Nang naboth cổ tử cung xuất hiện khi lớp tế bào biểu mô lát phát triển quá mức, trùm lên biểu mô tuyến của vùng tử cung. Dù nang naboth đơn thuần là một tổn thương lành tính nhưng các nang này vẫn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm tắc vòi trứng, vô sinh hay thậm chí là ung thư. Vì vậy, phụ nữ nên đi gặp bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu bất thường.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Nang naboth cổ tử cung là gì?
Nang naboth cổ tử cung là những u có kích thước nhỏ, hình thành bên trên bề mặt của cổ tử cung. Khi lớp tế bào biểu mô lát tăng trưởng quá mức, bao phủ lớp biểu mô tuyến ngay tại mối nối ở cổ tử cung, nang naboth sẽ xuất hiện. Chất dịch tiết ra từ biểu mô cổ tử cung không có đường thoát gây ra tình trạng phình căng và tạo thành nang.
Tùy thuộc vào thời gian và sự phát triển bệnh, nang naboth có thể to bằng hạt gạo, hạt đỗ hoặc lớn hơn. Những nang này thường có màu trắng hoặc vàng và rất nhẵn.
Nang naboth thực chất là những tổn thương lành tính. Khi mới hình thành, các nang này có kích thước rất nhỏ, do đó thường chỉ được phát hiện ngẫu nhiên khi đi khám sức khỏe tổng quát. Một số dấu hiệu cảnh báo về nang naboth ở cổ tử cung bao gồm:
- Kinh nguyệt không đều, rối loạn kinh nguyệt và đau bụng hơn bình thường
- Âm đạo ra máu bất thường
- Ra nhiều khí hư bất thường, có màu vàng nhạt, mùi hôi tanh.
- Vùng chậu, bụng dưới bị đau và chảy máu sau khi quan hệ tình dục.
- Tuy nhiên, những triệu chứng này thường không đủ đặc trưng nên dễ bị nhầm với các bệnh phụ khoa khác.
2. Nang naboth cổ tử cung có nguy hiểm không?
Vì nang naboth đơn thuần chỉ là những tổn thương lành tính ở cổ tử cung nên thường không gây nguy hiểm và không ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Chỉ khi có các tổn thương hoặc biến chứng đi kèm, nang naboth mới ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Trong đó, biến chứng viêm và nhiễm trùng ở cơ quan sinh sản là những vấn đề thường gặp nhất.
Khi khối nang vỡ, tình trạng này không chỉ làm cổ tử cung bị viêm và nhiễm trùng mà còn gây ra tình trạng viêm nhiễm ngược dòng lên buồng tử cung và buồng trứng, dẫn đến viêm tắc vòi trứng, từ đó ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Thêm vào đó, chất lượng đời sống tình dục của phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi điều này. Hơn nữa, mặc dù hiếm gặp nhưng một số biến chứng khác cũng có thể xảy ra bao gồm nguy cơ ung thư và vô sinh.
3. Phương pháp chẩn đoán nang naboth cổ tử cung
Nang naboth cổ tử cung thường được chẩn đoán và phát hiện trong quá trình khám vùng chậu. Để có được kết quả cụ thể và chính xác hơn, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm cận lâm sàng như:
3.1 Siêu âm, chụp MRI hoặc CT
Các phương pháp như siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) sẽ được bác sĩ chỉ định. Nếu phát hiện khối u nang ở cổ tử cung, bác sĩ có thể phá vỡ nang để xác định chẩn đoán.
3.2 Soi cổ tử cung
Để dễ dàng quan sát những tổn thương bên trong cổ tử cung, bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật soi cổ tử cung. Thủ thuật này sẽ phóng đại hình ảnh bên trong cổ tử cung, từ đó giúp bác sĩ xác định xem khối u có phải là nang naboth hay có vấn đề gì khác.
3.3 Sinh thiết
Khi nghi ngờ chị em mắc một loại u tân sinh đặc biệt có thể tác động đến quá trình sản xuất chất nhầy, bác sĩ sẽ lấy mẫu chất lỏng từ khối u nang để gửi đi xét nghiệm. Xét nghiệm chất lỏng này giúp xác định rõ ràng khối u nang không phải là u tuyến ác tính – một loại ung thư cổ tử cung hiếm gặp.
4. Điều trị nang naboth cổ tử cung
Tình trạng sức khỏe của người bệnh và kích thước nang naboth cổ tử cung là hai yếu tố quyết định phương pháp điều trị nang naboth cổ tử cung. Đối với những nang nhỏ, phương pháp điều trị nội khoa sẽ áp sử dụng. Nếu nang lớn hơn, phương pháp ngoại khoa sẽ được lựa chọn.
4.1 Điều trị nội khoa
Phương pháp điều trị nội khoa thường được áp dụng cho các khối nang có kích thước nhỏ, cụ thể là dưới 10mm và mới hình thành. Việc sử dụng thuốc điều trị giúp làm giảm dần kích thước và tiêu biến khối nang.
4.2 Điều trị ngoại khoa
Khi khối nang lớn và gây áp lực lên các bộ phận khác trong khoang bụng, phương pháp ngoại khoa thường được áp dụng. Trong đó, các phương pháp thường sử dụng bao gồm chọc hút, đốt lạnh và đốt điện.
- Để dịch thoát ra ngoài, chọc hút được thực hiện nhằm giúp khối nang tiêu biến và ngăn chặn sự phát triển quá mức của nang. Phương pháp này thường được sử dụng khi các nang đã lớn và liên kết lại thành từng cụm lớn.
- Kỹ thuật đốt điện là phương pháp sử dụng dòng điện để đốt cháy lớp ngoài cùng của cổ tử cung. Khi thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ chỉ cần gây tê tại chỗ. Hiện nay, phương pháp này được ưa chuộng vì nhiều lợi ích: không gây đau hay chảy máu, không để lại sẹo, giúp cổ tử cung nhẵn mịn và không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp gói tầm soát và phát hiện sớm ung thư phụ khoa cho phụ nữ. Khi đăng ký gói khám, khách hàng sẽ được:
- Khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên ngành Sản phụ khoa.
- Các xét nghiệm cần thiết sẽ được thực hiện để phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung, tử cung và buồng trứng, kể cả khi chưa có triệu chứng.
- Tầm soát ung thư cổ tử cung sẽ được thực hiện qua các xét nghiệm như: xét nghiệm tế bào học theo phương pháp Liqui Prep, xét nghiệm HPV genotype PCR trên hệ thống tự động và siêu âm tử cung, buồng trứng qua âm đạo.
- Bác sĩ chuyên khoa sẽ xem xét kết quả xét nghiệm và khám từng trường hợp cụ thể nhằm cung cấp tư vấn phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.