Sự phát triển của thai nhi tuần 37

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Sự phát triển của thai nhi tuần 37, hoặc 35 tuần sau khi thụ tinh, nhìn chung đã khá hoàn chỉnh. Hiện tại, thai kỳ của mẹ đã gần đủ tháng, em bé lớn và cứng cáp. Thai nhi 37 tuần đã quay đầu chưa là câu hỏi phổ biến ở giai đoạn này.

1. Tổng quan về sự phát triển của thai nhi 37 tuần

Thai nhi 37 tuần nặng bao nhiêu? Với trọng lượng khoảng 2800g và chiều dài 48.3cm, em bé lúc này tương đương với một quả bóng bowling nhỏ, một bó rau cải hay một quả dưa gang. Bé sẽ tăng từ 14g mỗi ngày cho đến khoảng 200g mỗi tuần.

Đầu thai nhi giai đoạn này đã rất to, có chu vi tương đương với vòng ngực khi bé ra đời. Mẹ cũng sẽ nhìn thấy bé khá mũm mĩm với các ngấn thịt ở khuỷu tay, cổ tay, đầu gối, cũng như những vết hằn nhỏ tại vùng cổ hoặc đôi vai.

Ngày chuyển dạ của mẹ đang đến rất gần, chính xác thì thai nhi sẽ ra đời trong vòng 3 tuần nữa, tuy nhiên bé vẫn có thể sinh ra sớm hơn vào bất kỳ ngày nào kể từ thời điểm này. Nếu mẹ dự định sinh mổ, bác sĩ sản khoa sẽ không lên lịch thực hiện ca mổ lấy thai nhi trước tuần 39, trừ khi có trường hợp bất thường, bắt buộc phải can thiệp y tế sớm hơn.

2. Chi tiết về sự phát triển của thai nhi 37 tuần

  • Thai nhi có thể đã quay đầu

Thai nhi 37 tuần đã quay đầu chưa? Để chuẩn bị cho ngày chào đời, đầu của em bé có thể bắt đầu di chuyển vào vị trí trong xương chậu của mẹ và gây ra hiện tượng sa bụng. Đối với một số trường hợp thai nhi vẫn chưa quay đầu vào giai đoạn này, các bác sĩ sản khoa sẽ thông báo tình trạng và thảo luận với mẹ về các phương hướng để giải quyết vấn đề này.

  • Hệ miễn dịch

Hệ thống miễn dịch của em bé cũng đang phát triển và sẽ tiếp tục hoàn thiện cho đến sau khi bé được sinh ra. Để trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn là một trong những cách đơn giản mà hiệu quả nhằm tăng cường hệ miễn dịch cho bé.

  • Phổi và não

Mặc dù thai nhi lúc này đã trông như một đứa trẻ sơ sinh bình thường, song thực tế bé chưa hoàn toàn sẵn sàng để thích nghi với thế giới bên ngoài. Phổi của thai nhi dù đã phát triển nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh và còn cần thêm thời gian. Cụ thể là trong hai tuần tới, phổi và não của bé mới hoàn toàn trưởng thành. Do đó mặc dù đã sắp đến ngày sinh nhưng các bác sĩ sẽ không nhận định là bé đủ tháng cho đến tuần thứ 39 của thai kỳ.


Chi tiết về sự phát triển của thai nhi 37 tuần
Chi tiết về sự phát triển của thai nhi 37 tuần

  • Luyện tập

Vẫn còn khá sớm nếu như bé được sinh ra trong tuần này. Từ giờ cho đến tuần 39, bé sẽ dành thời gian để tập luyện cho đường hô hấp của mình bằng cách hít vào và thở ra trong nước ối, chớp mắt hoặc mở mắt lớn dần và xoay người từ bên này sang bên khác.

  • Cầm nắm

Các ngón tay của bé đã phát triển khéo léo hơn. Lúc này thai nhi có thể cầm nắm vào các bộ phận nhỏ trên cơ thể mình như mũi hoặc ngón chân.

  • Mút tay

Nhiều khả năng bé sẽ mút ngón tay cái rất nhiều trong những ngày này để chuẩn bị cho việc bú sữa sau khi được sinh ra.

  • Mái tóc bé

Một số bé ra đời với mái tóc ngắn hoặc rất ít tóc, nhưng ngược lại cũng có nhiều trẻ sơ sinh có một mái tóc khá nhiều, với chiều dài từ 1-4cm. Đôi khi tóc của bé không cùng màu với bố mẹ. Đây là một hiện tượng bình thường, có trường hợp sau đó tóc bé lại rụng toàn bộ và mọc lại với một màu khác.

  • Những cú đạp liên tục

Bởi vì thai nhi đã nằm chật kín trong bụng mẹ nên không thể nhào lộn hay cựa quậy nhiều nữa, tuy nhiên bé vẫn tiếp tục thực hiện những cú đá hoặc đạp. Nếu mẹ cảm thấy bé quá yên ắng ở giai đoạn này, cần liên hệ với bác sĩ sản khoa để tiến hành kiểm tra.

3. Những lưu ý cho mẹ ở tuần 37

  • Thai nhi 37 tuần gò cứng bụng

Ở giai đoạn này, các cơn co thắt Braxton Hicks (cơn đau giả) có thể xuất hiện thường xuyên và kéo dài hơn, khiến mẹ gặp nhiều khó chịu. Do đó, nên hỏi bác sĩ sản khoa rõ ràng để được hướng dẫn về những dấu hiệu chuyển dạ chính xác cũng như thời điểm phải nhập viện.

  • Dịch âm đạo có máu

Mẹ sẽ nhận thấy sự gia tăng dịch tiết âm đạo. Nhưng nếu phát hiện chất nhầy nhuốm một lượng máu nhỏ thì đây có thể là báo hiệu sắp đến ngày sinh. Trong trường hợp mẹ bị chảy máu nặng hơn, nên đến bệnh viện sản khoa kiểm tra ngay lập tức.

  • Bổ sung nước

Dù cơ thể mẹ lúc này đã khá nặng nề, nhưng đừng quên tiếp tục bổ sung thêm chất lỏng vào người. Các chuyên gia khuyên mẹ nên uống đủ 8 ly nước mỗi ngày sẽ giúp giảm bớt được tình trạng phù nề.


Mẹ có thể tham khảo cách tập luyện trong những ngày cận sinh
Mẹ có thể tham khảo cách tập luyện trong những ngày cận sinh

  • Lựa chọn một số bài tập

Mẹ có thể tham khảo cách tập luyện với bóng hoặc mát xa tầng sinh môn trong những ngày cận sinh. Những động tác này có tác dụng tăng cường sức mạnh của cơ bụng, cũng như mang lại sự thư giãn và nhẹ nhàng trong quá trình chuyển dạ sắp tới.

Ngoài ra, mẹ cũng nên hoàn tất việc trang trí phòng đón bé sơ sinh hoặc trải nghiệm dịch vụ đắp bụng thạch cao để lưu lại dấu ấn sự phát triển của thai nhi tuần 37. Đừng quên thư giãn và nghỉ ngơi tối đa, cả về thể chất lẫn tinh thần, nhằm tạo cơ hội tốt cho bé được sinh ra khỏe mạnh, tránh tình trạng sinh non. Khi thấy thai nhi 37 tuần gò cứng bụng, mẹ cần phân biệt đâu là cơn co thắt giả và đâu là dấu hiệu chuyển dạ chính xác để có hướng xử trí phù hợp, kịp thời.

Để chuẩn bị cho cuộc sinh nở thành công viên mãn thì trong 3 tháng cuối thai kỳ, sức khỏe của cả mẹ và bé cần được theo dõi, kiểm tra chặt chẽ. Thai phụ nắm chắc các dấu hiệu chuyển da, phân biệt rỉ ối, các dấu hiệu sinh non, theo dõi các cơn gò sinh lý, thai máy để sớm đến bệnh viện kịp thời. Thực tế, trong những tuần cuối thai kỳ mẹ có thể khó phân biệt được các dấu hiệu trên, đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra chỉ vì những sơ xuất nhỏ này. Vì thế, trong những tuần cuối ngoài việc khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ thì mẹ cần chủ động lựa chọn các bệnh viện uy tín, có chuyên môn tốt để thực hiện sinh nở.

Để giúp các sản phụ xóa tan được nỗi sợ hãi khi sinh nở, hiện nay Vinmec cung cấp chương trình Thai sản trọn gói với dịch vụ “đẻ không đau” trọn vẹn trong khi sinh và sau khi sinh bằng kỹ thuật gây tê màng cứng không morphingây tê thần kinh thẹn. Trong suốt quá trình sinh, sản phụ sẽ được các hộ lý hướng dẫn cách rặn đẻ và thở đúng cách, bé sẽ chào đời chỉ trong 10 - 15 phút. Sau khi sinh, bé sẽ thực hiện da kề da với mẹ, sàng lọc sơ sinh,... Với mẹ, sau khi sinh sẽ được nghỉ dưỡng tại phòng bệnh cao cấp đạt tiêu chuẩn khách sạn quốc tế, 1 mẹ 1 phòng với đầy đủ trang thiết bị tiện nghi, hiện đại. Mẹ sẽ được các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn phương pháp nuôi dưỡng bé trước khi xuất viện. Tái khám sau sinh với cả mẹ và bé với các bác sĩ Sản khoa và Nhi khoa. Vì thế, mẹ và cả gia đình có thể hoàn toàn yên tâm với quy trình, dịch vụ y tế mà Vinmec đang triển khai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Webmd.com; Babycenter.com.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe