Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Tuần thứ hai cũng là lúc cơ thể mẹ đang tích cực chuẩn bị cho quá trình rụng trứng. Tại thời điểm này bé yêu vẫn chưa được hình thành, nhưng đã có những sự thay đổi nhất định và mẹ cũng nên giữ tâm trạng thoải mái để tận hưởng niềm vui sắp tới.
1. Thai nhi tuần 2 phát triển như thế nào?
Ở tuần này, thai nhi vẫn chưa được hình thành bởi vì trứng sẽ thụ tinh vào gần cuối tuần thứ hai của thai kỳ. Vào thời điểm này cơ thể mẹ bầu đang tích cực chuẩn bị cho việc mang thai và nó được xem là bước khởi đầu quan trọng cho sự phát triển của bé yêu sau này.
Trong những ngày trước đó, sự gia tăng estrogen và progesterone khiến niêm mạc tử cung dày lên, tạo thành một lớp màng tươi tốt, giàu mô máu giúp hỗ trợ phôi làm tổ. Đồng thời trong buồng trứng, trứng đã chín trong các túi chứa đầy chất dịch gọi là nang trứng.
Sự rụng trứng không nhất thiết phải xảy ra ngay giữa chu kỳ của bạn. Bạn có thể sẽ rụng trứng vào bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian từ ngày thứ 9-21 của chu kỳ 28 ngày.
Trong 24 giờ tới, trứng sẽ được thụ tinh nếu một trong số gần 250 triệu tinh trùng xuất tinh có thể bơi từ âm đạo tới cổ tử cung, qua tử cung vào ống dẫn trứng và xâm nhập vào trứng. Khoảng 400 tinh trùng có thể sống sót sau hành trình kéo dài 10 giờ đến trứng, nhưng thường chỉ có duy nhất một tinh trùng thành công chui được vào trong trứng.
Trong vòng 10 đến 30 giờ tiếp theo, nhân của tinh trùng hợp nhất với trứng và chúng kết hợp thông tin di truyền với nhau. Nếu tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y, em bé của bạn sẽ là con trai. Nếu là nhiễm sắc thể X, bạn sẽ mang thai một bé gái. Trứng thụ tinh được gọi là hợp tử.
Trứng mất khoảng ba hoặc bốn ngày để đi từ ống dẫn trứng đến tử cung của bạn, phân chia thành 100 hoặc nhiều tế bào giống hệt nhau trên đường đi. Một khi nó đi vào tử cung, nó sẽ được gọi là phôi nang. Một hoặc hai ngày sau, nó sẽ bắt đầu chui vào lớp niêm mạc tử cung và “làm tổ” tại đó, tiếp tục cho quá trình phát triển và biến đổi tuyệt vời của mình. Lúc này, bé yêu chỉ là một chấm nhỏ xíu nên chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
2. Dấu hiệu nhận biết bạn đã có thai 2 tuần tuổi
Bạn hoàn toàn có thể phát hiện mình đang mang thai 2 tuần qua những dấu hiệu dưới đây:
- Nhiệt độ cơ thể tăng: nhiệt độ cơ thể bạn khi bắt đầu mang thai sẽ tăng nhẹ khoảng 37,5 độ do tiết ra nhiều hormone progesterone.
- Tăng kích thước vòng một: nồng độ của các hormone trong cơ thể đều thay đổi nhanh chóng sau khi sự thụ tinh diễn ra. Các tuyến sữa bắt đầu hoạt động tích cực để chuẩn bị cho những ngày tháng làm mẹ sắp tới, mẹ bầu có thể cảm thấy ngực bị căng tức, nóng rát.
- Cơ thể mệt mỏi: trong thời điểm này, cơ thể của bạn đang cật lực cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho thai nhi đang hình thành và phát triển, vì vậy tình trạng mệt mỏi sẽ diễn ra. Đây là một trong những dấu hiệu có thai sớm nhất mà nhiều người lại vô tình bỏ qua.
- Đau đầu: tình trạng này xảy ra do lượng máu cung cấp cho não giảm để cung cấp cho phôi thai. Thêm vào đó hormone progesterone tăng đột ngột càng khiến mẹ bầu dễ bị đau đầu. Trong trường hợp đau đầu khi mang thai, thay vì tự ý uống thuốc, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn. Vì tác dụng phụ của thuốc có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi trong bụng mẹ.
- Buồn nôn, hoặc nôn: đây là dấu hiệu ốm nghén khi mang thai. Nó thường xuất hiện trong 3 tháng đầu của thai kỳ, tuy nhiên vẫn có một số người có thể bị ốm nghén đến hết thai kỳ. Ốm nghén khiến cho mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, thường xuyên buồn nôn, nôn khan trong bất cứ thời điểm nào nào trong ngày, đặc biệt là vào buổi sáng.
- Máu báo thai và tiết nhiều dịch âm đạo: vài ngày sau khi quan hệ, bạn quan sát thấy ở đáy quần lót ra chút máu màu hồng nhạt hoặc nâu đậm. Đây chính là máu báo thai chứ không phải “đến ngày” như một số chị em phụ nữ vẫn thường nghĩ. Máu báo thai là một tín hiệu cho thấy trứng đã “làm tổ” thành công trong buồng tử cung. Thêm vào đó, một số chị em còn tiết ra nhiều khí hư màu trắng, đặc quánh tại vùng kín. Tuy nhiên, nếu những chất dịch này chuyển sang màu sắc khác lạ như màu vàng, xanh và kèm theo mùi hôi thì bạn nên đi khám phụ khoa ngay lập tức.
- Trễ kinh: đây được coi là một trong những dấu hiệu báo thai sớm nhất mà bạn có thể dễ dàng nhận biết.
- Thử thai hai vạch: khi cơ thể xuất hiện hormone HCG- loại hormone chỉ có ở phụ nữ mang thai, que thử thai sẽ báo hai vạch, tức là bạn đã mang thai. Để nhận được kết quả chính xác cao, bạn nên thử thai sau khi quan hệ khoảng 7 - 14.
Trắc nghiệm: Bạn có biết nên khám thai lần đầu vào lúc nào không?
Việc khám thai lần đầu mang ý nghĩa rất quan trọng, giúp bạn xác định chính xác mình có mang thai hay không? Thai nhi đã vào buồng tử cung hay chưa?... Vì vậy, nếu chưa biết khám thai lần đầu vào lúc nào, trả lời nhanh 5 câu hỏi trắc nghiệm sau sẽ giúp bạn có câu trả lời.3. Thai nhi 2 tuần tuổi có siêu âm được không?
Siêu âm thai là phương pháp tối ưu nhất và chính xác nhất để xác định liệu bạn có đang mang thai hay không. Tuy nhiên, ở tuần thứ 2 của thai kỳ chỉ là giai đoạn rụng trứng và chưa có căn cứ gì để chắc chắn bạn đã thụ thai. Trong thời điểm này, trứng mới gặp được tinh trùng nhưng chưa “làm tổ” ở buồng tử cung mà chỉ đang trong quá trình di chuyển. Nếu siêu âm vào lúc này thì kết quả có thể không chính xác, vì kích thước của thai nhi chưa thể hiện rõ ràng ngay cả khi sử dụng siêu âm đầu dò. Tốt nhất bạn nên đợi một vài tuần nữa rồi thực hiện siêu âm lần đầu, thời gian lý tưởng để thực hiện là tuần thai thứ 7-10.
4. Mẹ bầu nên chuẩn bị những gì khi mang thai 2 tuần?
Điều đầu tiên để có một thai kỳ khỏe mạnh đó là luôn giữ một tinh thần thoải mái, không stress. Bởi vì sự căng thẳng hay tức giận có thể làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt và ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình rụng trứng. Để giúp tâm trạng được thoải mái, bạn nên tham gia vào những lớp tập yoga, hoặc tập thiền, thỉnh thoảng đi dạo hoặc đọc một vài trang sách. Một cơ thể khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp cho những tháng ngày làm mẹ sau này.
Trong những tuần đầu khi mang thai, bạn nên bổ sung nhiều vitamin tổng hợp, đặc biệt là bổ sung acid folic để tăng cường sức khỏe cũng như đảm bảo cho sự phát triển của bé yêu. Trong bữa ăn hàng ngày, bạn có thể bổ sung folic thông qua các loại thực phẩm như rau xanh, bánh mì, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt. Acid folic là một yếu tố quan trọng góp phần đẩy lùi những căn bệnh nguy hiểm cho thai nhi như dị tật tim bẩm sinh, khuyết tật ống thần kinh và ngăn ngừa sinh non. Ngoài ra bạn nên tránh tiêu thụ những thực phẩm chưa nấu chín như thịt tái, trứng lòng đào, sashimi,..
Nếu bạn đang có ý định hoặc đang sử dụng các loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ. Bạn hãy mạnh dạn bỏ chúng, vì những tác dụng phụ của thuốc có thể gây hại cho sức khỏe của bé. Những loại thuốc giảm đau đều không hề an toàn cho mẹ bầu và chúng có thể lưu lại trong cơ thể vài ngày. Điều này còn làm giảm khả năng thụ thai của bạn. Nếu muốn sử dụng bất cứ loại thuốc nào, bạn nên tìm đến sự tư vấn của bác sĩ để xem xét có nên sử dụng chúng hay không.
Đây cũng là thời điểm thích hợp để bạn bắt đầu từ bỏ thói quen hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích như rượu bia. Những chất này vô cùng có hại đối với sức khỏe của cả mẹ và bé. Chúng làm gia tăng nguy cơ sảy thai và gây ra dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Nhiều trẻ có mẹ uống rượu bia sẽ có nguy cơ cao mắc hội chứng thai nhi nhiễm độc rượu, các vấn đề về hô hấp hoặc nhẹ cân khi sinh. Nếu bạn là một người khó lòng bỏ được thuốc lá hay rượu bia, bạn nên đến gặp bác sĩ để nhờ sự trợ giúp của họ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Webmd.com; Babycenter.com