Bị ngã hoặc cắn vào vật gì đó cứng có thể khiến mẻ hay gãy răng. Nếu vết sứt mẻ nhỏ, việc sửa chữa thường được thực hiện đơn giản trong 1 lần khám nha khoa. Trường hợp răng hư hỏng nặng hoặc bị gãy có thể đòi hỏi một quy trình kéo dài và tốn kém hơn.
1. Nguyên nhân gãy và sứt mẻ răng
Răng có thể bị sứt mẻ hoặc gãy vì bất kỳ lý do nào. Các nguyên nhân phổ biến gây sứt mẻ răng bao gồm:
- Cắn các vật cứng, như đá hoặc kẹo cứng;
- Bị ngã hoặc tai nạn xe;
- Chơi các môn thể thao đối kháng mà không có dụng cụ bảo vệ miệng;
- Nghiến răng khi ngủ.
Người có răng yếu có khả năng bị mẻ hoặc gãy răng nhiều hơn răng khỏe mạnh. Một số nguy cơ làm giảm độ chắc khỏe của răng bao gồm:
- Sâu răng ăn mòn men răng. Các miếng trám lớn cũng có xu hướng làm răng yếu đi;
- Ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều axit như nước hoa quả, cà phê, thức ăn cay có thể phá vỡ men răng;
- Trào ngược axit hoặc ợ chua, hai tình trạng tiêu hóa này có thể đưa axit dạ dày vào miệng của bạn, nơi chúng có thể làm hỏng men răng;
- Rối loạn chức năng ăn uống hoặc uống rượu quá mức gây ra nôn thường xuyên, có thể tạo ra axit làm mòn men răng;
- Ăn nhiều thực phẩm chứa đường, đường tạo ra vi khuẩn trong miệng và vi khuẩn có thể tấn công men răng;
- Nguy cơ bị suy yếu men răng sẽ tăng lên theo độ tuổi, nhất là những người trên 50 tuổi.
Bất kỳ chiếc răng nào bị suy yếu đều có nguy cơ bị sứt mẻ hoặc gãy. Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy răng hàm dưới thứ 2 - có thể do nó phải chịu một áp lực khá lớn khi ăn nhai dễ bị sứt mẻ nhất. Điều đó nói lên rằng, những chiếc răng còn nguyên vẹn cũng có thể bị sứt mẻ nếu phải chịu tác động ngoại lực lớn.
2. Cách chăm sóc răng bị mẻ hoặc gãy
Nếu răng của bạn bị sứt mẻ hoặc bị gãy, hãy đến nha khoa càng sớm càng tốt. Trong thời gian chờ đợi để gặp nha sĩ, hãy thử các biện pháp tự chăm sóc sau:
- Nếu răng bị đau, hãy uống Paracetamol hoặc một loại thuốc giảm đau không kê đơn khác. Súc miệng bằng nước muối.
- Nếu vết sứt răng tạo ra cạnh sắc nhọn hoặc lởm chởm, hãy che nó bằng một miếng paraffin sáp hoặc kẹo cao su không đường để ngăn nó cắt vào lưỡi hoặc bên trong môi, má của bạn.
- Nếu bạn cần phải ăn, hãy ăn thức ăn mềm và tránh cắn vào chỗ răng gãy.
- Chườm đá lên bên ngoài má nếu chiếc răng sứt mẻ gây kích ứng cho vùng này.
3. Điều trị răng gãy, sứt mẻ
“Gãy răng phải làm sao” hay “sứt răng phải làm sao” là điều mà nhiều người lo lắng nếu không may gặp phải tình trạng này. Nếu vết sứt mẻ nhỏ, việc sửa chữa thường có thể được thực hiện đơn giản trong 1 lần khám nha khoa. Trường hợp răng bị hư hỏng nặng hoặc bị gãy có thể đòi hỏi một quy trình kéo dài và tốn kém hơn. Dưới đây là một số biện pháp điều trị sửa chữa chiếc răng gãy hoặc sứt mẻ:
- Trám răng: Nếu răng của bạn chỉ bị sứt mẻ nhỏ, nha sĩ có thể khắc phục tổn thương bằng cách trám răng. Nếu răng cần sửa chữa là răng cửa hoặc răng có thể nhìn thấy khi bạn cười, nha sĩ có thể khuyên bạn trám răng thẩm mỹ, phương pháp này sử dụng một loại nhựa composite có màu giống màu răng. Trám răng là một quy trình đơn giản thường không cần gây tê răng. Đầu tiên nha sĩ sẽ cho chất lỏng hoặc gel lên bề mặt răng để làm nhám và làm cho vật liệu liên kết dính vào răng. Tiếp theo, bôi chất kết dính lên răng sau đó là dán nhựa composite. Cuối cùng là sử dụng đèn chiếu tia cực tím để làm cứng chất liệu.
- Bọc mão răng: Nếu một mảng lớn của răng bị gãy hoặc mẻ, nha sĩ có thể mài hoặc dũa đi một phần của răng còn lại và che phủ nó bằng một mão răng, được làm để bảo vệ và cải thiện ngoại hình răng. Nếu toàn bộ đỉnh răng bị gãy nhưng chân răng vẫn còn nguyên vẹn, nha sĩ có thể tiến hành điều trị tủy răng và đặt một trụ vào ống tủy. Trong lần khám đầu tiên, bạn sẽ được chụp X-quang để kiểm tra chân răng và xương xung quanh. Nếu không phát hiện vấn đề gì bất thường, nha sĩ sẽ gây tê phần nướu xung quanh, sau đó loại bỏ đủ phần răng còn lại để tạo khoảng trống cho mão răng. Nếu răng bị mất một mảng lớn, nha sĩ có thể sử dụng vật liệu trám lên răng để giữ mão răng. Mẫu răng được lấy dấu và gửi đến phòng thí nghiệm nơi sản xuất mão răng. Trong thời gian chờ đợi, nha sĩ sẽ đặt một mão răng tạm thời làm bằng acrylic hoặc kim loại mỏng. Trong lần khám thứ hai, thường từ 2 đến 3 tuần sau, nha sĩ sẽ tháo mão răng tạm thời và kiểm tra độ vừa khít của mão vĩnh viễn trước khi gắn xi măng.
- Dán Veneers: Nếu một chiếc răng cửa bị gãy hoặc sứt mẻ, một veneer nha khoa có thể giúp che đi những khuyết điểm này. Veneer nha khoa là một lớp vỏ mỏng bằng vật liệu composite nhựa hoặc sứ có màu răng bao phủ toàn bộ mặt trước của răng với một phần dày hơn để thay thế cho phần răng bị mất. Thông thường nha sĩ sẽ cần loại bỏ khoảng 0,3 -1,2 mm lớp men răng. Tiếp theo, nha sĩ sẽ lấy dấu răng để gửi đến phòng thí nghiệm nha khoa, sẽ chế tạo ra veneer. Khi veneer đã sẵn sàng, thường là một hoặc hai tuần sau, bạn sẽ cần quay lại nha sĩ để dán nó.
- Liệu pháp chữa tủy răng: Nếu một vết nứt hoặc vỡ răng đủ lớn để làm lộ tủy răng - trung tâm của răng chứa các dây thần kinh và mạch máu - thì vi khuẩn từ miệng có thể xâm nhập và lây nhiễm sang tủy răng. Nếu răng của bạn bị đau, đổi màu hoặc nhạy cảm với nhiệt, thì có thể là tủy răng đã bị tổn thương. Điều trị tủy răng bao gồm việc loại bỏ phần tủy chết, làm sạch ống tủy, sau đó trám bít lại.
Tóm lại, nếu bạn không may bị sứt mẻ răng, cách tốt nhất để bảo vệ răng miệng và sức khỏe tổng thể là đến gặp nha sĩ để kiểm tra chắc chắn. Nếu chiếc răng của bạn bị gãy, bạn nên cố gắng đến gặp nha sĩ trong vòng 30 phút. Bên cạnh đó, bạn cũng nên đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn bị đau hoặc chảy máu quá nhiều.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com