Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Ngô Đắc Thanh Huy - Bác sĩ tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Chứng suy giãn tĩnh mạch khiến đôi chân trở nên xấu xí, làm người bệnh mất tự ti khi mặc trang phục ngắn. Tuy nhiên, vấn đề của suy giãn tĩnh mạch không chỉ nằm ở tính thẩm mỹ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì vậy, việc phát hiện và chủ động điều trị suy giãn tĩnh mạch ở giai đoạn sớm có thể hạn chế tiến triển của bệnh cũng như các di chứng về sau.
1.Những điều cần biết về suy giãn tĩnh mạch
Suy giãn tĩnh mạch được quan sát thấy là các đường ngoằn ngoèo và có thể là dạng xoắn xuất hiện dọc đôi chân, có màu xanh đậm hoặc màu tím sẫm. Thông thường, chúng phát sinh trên cẳng chân hoặc bàn chân, nặng hơn có thể lan lên đùi và nổi gò hẳn trên da. Đây là hệ quả của việc đứng, đi lại hoặc đặt áp lực quá mức liên tục trong thời gian dài lên các tĩnh mạch ở chi dưới. Trong đa số các trường hợp, suy giãn tĩnh mạch chi dưới ban đầu không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề liên quan như sau:
- Chuột rút các cơ bắp
- Bầm da và chảy máu dưới da
- Ngứa hoặc cảm giác nặng nề ở chân
- Đau nặng hơn khi đứng hoặc ngồi lâu
- Cảm giác nóng rát
- Sưng phù nề ở chân dưới
- Đổi màu đỏ của da
2.Suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm hay không nếu không được điều trị?
Không phải tất cả các trường hợp mắc phải suy giãn tĩnh mạch đều nguy hiểm. Một số người bệnh chỉ gặp vấn đề đơn thuần là thẩm mỹ nên việc điều trị tích cực lúc này có thể không cần thiết. Thay vào đó, việc áp dụng các biện pháp chủ yếu là thay đổi lối sống nhằm giảm sức nặng trên chân, mang tất áp lực có thể giúp sức đàn hồi của thành mạch phục hồi lại phần nào.
Khi bệnh tiến triển nặng hơn, suy giãn tĩnh mạch có thể bắt đầu gây đau hoặc những khó chịu có thể còn chịu đựng được. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, suy giãn tĩnh mạch cần phải điều trị, vì đây có thể gây ra những vấn đề tiềm ẩn nghiêm trọng về tim mạch được như sau:
2.1. Giãn vỡ tĩnh mạch
Chứng suy giãn tĩnh mạch đối với các mạch máu ở gần bề mặt da sẽ rất dễ vỡ, gây chảy máu tự phát hoặc là hệ quả khi bị chấn thương trên đôi chân. Vỡ tĩnh mạch ở gần khớp như gần mắt cá chân, khớp gối có thể chảy máu tự nhiên vào ổ khớp mà không nhận biết sớm được, gây thoái hóa sớm và mất chức năng khớp.
Như vậy, ngoài những vết bầm máu mất thẩm mỹ trên da, người bệnh cũng có thể mất đi một lượng máu đáng kể gây thiếu máu mạn tính. Trong khi đó, nguyên nhân gây thiếu máu này cũng tương đối nguy hiểm vì dễ bỏ sót, nhất là ở những người cao tuổi và có cơ địa béo phì.
Nếu vỡ giãn tĩnh mạch xảy ra ở các tĩnh mạch sâu và kích thước lớn, việc cầm máu sẽ vô cùng khó khăn. Lượng máu thoát mạch tăng dần dẫn tới hội chứng chèn ép khoang, gây đè nén mạch máu nuôi đến chi và hoại tử chi. Lúc này, người bệnh cần sơ cứu cầm máu tại chỗ và nhanh chóng can thiệp phẫu thuật vì có thể đe dọa đến tính mạng trong một số trường hợp nếu trì hoãn.
2.2. Giãn tĩnh mạch và nhịp nhanh trên thất
Nhịp tim nhanh trên thất là một thuật ngữ phân loại các rối loạn nhịp tim nhanh khác nhau bắt đầu tần trên của tim trong đó tần số tim tăng tốc bất thường, là kết quả của các xung điện bất ổn hay từ các ổ phát nhịp, vòng dẫn truyền tự phát. Tình trạng này có ảnh hưởng đến lưu lượng máu trong hệ thống tuần hoàn của cơ thể vì buồng thất trái không có đủ thời gian để lấp đầy trước khi co bóp. Các triệu chứng phổ biến mà người bệnh có thể mắc phải khi vào cơn nhịp nhanh trên thất là:
- Tim đập thình thịch
- Đánh trống ngực
- Chóng mặt
- Choáng váng
- Ngất xỉu hoặc gần ngất xỉu
- Mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng
- Hụt hơi
- Vã mồ hôi
Thật không may, ở những người mắc chứng suy giãn tĩnh mạch đến mức độ nguy hiểm, có mối liên hệ giữa chứng giãn tĩnh mạch và nhịp nhanh trên thất. Tình trạng này đòi hỏi khả năng gắng sức trên hệ thống tim mạch, bao gồm cả các tĩnh mạch và động mạch vì chúng phải làm việc nhiều hơn để bù đắp thể tích máu thiếu hụt do đã bị ứ trệ trong lòng tĩnh mạch giãn lớn. Như vậy, điều trị suy giãn tĩnh mạch đơn thuần là không đủ để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng tại chỗ mà còn là kiểm soát hiệu quả cho các cơn nhịp nhanh trên thất.
2.3. Giãn tĩnh mạch và huyết khối tĩnh mạch sâu
Giãn tĩnh mạch và huyết khối tĩnh mạch sâu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Cơ chế xảy ra tình trạng này là sự ứ máu trong hệ thống tĩnh mạch giãn lớn tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các cục máu đông trong các tĩnh mạch sâu. Nếu huyết khối gây tắc nghẽn tĩnh mạch sâu, hồi lưu máu trở về tim bị trì trệ thì chân sẽ bị sưng to lên. Từ đó, hệ thống máu cung cấp đến từ động mạch cũng bị ngăn chặn, làm thiếu máu nuôi tại chỗ; mức độ nặng có thể gây hoại tử chi.
Bên cạnh đó, huyết khối trong hệ tĩnh mạch cũng có thể vỡ ra, di chuyển khỏi vị trí ban đầu, theo dòng hồi lưu trở về tim và gây ra tắc mạch phổi là thuyên tắc phổi. Nếu vùng nhu mô phổi bị nhồi máu có diện rộng, người bệnh có thể rơi vào tình trạng nguy kịch do sốc tắc nghẽn, thiếu oxy máu nặng và đôi khi dẫn đến tử vong.
2.4. Giãn tĩnh mạch và loét chân
Một vết loét tại chân được mô tả là tình trạng mất tính liên tục trên da ở chân. Khi da bị phá vỡ, môi trường và vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào tổ chức mô, gây nhiễm trùng, hoại tử và dẫn đến lở loét, đau nhức. Hầu hết các trường hợp cấp tính, vết loét có thể bắt đầu lành lặn trở lại trong vòng một hoặc hai tuần được điều trị chăm sóc tích cực. Tuy nhiên, vết loét sẽ còn tồn tại lâu hơn hoặc càng ngày sẽ xấu đi có thể chỉ ra một vấn đề nghiêm trọng tiềm ẩn bên dưới. Một trong các vấn đề này là tình trạng suy giãn tĩnh mạch đang xảy ra.
Cơ chế trong suy giãn tĩnh mạch là khiến máu ứ đọng, kém hồi lưu về tim cũng như ngăn cản máu giàu dưỡng chất từ động mạch đi đến. Từ đó, vết loét tại chân vừa càng thêm thiếu máu nuôi, vừa bị phù nề liên tục nên càng dễ bị nhiễm trùng nặng nề, hoại tử lan rộng hơn.
2.5. Bệnh viêm mô bào do xơ mỡ
Bệnh viêm mô bào do xơ mỡ (Lipodermatosclerosis) cũng là một hậu quả của ứ trệ máu do suy giãn tĩnh mạch, lắng đọng xơ vữa gây ra. Trong đó, vùng mô mềm kèm theo lớp mỡ dưới da ở phần dưới của một chân hoặc cả hai chân sẽ bị sưng viêm phù nề. Ban đầu, người bệnh có thể nhận thấy tình trạng sưng lên trên vùng mắt cá chân. Sau đó, các biểu hiện của vùng da sẽ tiến triển nặng dần giống như viêm mô tế bào.
Biến chứng này của suy giãn tĩnh mạch sẽ dễ gây lầm lẫn với tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn vì chúng giống như một bệnh về da và mô liên kết. Tuy nhiên, trên các đối tượng đã có suy giãn tĩnh mạch từ trước, vùng mô bị viêm cấp tính sẽ dần trở nên mãn tính và khiến da cứng lại hoặc dày lên; đồng thời có thể nhận thấy da cũng trông đỏ ửng hay có sự gia tăng sắc tố ở khu vực lân cận. Một số ít trường hợp khác là gây loét da kéo dài.
3.Cần làm gì khi bị suy giãn tĩnh mạch?
Chứng suy giãn tĩnh mạch thông thường sẽ ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới, với những biểu hiện nghi ngờ ban đầu là cảm giác nặng ở đôi chân sau một ngày dài lao động. Nếu thực sự là chẩn đoán này thì sẽ không có cách nào để ngăn chặn hoàn toàn tiến triển của nó dần dần theo thời gian.
Tuy vậy, mọi người có thể bắt đầu càng sớm càng tốt những việc có thể cải thiện lưu thông dòng máu và trương lực thành tĩnh mạch sẽ có ý nghĩa là chậm diễn tiến bệnh. Các biện pháp này khá đơn giản và hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà, ngay trong các sinh hoạt hằng ngày, không chỉ giúp cải thiện sức đàn hồi thành mạch mà còn phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch ngay khi chúng chưa xảy ra, bao gồm:
- Theo dõi cân nặng và chủ động giảm cân
- Thực hiện chế độ ăn nhiều chất xơ, ít muối
- Tránh giày cao gót hay giày quá chật
- Nâng cao chân khi ngủ
- Thay đổi tư thế khi phải ngồi hoặc đứng thường xuyên
Nếu chứng suy giãn tĩnh mạch trở nên nặng nề hơn, ngoài các biện pháp không dùng thuốc nêu trên, người bệnh cần phải đến thăm khám sớm tại các bác sĩ tim mạch, nhằm được chỉ định các biện pháp điều trị chuyên dụng cũng như can thiệp chích xơ tĩnh mạch giãn hay phẫu thuật giãn tĩnh mạch khi có chỉ định để phòng ngừa sớm, tránh dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Tóm lại, suy giãn tĩnh mạch được xem là một bệnh lý mạn tính khá thường gặp trong cuộc sống “công nghiệp” ngày nay. Mặc dù bệnh tiến triển chậm và các dấu hiệu ban đầu có thể bị bỏ sót, khi đến mức độ nặng, giãn tĩnh mạch có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Hiểu và biết các thông tin trên đây sẽ giúp người bệnh kịp thời điều chỉnh, chủ động bảo vệ sức khỏe cho đôi chân của chính mình.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch tiến triển chậm ở những giai đoạn sớm khó nhận biết các triệu chứng, chính vì vậy những người bệnh có yếu tố nguy cơ như mang thai nhiều lần, công việc hay phải ngồi lâu, đứng lâu hay có bất cứ triệu chứng nào của bệnh nên khám bệnh sớm điều trị mang lại nhiều hiệu quả và tránh những biến chứng của bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: veinclinics.com, usaveinclinics.com