Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có trên 10 năm kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, tư vấn và điều trị trong lĩnh vực Sản Phụ khoa.
Cơ thể phụ nữ mang thai tuần 30 có nhiều thay đổi để đáp ứng với quá trình chuyển dạ sắp tới. Cụ thể là khung chậu nở ra, đau tăng lên ở những cơ quan bị chèn ép gần tử cung như xương sườn, cơ hoành và xương chậu. Thai phụ cũng dễ bị ợ nóng và khó tiêu do giãn cơ ngăn cách thực quản và dạ dày.
1. Phụ nữ mang thai tuần 30 thay đổi như thế nao?
Phụ nữ mang thai tuần 30 phải chứa trong mình thai nhi với trọng lượng khoảng 1,3 - 1,5 kg và chiều dài khoảng 37-39 cm và vẫn còn khoảng 10 tuần nữa đến ngày em bé ra đời. Lúc này, kích thước của bé lớn hơn gây chèn ép xương sườn, cơ hoành, xương chậu và các cơ quan quanh ổ bụng khác.
Cơ thể có nhiều thay đổi để đáp ứng quá trình chuyển dạ đang đến gần như khung chậu nở ra có thể nhận thấy được bằng việc chân bắt đầu giang rộng. Từ giai đoạn này, trọng lượng của người phụ nữ có thể tăng khoảng 0,454 kg mỗi tuần.
Phụ nữ mang thai tuần 30 dễ bị chứng khó tiêu, đặc biệt là trong giai đoạn chuẩn bị cho chuyển dạ sinh con. Cơ ngăn cách thực quản với dạ dày bị giãn ra làm thức ăn và dịch tiêu hóa trào ngược từ dạ dày lên ngực và cổ họng gây ợ nóng, khó tiêu.
Giảm triệu chứng ợ nóng và khó tiêu bằng cách tránh các món cay, béo hoặc chiên và sôcôla, chia làm nhiều bữa ăn nhỏ và không nằm xuống trong khi ăn vặt hoặc ngay sau khi ăn. Có thể sử dụng thêm viên nhai điều trị đau dạ dày hoặc thuốc kháng acid dạ dày dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ để hỗ trợ làm giảm triệu chứng.
Ngày sinh đang đến gần hơn, thai phụ nên thảo luận với gia đình về việc có nên lưu trữ máu cuống rốn của bé hay không. Máu cuống rốn chứa các tế bào gốc có thể được sử dụng để điều trị một số bệnh về máu và rối loạn hệ thống miễn dịch. Thủ tục lấy máu an toàn và không đau được thực hiện ngay sau khi em bé chào đời (mất khoảng 5 phút). Gia đình có thể quyên góp cho cộng đồng hoặc lưu trữ riêng với một khoản phí trả trước và chi phí lưu trữ hàng năm để phục vụ trong trường hợp khẩn cấp. Sau khi đưa ra quyết định, thai phụ cùng gia đình cần thông báo sớm cho bác sĩ để chuẩn bị các công việc cần thiết.
- Xem thêm: Lưu trữ máu cuống rốn ở Vinmec - "Bảo hiểm sinh học" trọn đời cho con
2. Triệu chứng mang thai tuần 30
Thay đổi chuyển động của thai nhi
Cơ thể bé ngày càng phát triển làm không gian trong tử cung ngày càng chật hơn. Do đó, mọi chuyển động của bé đều được mẹ dễ dàng cảm nhận. Thai phụ nên theo dõi cử động của bé và báo lại với bác sĩ nếu có bất thường.
Đầy hơi
Tử cung giãn ra gây áp lực và làm suy yếu các cơ ở trực tràng dẫn đến việc đầy bụng và xì hơi không kiểm soát được. Cách tốt nhất để giảm đầy hơi là uống nhiều nước.
Bàn chân và mắt cá chân sưng
Khoảng 75% phụ nữ mang thai bị sưng mắt cá chân và bàn chân. Bên cạnh việc mang giày thoải mái, thai phụ còn có thể làm giảm sưng các ngón chân bằng cách nghỉ ngơi và kê chân lên cao.
Táo bón
Táo bón là triệu chứng khó tránh trong thời kỳ mang thai. Để tránh táo bón khi mang thai kéo dài tiến triển thành bệnh trĩ thì thai phụ cần bổ sung đủ nước cho cơ thể, ăn nhiều chất xơ và men vi sinh như rau quả, sữa chua.
Vết rạn da
Làn da bị căng ra do tử cung bị đẩy lên, từ đó gây nên rạn da. Biểu hiện là xuất hiện các vệt màu hồng hoặc đỏ. Vết rạn sẽ tự hồi phục sau khi em bé ra đời vì vậy thai phụ không nên sử dụng bất kỳ loại thuốc chữa bệnh nào.
Mệt mỏi
Phụ nữ mang thai thường cảm thấy mệt mỏi nhiều hơn trong những tháng cuối. Cụ thể là mất ngủ tăng lên do bé tăng tần suất “Quậy phá”. Lúc này, thai phụ nên yêu cầu sự giúp đỡ của người thân trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
3. Lời khuyên cho thai phụ mang thai tuần 30
Sử dụng gối tựa: Áp lực lên cơ hoành tăng lên làm tăng khó thở. Để làm giảm khó thở, thai phụ nên thử ngủ trong tư thế nửa nằm nửa ngồi và tựa lưng vào gối.
Mặc trang phục thoải mái: Phụ nữ thường trở nên vụng về và dễ bị trượt ngã trong thời gian mang thai. Để tránh nguy cơ bị té, thai phụ nên mặc trang phục thoải mái.
Tập luyện Kegels: Kegel - bài tập có tác dụng giúp khung xương chậu chắc khỏe hỗ trợ tốt hơn cho tử cung, bàng quang và ruột, và có thể làm giảm các triệu chứng như bệnh trĩ và tiểu không tự chủ. Kiên trì tập luyện Kegels cũng có thể giúp sinh nở dễ dàng hơn, không cần đến phẫu thuật cắt tầng sinh môn. Động tác được thực hiện bằng cách làm căng các cơ xung quanh âm đạo, hậu môn và giữ (như cách cố gắng nhịn tiểu) tối đa 10 giây rồi từ từ thả lỏng và lặp lại 20 lần mỗi ngày.
Chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp: Trước khi chọn mua các sản phẩm chăm sóc da, thai phụ nên đọc các thông tin trên sản phẩm. Nếu thành phần có chứa vitamin A, vitamin K hoặc BHA (axit beta-hydroxy hoặc axit salicylic), thai phụ nên sử dụng có thời hạn. Hầu hết bác sĩ khuyên dùng sản phẩm chứa AHA (axit alpha-hydroxy). Tuy nhiên, các sản phẩm AHA có thể làm cho làn da mang thai nhạy cảm với ánh nắng mặt trời bị tổn thương nặng hơn. Kem chống nắng (SPF 15 hoặc cao hơn) có thể hạn chế tình trạng này. Tốt nhất là thai phụ nên chọn các sản phẩm kết hợp bảo vệ da và ngăn ngừa các nếp nhăn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com; Whattoexpect.com và Parents.com