Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Cao Thanh Tâm - Bác sĩ Nội tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Theo thống kê, trên thế giới bệnh suy tĩnh mạch sâu chiếm một tỷ lệ khá cao trong dân số và có xu hướng tăng dần theo tuổi. Bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm, vì những biến chứng của bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
1. Suy van tĩnh mạch sâu là gì?
Hệ thống tĩnh mạch chi dưới được chia làm 3 loại: tĩnh mạch sâu, tĩnh mạch nông và các tĩnh mạch xiên. Tĩnh mạch sâu bình thường nằm trong cơ không nhìn thấy được bằng mắt thường có tác dụng đưa máu trở về tim.
Suy van tĩnh mạch sâu là tình trạng suy giảm chức năng đưa máu về tim của hệ thống tĩnh mạch sâu, dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại không lưu thông đúng như chức năng vốn có của nó.
Bình thường để tĩnh mạch đưa máu trở về tim mà không có hiện tượng chảy ngược dòng thì cấu tạo của tĩnh mạch có hệ thống van. Chức năng của van tĩnh mạch là đưa máu đi theo một chiều nhất định. Vì một số nguyên nhân nào đó dẫn tới sự hoạt động bất thường của van tĩnh mạch gây ra dòng máu trào ngược lại, gây ứ trệ tuần hoàn máu tĩnh mạch và tăng áp lực tĩnh mạch, lâu dần dẫn tới bệnh suy tĩnh mạch mạn tính.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch sâu bản chất có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trên cơ thể, tuy nhiên thường xảy ra nhất là ở các tĩnh mạch chân do hệ thống tĩnh mạch chân dài, cấu tạo phức tạp và thường phải chịu áp lực lớn.
2. Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch sâu
- Do di truyền: Đây là nguyên nhân chủ yếu;
- Do khiếm khuyết van tĩnh mạch bẩm sinh;
- Tăng áp lực tĩnh mạch do thói quen thường xuyên đứng lâu hay ngồi lâu, mang thai;
- Huyết khối tĩnh mạch sâu ngăn cản dòng máu trở về tim và làm hư hại van tĩnh mạch;
- Viêm tĩnh mạch có gây hình thành huyết khối ở tĩnh mạch nông hoặc sâu;
- Ngoài ra, một nguyên nhân khác đến từ phẫu thuật, bất động lâu trong gãy xương;
- Các yếu tố nguy cơ: Nữ giới sinh đẻ nhiều lần, thừa cân, sử dụng nhiều thuốc tránh thai; người lười vận động, công việc ít thay đổi tư thế, hút thuốc lá, tuổi cao trên 50...
3. Dấu hiệu nhận biết suy van tĩnh mạch sâu
3.1 Giai đoạn sớm
Thông thường ở giai đoạn này các triệu chứng rất mờ nhạt, không rõ ràng, khó phát hiện nên người bệnh thường chủ quan mà bỏ qua. Các dấu hiệu có thể gặp trong giai đoạn này bao gồm:
- Cảm giác khó chịu ở bắp chân, mỏi, đau nhức, nặng chân, tăng lên khi đứng lâu, có khi có các cảm giác dị cảm kiến bò, nóng rát;
- Chuột rút và tê ở bắp chân thường xảy ra vào ban đêm;
- Sưng phù xung quanh mắt cá chân, rõ vào buổi tối;
- Có thể kèm theo giãn tĩnh mạch nông, thấy các tĩnh mạch nông ở chân nổi ngoằn ngoèo;
- Các triệu chứng tăng lên vào chiều tối, sau khi đứng lâu và giảm sau khi ngủ dậy, sau nghỉ ngơi, kê chân cao, chườm lạnh...
3.2 Giai đoạn sau
- Hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu gây ra các triệu chứng: Chân nóng, sưng đỏ, đau nhức nhối, ngứa, có thể bị chảy máu, nhiễm trùng thứ phát. Trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu có thể nguy hiểm tới tính mạng do huyết khối có thể bong và đi lên phổi gây tắc mạch phổi;
- Loạn dưỡng da chân: Da phù nề, dày lên, có thể bong vảy da, chảy nước và thay đổi màu sắc;
- Loét chân: Xuất hiện các vết loét rất đau, ban đầu loét nông sau đó sâu và rộng dần, dễ bội nhiễm vi khuẩn.
4. Suy giãn tĩnh mạch sâu có nguy hiểm không?
Thông thường ở giai đoạn sớm, suy giãn tĩnh mạch sâu không gây nguy hiểm đến tính mạng mà chỉ gây khó chịu, đau đớn, cản trở sinh hoạt.
Tuy nhiên nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và tính mạng người bệnh như:
- Hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu, gây tắc mạch tại chỗ hay theo đường mạch máu trở về tim và gây ra biến chứng tắc mạch, nguy hiểm nhất là thuyên tắc phổi, nhồi máu não, nguy cơ tử vong rất cao;
- Đau mạn tính và loét chân;
- Xuất huyết do vỡ tĩnh mạch, thường là do chấn thương.
5. Điều trị suy giãn tĩnh mạch sâu như thế nào?
5.1 Điều trị nội khoa
Là phương pháp điều trị chủ yếu nhằm bảo tồn tĩnh mạch bị suy, hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng. Phương pháp này bao gồm:
- Mang vớ áp lực, thun cuộn: Đeo liên tục ban ngày để hạn chế máu ứ trệ chảy ngược, giảm phù nề;
- Dùng thuốc: Các thuốc được dùng thông thường gồm giảm đau, chống viêm, tăng trương lực thành mạch, tan cục máu đông...
5.2 Chích xơ
Áp dụng trong trường hợp giãn tĩnh mạch nhỏ và khu trú.
5.3 Phẫu thuật
Cắt bỏ các tĩnh mạch giãn, lột tĩnh mạch, sửa van, tạo hình tĩnh mạch qua da....
5.4 Can thiệp nội mạch bằng sóng cao tần hay laser
Kỹ thuật mới dùng nhiệt để đốt tĩnh mạch giãn, ít đau, mau hồi phục và đảm bảo thẩm mỹ, có thể dùng để thay cho phẫu thuật lột tĩnh mạch kinh điển trước đây.
5.5 Thay đổi thói quen sinh hoạt
- Thay đổi thói quen sinh hoạt hạn chế đứng lâu hay ngồi lâu, tăng cường tập thể dục thể thao;
- Thay đổi tư thế thường xuyên, tránh đứng lâu ngồi nhiều;
- Uống đầy đủ nước, duy trì trọng lượng hợp lý, chế độ ăn uống nhiều chất xơ.
Bệnh suy tĩnh mạch sâu nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ làm giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh thì nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm. Nhờ những tiến bộ về y khoa nên việc điều trị bệnh ngày càng hiệu quả và giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng, sớm trở về sinh hoạt hàng ngày.
Thạc sĩ - Bác sĩ Cao Thanh Tâm đã có nhiều năm kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị bệnh lý tim mạch; Thực hiện siêu âm tim qua thành ngực trong lĩnh vực nội khoa và can thiệp Tim mạch; Thực hiện các Thăm dò chức năng không xâm lấn khác trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch. Hiện tại đang là bác sĩ Nội tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park từ tháng 11/2015.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.