Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Trong quá trình mang thai, tử cung là cơ quan bị ảnh hưởng và có nhiều thay đổi nhất. Đây là nơi chứa đựng bào thai và nuôi dưỡng thai nhi phát triển (bao gồm phôi thai, nước ối và nhau thai). Điều này nhờ vào tính đàn hồi của các giải mô trong cấu tạo của tử cung. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về sự thay đổi của tử cung trong quá trình mang thai.
1. Vì sao chiều dài tử cung khi mang thai có thể thay đổi được?
Khi mang thai, tử cung là nơi để trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển. Do đó, tử cung cũng phát triển theo để thích nghi với sự phát triển của bào thai. Chiều dài tử cung khi mang thai có thể thay đổi được mà không gây khó khăn đối với các cơ quan khác là nhờ tính đàn hồi của các cơ thành bụng đang căng ra; bên cạnh đó, các cơ quan khác cũng thích ứng tốt với vị trí mới khi bị tử cung đẩy ra. Nhờ đặc tính này mà thai nhi có thể lớn và phát triển trong bụng mẹ.
Trắc nghiệm: Tại sao khi mang thai có người rạn da, người thì không?
Hầu như mẹ bầu nào cũng sẽ bị rạn da khi mang thai, nhưng một số lại không gặp tình trạng này. Vậy nguyên nhân là do đâu? Làm bài trắc nghiệm sau sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.2. Chiều dài tử cung khi mang thai thay đổi như thế nào?
Tử cung là cơ bắp nhỏ nằm trong xương chậu của phụ nữ. Khi mang thai, tử cung có kích thước từ 7,5 x 5 x 2,5 cm đến 30 x 23 x 20 cm, trọng lượng từ 50g đến 1kg và đạt khối lượng từ 6ml đến 5 lít. Quá trình thay đổi chiều dài của tử cung khi mang thai như sau:
- Bình thường, tử cung có hình dáng giống quả lê. Ở tháng đầu tiên của thai kỳ, tử cung không to lên đáng kể và được mô tả như một quả quýt lớn;
- Tháng thứ 2 của thai kỳ: Tử cung to lên như một quả cam;
- Tháng thứ 3 của thai kỳ: Tử cung có dạng giống hình cầu. Với sự thay đổi về chiều dài tử cung khi mang thai, lúc này thai phụ có thể nhìn thấy tử cung hiện rõ ở phía trên vùng mu. Đến tuần thứ 11 của thai kỳ, tử cung to bằng nắm tay và đè lên bàng quang, khiến cho mẹ bầu đi tiểu nhiều hơn và gây táo bón, trĩ...;
- Tháng thứ 4 của thai kỳ: Tử cung đã có sự thay đổi khá rõ, chiều cao của tử cung đạt tới giữa khoảng cách vùng mu và rốn. Đến tuần 14, tử cung đã to như một quả bưởi;
- Tháng 5 - 6 của thai kỳ: Chiều dài tử cung khi mang thai thay đổi và đã cao tới rốn;
- Tháng thứ 7 của thai kỳ: Tử cung có hình dạng giống quả lê lộn ngược và đã cao vượt lên trên rốn khoảng 4 - 5 cm. Khi tử cung ngày càng cao lên trong khoang bụng thì da bụng bắt đầu giãn ra và lúc này sự phát triển của thai nhi có thể gây rối loạn tiêu hóa cho mẹ do sức ép từ dưới lên;
- Tháng thứ 8 của thai kỳ: Lúc này tử cung đã cao đến giữa chỏm xương ức và rốn;
- Tháng thứ 9, khi chuẩn bị sinh: Đây là lúc chiều dài tử cung khi mang thai đạt kích thước lớn nhất. Tuy nhiên, thai phụ cũng có thể có cảm giác tử cung đã bắt đầu đi xuống trở lại vào 2 đến 3 tuần trước khi sinh. Khi sức ép của bụng giảm xuống thì việc hô hấp sẽ dễ dàng hơn.
Chi tiết về sự phát triển của thai nhi qua từng tuần, cha mẹ nào cũng nên tìm hiểu:
3. Sự thay đổi của cổ tử cung khi mang thai như thế nào?
Ngoài sự thay đổi về kích thước và vị trí trong thai kỳ, cổ tử cung - một phần của tử cung còn có những thay đổi sau:
- Từ tuần thứ 4 của thai kỳ, cổ tử cung sẽ dần thay đổi về cả màu sắc lẫn kết cấu;
- Sau khi trứng thụ tinh được 5 tuần, cổ tử cung bắt đầu hình thành một nút nhầy để giúp tử cung giữ bào thai và tránh bị những tác nhân bên ngoài gây viêm nhiễm.
Chiều dài tử cung khi mang thai thay đổi rất nhiều. Khi thai nhi càng lớn, tử cung càng giãn rộng và khiến vùng thắt lưng của mẹ bầu bị trũng xuống, khiến thai phụ thường có cảm giác đau lưng. Do đó, các thai phụ hãy tập luyện thể dục nhẹ nhàng và thường xuyên để cơ bụng chắc hơn, giúp vùng thắt lưng thoải mái, tránh đau lưng. Sau khi sinh, mẹ bầu có thể kiểm tra lại vị trí tử cung vì tử cung sẽ trở về vị trí ban đầu. 3 tháng đầu là thời điểm nhạy cảm nhất trong suốt thai kỳ. Để mẹ và bé được khỏe mạnh, các bậc cha mẹ cần lưu ý:
- Hiểu rõ dấu hiệu sớm khi mang thai, ngộ độc thai nghén, ra máu trong thai kỳ.
- Khám thai lần đầu kịp thời, đúng và đủ, tránh khám quá sớm/ quá muộn.
- Sàng lọc dị tật thai nhi tuần thứ 12 phát hiện những dị tật thai nhi nguy hiểm có thể can thiệp sớm.
- Phân biệt chảy máu âm đạo thông thường và chảy máu âm đạo bệnh lý để can thiệp giữ thai kịp thời.
- Sàng lọc bệnh lý tuyến giáp trong 3 tháng đầu thai kỳ tránh những rủi ro nguy hiểm trước và trong khi sinh.
Vinmec hiện có nhiều gói thai sản (12-27-36 tuần), trong đó chương trình thai sản trọn gói 12 tuần giúp theo dõi sức khỏe của mẹ và bé ngay từ đầu thai kỳ, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các vấn đề sức khỏe. Ngoài các dịch vụ thông thường, chương trình theo dõi thai sản từ 12 tuần có các dịch vụ đặc biệt mà các gói thai sản khác không có như: xét nghiệm Double Test hoặc Triple Test tầm soát dị tật thai nhi; xét nghiệm định lượng yếu tố tân tạo mạch máu chẩn đoán tiền sản giật; xét nghiệm sàng lọc tuyến giáp; xét nghiệm Rubella; xét nghiệm ký sinh trùng lây từ mẹ sang con gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ và thể chất của bé sau sinh.
Bác sĩ Trương Nghĩa Bình có kinh nghiệm trên 13 năm trong lĩnh vực khám chữa bệnh Sản phụ khoa, có chuyên môn cao và kinh nghiệm lâu năm trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý Sản Phụ khoa.
Mọi thông tin chi tiết về chương trình thai sản trọn gói 12 tuần và đăng ký khám, Quý Khách có thể liên hệ đến các phòng khám, bệnh viện thuộc hệ thống y tế Vinmec trên toàn quốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.