Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có trên 10 năm kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, tư vấn và điều trị trong lĩnh vực Sản Phụ khoa.
Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai là tình trạng tương đối phổ biến ở nhiều bà bầu. Vậy suy giãn tĩnh mạch khi mang thai có nguy hiểm với bà bầu không, cách khắc phục suy giãn tĩnh mạch ở bà bầu như thế nào?
1. Vì sao bị suy giãn tĩnh mạch khi mang thai?
Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai là tình trạng trên các mạch máu sưng, nổi gồ, dễ dàng nhìn thấy trên da những đường mạch máu màu tím, xanh ngoằn ngoèo, vị trí thường thấy là bắp chân.
Ngoài biểu hiện nổi gồ dưới bề mặt da, chứng suy giãn tĩnh mạch còn gây ra các triệu chứng như đau nhức chân, nặng nề ở chân, gây khó chịu khi sinh hoạt, đi lại, và còn có thể khiến bà bầu bị mất ngủ.
Chứng suy giãn tĩnh mạch khi mang thai là do các nguyên nhân sau gây ra:
- Thay đổi nội tiết tố: Khi mang thai, hormone sinh dục nữ progesterone tăng lên làm giãn và sưng những tĩnh mạch.
- Thay đổi lưu lượng máu: Mang thai làm tăng lưu lượng máu trong cơ thể người mẹ để nuôi dưỡng bào thai, do đó tạo áp lực đối với các tĩnh mạch ở chân.
- Thai nhi phát triển gây chèn ép: Khi bào thai càng phát triển tăng dần kích thước sẽ chèn ép lên các tĩnh mạch (đặc biệt là tĩnh mạch chủ dưới), làm giảm lưu thông máu và gây suy giãn tĩnh mạch ở bà bầu.
- Di truyền hoặc đã suy giãn tĩnh mạch ở lần mang thai trước: Gia đình có người bị suy giãn tĩnh mạch (thường là phụ nữ), hoặc trong lần mang thai trước đã bị suy giãn tĩnh mạch sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng này và bệnh thường tiến triển nặng hơn.
- Các nguyên nhân khác: Mang đa thai, bị thừa cân, béo phì, hoặc thường xuyên đứng lâu, đi nhiều (do công việc) sẽ tạo áp lực đối với tĩnh mạch ở chân và gây suy giãn tĩnh mạch khi mang thai.
Xem thêm: Suy giãn tĩnh mạch chân phải khi mang thai 7 tháng điều trị thế nào?
2. Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai nguy hiểm không?
Chứng suy giãn tĩnh mạch khi mang thai hầu như chỉ gây ra những bất tiện cho bà bầu như đau, ngứa và mất thẩm mỹ trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, một số ít trường hợp suy giãn tĩnh mạch tiến triển thành huyết khối tĩnh mạch bề mặt. Bệnh này thường không gây nguy hiểm, khi huyết khối lớn sẽ làm căng tĩnh mạch và gây ra các triệu chứng như sưng, nóng, đỏ vùng da xung quanh, và có thể gây đau.
Nếu suy giãn tĩnh mạch khi mang thai tiến triển thành huyết khối tĩnh mạch bề mặt thì bà bầu nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị, bởi vì huyết khối nặng có thể gây nhiễm trùng vùng xung quanh. Dưới đây là một số dấu hiệu bị nhiễm trùng do huyết khối mà bà bầu cần khám ngay:
- Sốt, kèm theo cảm giác ớn lạnh;
- Sưng, phù chân mức độ nặng;
- Bị loét hoặc màu sắc da thay đổi.
Huyết khối tĩnh mạch bề mặt do suy giãn tĩnh mạch ở bà bầu có thể bị nhầm lẫn với huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Những phụ nữ mắc chứng rối loạn đông máu hoặc thường xuyên phải nằm trong thời gian dài có khả năng bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Bệnh có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, nhưng cũng có thể gây đau, sưng ở đùi, cẳng chân hoặc mắt cá chân, nhất là khi đứng hoặc co, duỗi chân.
Mẹ bầu cần nhận biết và phân biệt các triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch khi mang thai và huyết khối tĩnh mạch sâu để kịp thời thăm khám và điều trị, vì huyết khối tĩnh mạch sâu có thể bị vỡ gây biến chứng nguy hiểm.
3. Điều trị và phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch khi mang thai
Tùy vào tình trạng suy giãn tĩnh mạch ở bà bầu bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp thích hợp, gồm có:
- Điều trị nội khoa;
- Điều trị ngoại khoa, phẫu thuật;
- Điều trị bổ trợ khác.
Để điều trị hiệu quả thường kết hợp nhiều phương pháp với nhau. Điều trị suy giãn tĩnh mạch ở bà bầu chủ yếu là dùng tất tĩnh mạch kết hợp với điều trị bổ trợ. Sau sinh, bệnh sẽ thuyên giảm một phần các triệu chứng, bà bầu vẫn điều trị bình thường bằng phương pháp nội khoa kết hợp bổ trợ.
Điều trị ngoại khoa bằng phương pháp phẫu thuật được cân nhắc đối với người mẹ sau sinh vì có thể ảnh hưởng đến việc cho con bú.
Để phòng ngừa và làm giảm các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch khi mang thai, bà bầu cần lưu ý:
- Hạn chế hoặc tránh việc ngồi hoặc đứng trong thời gian dài. Thay vào đó, nên đi lại, vận động nhẹ nhàng để lưu thông máu tốt;
- Khi ngồi nên kê chân để máu lưu thông tốt;
- Khi nằm nên chú ý nằm nghiêng về bên trái để làm giảm áp lực đối với tĩnh mạch;
- Không tăng cần nhiều hoặc quá nhanh, nên chú ý ăn uống để kiểm soát tốt cân nặng.
Trắc nghiệm: Tại sao khi mang thai có người rạn da, người thì không?
Hầu như mẹ bầu nào cũng sẽ bị rạn da khi mang thai, nhưng một số lại không gặp tình trạng này. Vậy nguyên nhân là do đâu? Làm bài trắc nghiệm sau sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai thường không gây nguy hiểm đối với bà bầu. Tuy nhiên, mẹ bầu cần khám thai định kỳ và theo lịch để kịp thời phát hiện các bất thường nếu có, từ đó được điều trị phù hợp.
Để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé trong suốt thai kỳ, khi lâm bồn và sau sinh, bạn nên lựa chọn các dịch vụ thai sản trọn gói tại các bệnh viện uy tín để các bác sĩ có thể theo dõi sức khỏe thai nhi và sản phụ bao quát, liền mạch, có những hướng xử lý chủ động khi ngôi thai khó, đa thai.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có dịch vụ thai sản trọn gói như một giải pháp giúp mẹ bầu an tâm vì đã có sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ trong suốt thai kỳ. Khi lựa chọn Thai sản trọn gói, thai phụ được:
- Quá trình mang thai được theo dõi bởi đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao
- Thăm khám đều đặn, phát hiện sớm các vấn đề bất thường
- Thai sản trọn gói giúp thuận tiện cho quá trình sinh đẻ
- Trẻ sơ sinh được chăm sóc toàn diện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.