Hỏi
Chào bác sĩ,
Em mang thai 7 tháng, chân phải của em đau từ mông tới đầu gối. Em có đi khám, kết quả siêu âm là suy giãn tĩnh mạch chân phải. Hiện tại em rất đau. Bác sĩ cho em hỏi suy giãn tĩnh mạch chân phải khi mang thai 7 tháng điều trị thế nào? Em cảm ơn bác sĩ.
Nguyễn Thị Lan (1983)
Trả lời
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lã Thị Thùy - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Suy giãn tĩnh mạch chân phải khi mang thai 7 tháng điều trị thế nào?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay giãn tĩnh mạch chi dưới mãn tính là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân. Bệnh thường tiến triển chậm, không rầm rộ, ít nguy hiểm nhưng trở ngại nhiều cho sinh hoạt và công việc hằng ngày.
Triệu chứng bạn mô tả có rất nhiều nguyên nhân và suy van tĩnh mạch cũng là một trong những nguyên nhân gây ra đau chân vì vậy em cần phải đi khám để được chẩn đoán xác định tình trạng đau chân.
Nguyên nhân suy giãn tĩnh mạch chi dưới chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh được xác định liên quan đến một số yếu tố nguy cơ do tổn thương chức năng của các van một chiều thuộc hệ tĩnh mạch ngoại biên. Các van này bị tổn thương là do:Tư thế sinh hoạt, làm việc phải đứng hay ngồi lâu một chỗ, mang thai, sinh đẻ nhiều lần, khiếm khuyết van do bẩm sinh, thoái hóa do tuổi tác,...
Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch:
- Giai đoạn đầu: Triệu chứng của bệnh thường mờ nhạt và thoáng qua, người bệnh có biểu hiện đau chân, nặng chân, đôi khi có cảm giác mang giày dép chật hơn bình thường. Mỗi chân xuất hiện phù nhẹ, chuột rút vào buổi tối, cảm giác bị châm kim và có nhiều mạch máu nhỏ li ti.
- Giai đoạn tiến triển: Bệnh gây phù chân, làm thay đổi màu sắc da vùng cẳng chân, các tĩnh mạch bị trương phồng lên, nổi các mảng bầm máu trên da.
- Giai đoạn biến chứng: Chảy máu nặng do giãn vỡ tĩnh mạch, nhiễm khuẩn vết loét của suy giãn tĩnh mạch mạn tính.
Có rất nhiều biện pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch: Phương pháp nội khoa: Thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau, thuốc chống đông, thuốc làm tan cục máu đông, thuốc làm bền thành mạch, thuốc tăng trương lực tĩnh mạch,...Điều trị bằng phương pháp chích xơ, phẫu thuật, sóng cao tần hay tia laser. Biện pháp không dùng thuốc và không ảnh hưởng đến thai nhi là mang vớ tĩnh mạch.
Để phòng tránh suy giãn tĩnh mạch cần phải: Thay đổi thói quen sinh hoạt và làm việc, uống nhiều nước tối thiểu 2 lít một ngày, mang tất thun hỗ trợ, kiểm soát cân nặng.
Nếu bạn còn thắc mắc về suy giãn tĩnh mạch chân phải khi mang thai 7 tháng, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.