh nhân mà mạch có biến hóa khác nhau. Một số đặc điểm của mạch trong một số tình trạng bệnh cụ thể như:
- Những bệnh nhân trong tình trạng khí huyết thịnh nhưng nhiệt, khi cảm nhiễm phải tà khí lục dâm như phong, hàn, thấp, thử, táo, hỏa mạch sẽ biến ra phù, hồng, huyền, sác, hoạt, đại, khâu, thực, khẩn, trường đều thuộc mạch dương. Đó là bệnh thuộc ngoại tà thực chứng là bệnh ngoại cảm đang ở phần biểu.
- Những bệnh nhân trong tình trạng khí huyết thuộc hư nhưng hàn, khi mắc hội chứng nội thương thất tình như mừng, lo, giận, buồn, sợ,... thì mạch sẽ biểu hiện ra nhuyễn, nhược, trì, nhu, trầm, tế, hoãn, sác, phục, mạch hư thuộc loại mạch âm. Đó là bệnh thuộc chính khí hư, là bệnh nội thương ở phần lý.
2. Phương pháp bắt mạch đông y
2.1 Thời gian bắt mạch
Thời gian để bắt mạch đông y thường được thực hiện vào lúc sáng sớm, khi âm khí chưa động mà dương khí chưa tán, chưa ăn uống gì thì kinh mạch chưa đầy, lạc mạch được điều hòa và khí huyết chưa loạn. Do vậy, có thể tìm được thấy bệnh trong mạch. Tuy nhiên, khi gặp bệnh thì bất kỳ lúc nào cũng có thể chẩn đoán và bắt mạch.
Một số lưu ý trước khi bắt mạch đó là:
- Trước khi bắt mạch nên cho người bệnh nghỉ ngơi một lát để khí huyết được điều hòa.
- Không nên xem mạch khi người bệnh ăn uống quá no, đói quá hoặc mới uống rượu, mệt mỏi do đi đường xa đến,...
- Ống tay áo không được quá chật và không gian xung quanh không ồn ào.
2.2 Tư thế lúc xem mạch
Người bệnh trước khi bắt mạch cần được ngồi thẳng tự nhiên hoặc nằm ngửa, cánh tay nên duỗi ra hai bên, bàn tay để ngửa cho huyết mạch được lưu thông tốt và không làm ảnh hưởng tới mạch. Một số lưu ý khi bắt mạch như sau:
- Nếu bệnh nhân nằm ở tư thế nghiêng thì cánh tay phía dưới sẽ bị đè lên làm cho mạch không chạy được.
- Nếu bệnh nhân ở tư thế co tay lại thì bàn tay sẽ bị bế tắc, mạch không được lưu thông.
- Nếu người bệnh trong tư thế để xuôi tay thì máu dồn xuống và làm cho mạch bị ứ trệ.
- Nếu người bệnh trong tư thế giơ tay lên trên cao thì khí chạy lên mà mạch nhảy.
- Nếu cơ thể bệnh nhân co lại thì khí bị nén dẫn tới mạch bị gò bó.
- Nếu người cử động thì khí bị nhiễm loạn làm cho mạch nhanh.
Tóm lại, bắt mạch đông y là một trong những bước cơ bản trong chẩn đoán bệnh. Mạch là khí huyết của con người và được ký ngụ trong hơi thở, biểu hiện ra ở hai tay. Bắt mạch chẩn đoán bệnh chính là kỹ thuật có thể giúp đánh giá được tình trạng sức khỏe tổng quát và những rối loạn của tạng phủ bên trong cơ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.