Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Tuần thứ ba mươi mốt, hành trình mang thai gian nan chỉ còn khoảng chín tuần trước khi kết thúc. Mẹ đang phải trải qua những điều khó chịu khi tử cung phát triển và gây sức ép lên các cơ quan khác. Bé đang tăng cân và bộ não của phát triển khá nhanh để bắt kịp với cuộc sống sau khi bé chào đời.
1. Kích thước thai nhi tuần ba mươi mốt
Ở tuần thứ 31, thai nhi nặng khoảng 1.568 kg, dài khoảng 41.8 cm. Khi mẹ bắt đầu tháng thứ tám của thai kỳ, thai nhi tăng cân bằng cách tích mỡ dưới da, càng lúc càng bụ bẫm hơn. Thai nhi cũng rất năng động và mẹ sẽ thấy em bé trong bụng cử động rất nhiều để làm quen với việc điều khiển tứ chi. Thường thì thai nhi sẽ nằm dọc với đầu hướng xuống và chân hướng về khoang ngực của mẹ. Nếu trước đây thai nhi nằm ngôi mông, thì thường bạn ấy sẽ quay đầu sang ngôi chỏm trong tuần thai này.
Vào tuần thai này, lớp lông nhung bao phủ cơ thể thai nhi trước đây rụng dần đi, cũng như các nếp nhăn cũng mờ dần cho vẻ ngoài mượt mà hơn. Do kích thước cơ thể lớn hơn, nên thai nhi khó mà nhào lộn trong bụng mẹ như trước. Chỉ còn chưa tới mười tuần nữa trước khi ra đời, nên bộ não của thai nhi cần ở trạng thái tốt nhất để xử lý tất cả các kích thích môi trường. Các tế bào thần kinh trong não phát triển với tốc độ nhanh chóng trong giai đoạn này để đảm bảo rằng bộ não của bé đã sẵn sàng cho thế giới bên ngoài. Sự phát triển nhanh chóng này còn dẫn đến sự phát triển của năm giác quan, nghĩa là thai nhi đã có vị giác và xúc giác.
2. Sự thay đổi của cơ thể mẹ ở tuần thai thứ 31
- Dịch tiết từ vú. Thỉnh thoảng mẹ có thể thấy ít dịch rỉ từ vú. Đây là sữa non chứa đạm, chất béo, IgA và khoáng chất.
- Đau lưng. Vào tuần thứ ba mươi mốt, mẹ sẽ thấy lưng và chân đau thêm do phần trọng lượng tăng thêm mà cơ thể phải gánh.
- Khó thở. Do phải gánh thêm phần trọng lượng, vốn đã làm mẹ mệt mỏi và khó thở, tử cung giãn ra đẩy ngược vào cơ hoành, khiến cơ hoành không thể giãn hoàn toàn nhường chỗ cho phổi phồng lên khi mẹ hít vào, khiến mẹ nhanh hết hơi ngay cả với những hoạt động tối thiểu.
- Đi tiểu nhiều lần. Tử cung chèn lên bàng quang, làm ít không gian để bàng quang chứa nước tiểu hơn, làm mẹ phải đi vệ sinh rất nhiều lần.
- Táo bón. Ruột già cũng phải giảm nhu động, khiến tăng khả năng hấp thụ nước và gây táo bón. Chưa kể có thể lúc mang thai mẹ không ăn đủ chất xơ và uống nước, cũng gây táo bón. Tắc nghẽn các mạch máu vùng chậu kết hợp với tăng áp lực ổ bụng và nhu động ruột thứ phát sau táo bón có thể dẫn đến bệnh trĩ.
- Ợ chua. Trong giai đoạn sau của thai kì mẹ cũng rất dễ bị ợ chua. Có rất nhiều nguyên nhân như áp lực của tử cung đẩy dạ dày lên thực quản. Hóc môn Progesterone cũng làm giảm nhu động của ống tiêu hoá trên, làm giảm khả năng hoạt động của cơ hoành.
- Cơn gò sinh lí Braxton Hicks
Trong những tuần cuối của thai kì, mẹ có thể cảm thấy những co thắt nhẹ của tử cung. Nếu mẹ thấy năm đến sáu cơn gò trong một giờ, nó có thể là dấu hiệu của chuyển dạ sinh non và mẹ cần đến bệnh viện ngay lập tức.
Mẹ sẽ cảm thấy hơi vụng về một tí, do bụng mẹ lớn làm chệch tâm trọng lực, cũng như hơi khó vận động. Tuy nhiên, mẹ vẫn nên tập một số bài tập nhẹ nhàng như đi bộ ngắn hoặc yoga. Yoga rất tốt trong việc giúp mẹ giảm đau lưng và chân.
Khi mẹ nhìn trên hình ảnh siêu âm tuần thai thứ ba mươi mốt, khuôn mặt của bé lúc chào đời sẽ giống thế này. Mẹ có thể thấy rõ khuôn mặt và tất cả các biểu cảm khác nhau, cũng như các chi và vận động chi.
Bác sĩ Trần Thị Mai Hương đã có 25 năm kinh nghiệm khám và điều trị trong lĩnh vực Sản Phụ khoa, phẫu thuật đường dưới,phẫu thuật nội soi. Đã giữ chức vụ phó trường khoa Sản bệnh lí, phó Trưởng phòng đẻ - bệnh viện Phụ sản Hải Phòng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic.org, Webmd.com, Babycenter.com, Whattoexpect.com