Tiểu cầu thuộc loại tế bào máu được sản xuất bởi tủy xương có chức năng cầm máu bằng cách làm máu vón cục và đông lại khi mạch bị thương. Vì vậy, nếu do một vài nguyên nhân gây giảm tiểu cầu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cầm máu của cơ thể đặc trưng bởi tăng nguy cơ chảy máu.
1. Thế nào là giảm tiểu cầu?
Giảm tiểu cầu được định nghĩa là khi số lượng tiểu cầu ngoại biên thấp hơn 150000 tế bào/mL. Giảm tiểu cầu có thể do 3 nhóm nguyên nhân sau:
- Giảm sản xuất tiểu cầu thường liên quan đến các vấn đề tại tủy xương như: suy tủy xương, bệnh máu ác tính, ung thư di căn xương, xuất huyết giảm tiểu cầu, nhiễm siêu vi, thiếu máu bất sản tủy do thuốc.
- Tăng tiêu hao và phá hủy tiểu cầu: rối loạn đông máu tiêu thụ, xuất huyết giảm tiểu cầu, lupus ban đỏ hệ thống, truyền máu và ghép tạng, hội chứng HELLP, đông máu nội mạch lan tỏa, tổn thương hoặc viêm mạch máu, van tim nhân tạo, nhiễm trùng nặng.
- Tăng bắt giữ tiểu cầu tại lách do phì đại lách gặp trong bệnh lý xơ gan, viêm gan, ung thư máu, giảm tiểu cầu sơ sinh.
2. Các biểu hiện của giảm tiểu cầu
Đối với các bệnh nhân có giảm tiểu cầu nhẹ thường không có triệu chứng mà chỉ tình cờ phát hiện qua xét nghiệm huyết đồ. Tuy nhiên khi giảm tiểu cầu nặng (dưới 20000 tế bào/mL thì có thể có triệu chứng chảy máu kéo dài khi bị đứt tay, hoặc ra huyết nhiều lúc hành kinh.
Khi giảm tiểu cầu nặng hơn (dưới 10000-20000 tiểu cầu/mL) thì bệnh nhân có thể chảy máu tự phát biểu hiện bằng các xuất huyết ở dưới da, niêm mạc miệng, niêm mạc ống tiêu hóa, niêm mạc mũi, hầu, họng (chảy máu cam).
Các nốt xuất huyết tiểu cầu là các vết xuất huyết nhỏ bằng đầu kim, màu đỏ, phẳng, quan sát được ở dưới da vùng thấp cơ thể (cẳng chân) do tăng áp suất vì trọng lực. Đây chính là hậu quả của xuất huyết ở các mao mạch dưới da hoặc niêm mạc. Ngoài ra, còn có các ban xuất huyết giảm tiểu cầu là các nốt xuất huyết dưới da có đường kính trên 3 mm, có thể do sự hội tụ của các nốt xuất huyết.
3. Giảm tiểu cầu do suy tủy xương
Suy tủy xương là hội chứng lâm sàng được biểu hiện bằng giảm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu trong máu, đồng thời tủy xương bị thay thế bằng mô mỡ và giảm các tế bào đầu dòng tạo máu. Như vậy, đây chính là một nguyên nhân giảm sản xuất gây suy giảm tế bào tiểu cầu ngoại vi khiến người bệnh có các biểu hiện xuất huyết dưới da, chảy máu niêm mạc răng miệng hay rong kinh.
Để điều trị bệnh nhân giảm tiểu cầu do suy tủy xương cần tuân theo các nguyên tắc điều trị sau:
- Điều trị nguyên nhân: Cách ly người bệnh khỏi môi trường nghi ngờ là nguyên nhân chính gây ra bệnh hoặc ngưng những thuốc có thể gây suy tủy.
- Điều trị nâng đỡ: Duy trì tiểu cầu ở mức 10 K/μL, chỉ truyền tiểu cầu khi có nhiễm trùng hệ thống. Nếu kháng tiểu cầu do truyền lâu dài thì có thể dùng gamma globulin liều cao tĩnh mạch. Đối với người bệnh không ghép tủy, tốt nhất nên truyền tiểu cầu của thân nhân.
- Điều trị đặc hiệu: ghép tủy, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
Suy tủy xương và giảm tiểu cầu đều là tình trạng bệnh lý nguy hiểm cần được thăm khám và tìm ra nguyên nhân phát hiện bệnh sớm. Để phát hiện bệnh, bạn có thể thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, nếu có tiền sử bệnh lý cần khám sức khỏe tổng quát để phát hiện bệnh và có hướng điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.