Sự thay đổi của bà bầu tuần 19

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Thị Thanh Nhã - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bà bầu tuần thứ 19 sẽ nhận thấy những thay đổi rõ rệt của cơ thể với các triệu chứng như đau lưng, chuột rút, chóng mặt, táo bón... Chúng có thể gây cho mẹ bầu cảm giác khó chịu và ảnh hưởng nhất định đến sinh hoạt hàng ngày. Cùng tìm hiểu những thay đổi của cơ thể khi mang thai tuần 19 và những việc mẹ bầu cần làm trong thời gian này.

1. Cơ thể bà bầu thay đổi thế nào ở tuần thai 19?

Mang thai tuần 19 nghĩa là bà bầu đang ở tháng thứ 5 của thai kỳ, tức là chỉ còn 4 tháng nữa sẽ sinh.

Khi bé ngày càng lớn dần lên, ở tuần thai này mẹ bầu có thể có các biểu hiện như đau bụng dưới, chóng mặt, ợ nóng, táo bón, sưng nhẹ ở mắt cá chân và bàn chân, đau lưng. Các mạch máu giãn nở gây ra những vết đỏ nhỏ, tạm gọi là spider nevi (dấu sao mạch, một tổn thương da với biểu hiện nhiều mạch máu nhỏ li ti tỏa ra xung quanh như dấu hoa thị) xuất hiện trên mặt, vai và 2 cánh tay.

Chuột rút chân

Mẹ bầu trong thời gian này cũng phải đối mặt với tình trạng chuột rút chân. Những cơn đau co thắt kéo từ trên bắp chân xuống rất phổ biến trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Hiện tượng chuột rút có thể xuất hiện vào ban ngày, tuy nhiên mẹ bầu sẽ chỉ thực sự chú ý đến khi nó xuất hiện vào ban đêm, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ và khiến mẹ bầu không thể ngon giấc sau cả ngày dài mệt mỏi.

Nguyên nhân của tình trạng chuột rút khi mang thai đến nay chưa được làm rõ, mặc dù có nhiều giả thuyết giải thích khá hợp lý về vấn đề này. Theo đó, chuột rút có thể đơn giản chỉ là do cơ ở bắp chân của mẹ bị mỏi do phải mang thêm trọng lượng của thai nhi, hoặc do các mạch máu đến và đi từ chân bị đè nén bởi tử cung đang phát triển lớn dần ở tuần thai thứ 19. Cũng có suy đoán rằng hiện tượng chuột rút có thể liên quan đến chế độ ăn uống theo một cách nào đó, dù giả thuyết này chưa được kiểm chứng.

Cho dù nguyên nhân là gì, bạn vẫn cần phải tìm cách khắc phục chứng chuột rút khi đứng, ngồi và đặc biệt là khi đi ngủ để có một giấc ngủ ngon. Hãy duỗi thẳng chân, nhẹ nhàng uốn cong ngón chân và mắt cá chân về phía cẳng chân, cách này có thể làm dịu dần cơn chuột rút.

Cảm nhận về chuyển động của em bé

Một số thai phụ nghe nói rằng ở thời điểm mang thai tuần 19 bắt đầu cảm nhận được em bé đang đạp, họ bắt đầu cảm thấy lo lắng khi mình vẫn chưa cảm thấy gì. Những cú đá nho nhỏ đầu tiên đó từ bé có thể được cảm nhận bằng nhiều cách khác nhau vào bất cứ lúc nào, thường là khoảng từ tuần thai thứ 18 - 22, vì vậy mẹ bầu không nên sốt ruột khi ở tuần thai thứ 19 nhưng chưa thấy bé đạp.

Trong một số trường hợp, việc cảm nhận được cú đạp của em bé sớm còn là dấu hiệu nhắc nhở thai phụ về một số vấn đề của cơ thể. Ví dụ, mẹ bầu đang quá gầy nên dễ cảm nhận được chuyển động của thai nhi hay do trương lực cơ tử cung của mẹ ngày càng lỏng lẻo, điều đó giải thích vì sao những người sinh con lần thứ 2 trở lên nhận biết được các cử động thai sớm hơn.


Thai phụ không nên sốt ruột khi ở tuần thai thứ 19 nhưng chưa thấy bé đạp
Thai phụ không nên sốt ruột khi ở tuần thai thứ 19 nhưng chưa thấy bé đạp

Tăng cảm giác thèm ăn

Bà bầu tuần thứ 19 thường rất khó kiểm soát được những cơn đói vô tội vạ của mình. Cơ thể mẹ bầu luôn có cảm giác không bao giờ là đủ. Sự thèm ăn tăng lên trong thai kỳ là hiện tượng rất phổ biến, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai khi chứng ốm nghén giảm dần và cơ thể cần nhiều calo hơn để nuôi em bé đang ngày một lớn lên.

Để đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, bà bầu hãy loại bỏ những đồ ăn vặt ra khỏi nhà và lấp đầy tủ lạnh bằng những thực phẩm bổ dưỡng, lành mạnh, có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên đôi khi mẹ bầu cũng nên cho phép bản thân được ăn những món ăn mình thích, tránh tạo cảm giác ngán ngẩm khi ăn uống.

Xuất hiện vết rạn da

Có tới 90% phụ nữ bị rạn da khi mang thai. Chúng xuất hiện trên đùi, mông, bụng và có thể cả ngực của mẹ bầu. Mặc dù chưa có biện pháp chữa rạn da nào có thể chứng minh là mang lại hiệu quả triệt để, tuy nhiên bạn vẫn có thể làm giảm bớt triệu chứng khô ngứa do da bị kéo căng bằng cách dùng các chất dưỡng ẩm như bơ ca cao.

Táo bón

Nếu không thể đi ngoài thường xuyên, mẹ bầu hãy xem lại các loại chất bổ sung và thuốc đang dùng. Một trong số đó, chẳng hạn như sắt có thể làm tình trạng táo bón trở nên tồi tệ hơn. Nếu tìm ra các chất này, hãy nhờ bác sĩ đưa ra lựa chọn thay thế chúng cho tới khi hệ thống tiêu hóa trở lại bình thường.

Ngất xỉu hoặc chóng mặt

Tử cung đang phát triển ngày một lớn có thể gây áp lực lên các mạch máu, làm giảm lưu lượng máu đến não và khiến mẹ bầu cảm thấy chóng mặt. Mặc dù hiện tượng chóng mặt khi mang thai là phổ biến nhưng không nên xem nhẹ và bỏ qua nó, hãy nhẹ nhàng ngồi hoặc nằm xuống khi bắt đầu thấy có dấu hiệu chóng mặt để không xảy ra va chạm nào ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi.

Đau lưng

Khi tử cung phát triển, thai phụ có thể nhận thấy trọng tâm của cơ thể bị dồn về phía trước, gây thêm áp lực lên lưng dưới, dẫn tới đau lưng khi mang thai. Tránh tạo thêm áp lực lên lưng bằng cách nhờ người khác nâng giúp vật nặng; nếu buộc phải nâng một cái gì đó, hãy nâng một cách từ từ, khuỵu cong ở đầu gối, không phải thắt lưng; nâng dần lên bằng tay và chân, không phải bằng lưng.

Nghẹt mũi

Một nghiên cứu cho thấy có trên 65% phụ nữ mang thai bị chứng nghẹt mũi giống như bị cảm lạnh hoặc dị ứng. Nghẹt mũi, thậm chí đôi khi là chảy máu cam xuất hiện từ sau tuần thai thứ 16 cho tới hết thai kỳ, do đó mẹ bầu nên thường xuyên mang theo bên mình khăn giấy để tiện dùng.

Khi muốn hỉ mũi, hãy dùng ngón tay cái bịt một lỗ mũi và hỉ nhẹ ra ở lỗ mũi bên kia. Cách làm này sẽ không làm tổn thương màng mũi và không gây chảy máu mũi.


Khi tử cung phát triển gây thêm áp lực lên lưng dưới, dẫn tới đau lưng khi mang thai
Khi tử cung phát triển gây thêm áp lực lên lưng dưới, dẫn tới đau lưng khi mang thai

2. Lời khuyên cho bà bầu tuần thứ 19

2.1 Cẩn thận với bệnh nấm Candida

Đã có quá nhiều vấn đề mẹ bầu phải đối diện trong tuần thai này, tuy nhiên đó chưa phải là tất cả. Nấm Candida có thể xuất hiện tại một số thời điểm của thai kỳ, không ngoại trừ tuần thai thứ 19. Bệnh sẽ trở nên khó kiểm soát hơn trong thời gian mang thai, vì vậy hãy tìm hiểu các tài liệu liên quan đến bệnh nấm Candida để đối phó với chúng tốt nhất.

2.2 Tìm một lớp học tiền sản bổ ích

Mặc dù mẹ bầu có thể chưa cần tham gia ngay lớp học tiền sản trước tam cá nguyệt thứ ba, tuy nhiên hãy dành thời gian nghiên cứu và tìm kiếm một lớp tiền sản uy tín khi mang thai tuần 19. Hãy chuẩn bị kiến thức về sinh nở và tìm vật dụng để thử thực hành toàn bộ quá trình sinh nở. Những gì mẹ bầu biết được bây giờ sẽ đem lại những lợi ích không ngờ như giúp mẹ giảm bớt lo lắng, nỗi hoang mang khi cơn chuyển dạ đầu tiên đến cho tới khi sinh con.

2.3 Lựa chọn các phương pháp trị liệu an toàn

Mẹ bầu cần luôn thận trọng khi sử dụng bất cứ phương pháp điều trị nào trong thời kỳ mang thai. Để đảm bảo an toàn cho thai nhi, mẹ không nên dùng bất cứ loại thuốc hoặc chế phẩm thảo dược nào, kể cả những loại vốn được biết đến là có thể dùng tự do cho mọi đối tượng, trừ khi được bác sĩ kê toa. Nếu muốn thai nhi lớn lên một cách tự nhiên mà không bị ảnh hưởng bởi các tác động từ thuốc tây y, mẹ bầu có thể tìm đến các liệu pháp tự nhiên như châm cứu, xoa bóp, thiền,...

2.4 Ăn các bữa ăn nhỏ trong cả ngày

Bổ sung năng lượng bằng cách ăn 6 bữa ăn nhỏ trong cả ngày hoặc 3 bữa ăn vừa phải cộng với 3 bữa ăn nhẹ, sẽ không chỉ giữ cho dinh dưỡng được cung cấp liên tục để nuôi thai nhi mà còn tránh cho hệ tiêu hóa của mẹ bầu khỏi bị quá tải khi ăn quá nhiều thức ăn trong 1 bữa.

Từ tuần thai thứ 19, thai phụ rất dễ gặp các vấn đề về sức khỏe trong đó có tiểu đường thai kỳ. Căn bệnh này chiếm từ 3-7% tổng số phụ nữ mang thai, làm gia tăng nguy cơ xảy ra các tai biến nguy hiểm trong suốt quá trình mang thai cao hơn các thai phụ bình thường nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Thai phụ nên chủ động tầm soát tiểu đường thai kỳ thường xuyên để được xử ký sớm.

Với mong muốn chăm sóc sức khỏe cho thai phụ toàn diện trong suốt thai kỳ, Vinmec cung cấp chương trình Thai sản trọn gói đa dạng. Ngoài việc khám thai thông thường, bạn còn được thực hiện các sàng lọc quan trọng như: tầm soát tiểu đường thai kỳ, xét nghiệm Double Test hoặc Triple Test tầm soát dị tật thai nhi; xét nghiệm định lượng yếu tố tân tạo mạch máu chẩn đoán tiền sản giật; xét nghiệm sàng lọc tuyến giáp; xét nghiệm Rubella; xét nghiệm ký sinh trùng lây từ mẹ sang con gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ và thể chất của bé sau sinh.

Mọi nhu cầu khám và đăng ký thai sản trọn gói, bạn vui lòng đặt trực tiếp tại website hoặc liên hệ đến hệ thống hotline để được tư vấn chi tiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com; whattoexpect.com; parents.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe