Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.Nguyễn Như Thu Trúc - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Tuần thứ 12 là tuần cuối cùng của giai đoạn 3 tháng đầu tiên, em bé sẽ phát triển rất nhanh so với thời kỳ đầu. Qua hình ảnh siêu âm, em bé của bạn sẽ trông giống như một cơ thể hoàn chỉnh. Bên trong, nhiều cơ quan của em bé đang phát triển. Thận của em bé đã sẵn sàng để sản xuất nước tiểu. Thai nhi cũng bắt đầu có ngón tay, ngón chân và cả móng tay.
1. Sự thay đổi của bà bầu tuần thứ 12
Phần lớn các bà bầu tuần 12 đã giảm dần hoặc chấm dứt hẳn thời kì ốm nghén, tuy nhiên, đây cũng là thời kì em bé trong bụng đang phát triển rất nhanh. Đừng vội lo lắng, ở giai đoạn này, nguy cơ sảy thai của mẹ bầu sẽ giảm đáng kể, nghĩa là bạn đang bước vào thời kì an toàn của quá trình mang thai.
Ắt hẳn, sau khi xem được những hình ảnh thai nhi qua ảnh siêu âm, bạn và gia đình sẽ rất phấn khởi, hạnh phúc và mong đợi sự chào đời của em bé. Đặc biệt là người mẹ mang thai sẽ là người có nhiều cảm xúc nhất. Lo lắng có, hồi hộp có, nhưng phần lớn bạn sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng ở tuần thứ 12 và cả vài tuần tiếp theo. Nguyên nhân là do quá trình trao đổi chất trong cơ thể hoạt động hiệu quả hơn, giúp bạn có nhiều năng lượng, giảm mệt mỏi để chuẩn bị cho thời kỳ sinh con.
Mang thai ở tuần thứ 12, tử cung của bạn vừa khít trong khung chậu của bạn. Nhưng khi nó bắt đầu di chuyển về phía trên trong tuần này, áp lực lên bàng quang của bạn sẽ bắt đầu tăng lên một chút. Điều này cũng có nghĩa là bụng của bạn sẽ to lên trông thấy và khiến bạn trông hơi tròn. Tùy vào sự phát triển của thai nhi và thể trạng của người mẹ, mà ở giai đoạn này, mẹ bầu có thể tăng từ 1, 5 kg đến 5 kg.
Bà bầu ở tuần 12 sẽ có sự thay đổi đáng kể về làn da, đặc biệt là vùng xung quanh núm vú đã có sự xuất hiện của những quầng sẫm. Ngực của bạn sẽ căng lên. Thông thường, những vùng thâm này sẽ sáng màu hoặc trở lại trạng thái ban đầu sau khi bạn sinh em bé.
Nhiều khả năng, thị lực của bạn sẽ bị giảm đáng kể, bạn sẽ cảm thấy nhìn mọi thứ xung quanh không còn rõ ràng như trước. Đừng hoảng hốt, chất lỏng bổ sung mà cơ thể bạn giữ lại khi mang thai cũng có thể làm dày ống kính và giác mạc (lớp ngoài cùng của mắt bạn). Áp lực của chất lỏng trong nhãn cầu của bạn cũng có thể thay đổi. Cùng với đó, những thay đổi này có thể gây ra tầm nhìn mờ. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ được khắc phục và tự trở lại bình thường trong vòng hai tháng sau khi sinh. Nhưng, trong nhiều trường hợp, hãy cho bác sĩ biết về các triệu chứng về mắt của bạn, vì chúng cũng có thể báo hiệu tăng huyết áp hoặc bệnh tiểu đường.
Video đề xuất:
Thai nhi tuần 10-14: Dấu vân tay, móng tay hình thành; bé có mắt và tai, biết nheo mắt và nhăn mặt
2. Bà bầu tuần thứ 12 nên làm gì?
Dù bà bầu ở tuần thứ 12 đã bước vào giai đoạn an toàn, nhưng bạn cũng nên chú ý đến sức khỏe của mình, hạn chế làm việc nặng, giải tỏa những áp lực về mặt tinh thần. Bên cạnh đó, đã đến lúc bạn phải tìm hiểu trước về chính sách nghỉ thai sản của công ty bạn và thu xếp các công việc còn tồn đọng trước khi bước vào thời kì thai sản bằng cách: Hoàn thành các công việc do mình chịu trách nhiệm một cách tốt nhất; hướng dẫn, đào tạo bất cứ ai sẽ đảm nhận công việc của bạn khi bạn nghỉ theo chế độ thai sản của công ty.
Đây là 1 trong 3 giai đoạn quan trọng trong quá trình mang thai của mỗi người phụ nữ. Vì vậy, các bà bầu cũng nên chú ý đến việc đi siêu âm hay khám thai thường xuyên để theo dõi sự phát triển cũng như sớm phát hiện các dị tật của thai nhi. Hiện nay, các kĩ thuật siêu âm ngày càng hiện đại, để đưa ra kết quả về giới tính của thai nhi, nhưng ở tuần thứ 12 là quá sớm để xác định em bé mang giới tính nam hay nữ.
Thạc sĩ. Bác sĩ Nguyễn Như Thu Trúc có hơn 8 năm kinh nghiệm điều trị trong lĩnh vực Sản phụ khoa như thực hiện tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho sản phụ trong thời kỳ mang thai và chuyển dạ, đỡ sinh, mổ lấy thai. Đặc biệt, Bác sĩ Trúc có nhiều kinh nghiệm trong:
- Điều trị bệnh phụ khoa
- Tư vấn kế hoạch hóa gia đình
- Tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho sản phụ trong thời kỳ mang thai và chuyển dạ
- Đỡ sinh, mổ lấy thai
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com; Whattoexpect.com và Parents.com
Video đề xuất:
Xem xong muốn tan chảy: Lần "nói chuyện" đầu tiên giữa cha và con gái sau khi chào đời