Sử dụng thuốc và quản lý hen suyễn ở trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Hen suyễn ở trẻ là một bệnh lý đường hô hấp trên thường gặp với các triệu chứng như ho, khò khè và khó thở. Khi trẻ đã được chẩn đoán bệnh này, trẻ cần được lập kế hoạch với thuốc cắt cơn hen và cả thuốc dự phòng. Đồng thời, trẻ cần được tránh các yếu tố khởi kích vì có thể khiến xảy ra cơn hen nghiêm trọng bất cứ lúc nào.

1. Hen suyễn ở trẻ em là gì?

Hen suyễn ở trẻ em xảy ra trong thời thơ ấu là khi phổi và đường thở của trẻ dễ bị viêm, tăng tiết và co thắt khi tiếp xúc với một số tác nhân nhất định, chẳng hạn như hít phải phấn hoa hoặc bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp khác. Hệ quả hen suyễn ở trẻ em có thể gây ra các triệu chứng khó chịu hàng ngày, gây cản trở hoạt động, chơi đùa, học hành và cả giấc ngủ, sự phát triển của trẻ.

Hen suyễn ở trẻ em có cơ chế bệnh sinh nhìn chung không có sự khác biệt so với hen suyễn ở người lớn. Tuy nhiên, hệ hô hấp của trẻ phải chịu sự tổn thương ngay từ khi chưa kịp phát triển hoàn toàn. Tình trạng này là một trong những nguyên nhân hàng đầu của các lần khám bệnh cấp cứu, nhập viện và trì trệ việc đến trường. Ở một số trẻ em, nếu hen suyễn không được quản lý với phác đồ điều trị hen suyễn ở trẻ một cách chặt chẽ, việc cắt cơn không hiệu quả, bệnh lý này có thể gây ra các cơn hen suyễn nguy hiểm, đôi khi ảnh hưởng đến tính mạng.

Có một tỷ lệ không nhỏ hen suyễn ở trẻ là không thể chữa khỏi và các triệu chứng có thể tiếp tục đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, nếu xây dựng một hệ thống với các phương pháp điều trị hen suyễn ở trẻ theo cách đúng đắn, trẻ có thể kiểm soát tốt các triệu chứng, ngăn ngừa tổn thương phổi cũng như có thể phát triển toàn diện nhất.

2. Các triệu chứng của hen suyễn ở trẻ em như thế nào?

Các dấu hiệu và triệu chứng hen suyễn thường gặp ở trẻ em bao gồm:

  • Ho thường xuyên và ho trở nên tồi tệ hơn khi trẻ bị nhiễm virus, xảy ra trong khi trẻ đang ngủ hoặc bị kích hoạt bởi việc vận động mạnh, không khí lạnh...
  • Thở rít hoặc có tiếng khò khè khi thở ra
  • Hụt hơi
  • Khó thở
  • Lồng ngực căng phồng hay trẻ than tức ngực
  • Suy dinh dưỡng, chậm phát triển
  • Mệt mỏi do thiếu ngủ.

Các dấu hiệu và triệu chứng hen suyễn ở trẻ như trên có thể khác nhau tùy theo từng trẻ và có thể trở nên tồi tệ hơn hoặc tốt hơn theo thời gian. Giữa các cơn hen, trẻ có thể hoàn toàn bình thường nên chẩn đoán này dễ bị bỏ sót và không được chỉ định thuốc hen suyễn cho trẻ để phòng ngừa.


Khó thở, hụt hơi, thở rít thường là những biểu hiện thường thấy ở trẻ bị hen suyễn
Khó thở, hụt hơi, thở rít thường là những biểu hiện thường thấy ở trẻ bị hen suyễn

3. Nguyên nhân của hen suyễn ở trẻ là gì?

Bệnh hen suyễn ở trẻ em cho đến nay vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Một số yếu tố được cho là có liên quan bao gồm:

  • Kế thừa tình trạng dị ứng di truyền
  • Cha mẹ bị hen suyễn
  • Mắc một số loại bệnh nhiễm trùng trên đường thở ở độ tuổi rất nhỏ
  • Tiếp xúc với các yếu tố môi trường, chẳng hạn như khói thuốc lá hoặc ô nhiễm không khí
  • Có tình trạng tăng độ nhạy của hệ thống miễn dịch làm cho phổi và đường thở dễ bị viêm, co thắt và tiết chất nhầy khi tiếp xúc với một số tác nhân nhất định.

Các yếu tố được quan sát thấy là có khả năng kích hoạt cơn hen suyễn ở trẻ là:

  • Nhiễm virus như cảm lạnh thông thường
  • Tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm không khí, như khói thuốc lá
  • Dị ứng với mạt bụi, lông thú cưng, phấn hoa hoặc nấm mốc
  • Vận động cơ thể
  • Thời tiết thay đổi hoặc không khí lạnh.

Tuy nhiên, đôi khi các triệu chứng của cơn hen xảy ra mà không có tác nhân rõ ràng. Đồng thời, nếu các tác nhân này xảy ra ở trẻ có một trong các yếu tố nguy cơ dưới đây sẽ làm tăng khả năng khởi kích cơn hen hơn những trẻ khác:


Việc tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ hen suyễn ở trẻ em
Việc tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ hen suyễn ở trẻ em

4. Cách sử dụng thuốc và quản lý hen suyễn ở trẻ như thế nào?

Do đây là một bệnh lý có tính chất mạn tính trên đường hô hấp với biểu hiện là các cơn cấp tính, việc điều trị hen suyễn ở trẻ không chỉ là thuốc cắt cơn hen cho trẻ mà còn bao gồm thuốc dự phòng cơn. Theo đó, việc chẩn đoán xác định bệnh lý này ngay từ đầu là rất quan trọng.

Đồng thời, đôi khi các triệu chứng của hen suyễn ở trẻ không đặc hiệu, cũng có thể lầm với các bệnh lý hô hấp khác, chỉ định thuốc hen suyễn cho trẻ cần thận trọng và thái độ điều trị cần tùy thuộc vào sự theo dõi diễn tiến bệnh, nhất là khi trẻ chỉ mới được chẩn đoán hen suyễn cơn đầu.

Đối với trẻ sơ sinh bị khò khè cho đến khi trẻ vẫn dưới 12 tháng tuổi, việc điều trị không được áp dụng như điều trị hen suyễn ở trẻ. Bởi lẽ, triệu chứng khò khè ở nhóm tuổi này là rất phổ biến với nguyên nhân có thể là do viêm phế quản cấp tính do virus hoặc do đường thở ở trẻ vẫn còn nhỏ và mềm. Điều trị lúc này chỉ là phun khí dung cho trẻ với thuốc chủ vận beta 2 tác dụng ngắn, corticosteroid toàn thân hoặc corticosteroid dạng hít cho trẻ dưới 12 tháng. Nếu trẻ em bị khò khè nặng cần phải nhập viện hoặc xảy ra thường xuyên như hơn một lần mỗi 6 tuần, trẻ bắt đầu được nghĩ đến chẩn đoán hen nhũ nhi và chỉ định các thuốc phòng ngừa cơn.

Khi trẻ được 1 tuổi đến 5 tuổi, trẻ vẫn có thể bị ho, khò khè khi nhiễm trùng đường hô hấp do virus ngay cả khi hoàn toàn không bị hen suyễn. Salbutamol vẫn nên được sử dụng để làm giảm các triệu chứng trong giai đoạn cấp tính này.

Chỉ khi trẻ vẫn còn bị ho, khò khè, khó thở, tức ngực thường xuyên, nhất là khi có các yếu tố khởi kích và trẻ đã được 6 tuổi trở lên, chẩn đoán hen suyễn ở trẻ đã có thể bắt đầu trở nên chắc chắn hơn. Lúc này, nguyên tắc chung của điều trị hen suyễn ở trẻ cần được đặt ra là nhằm mục đích kiểm soát tốt các triệu chứng hen suyễn, giảm thiểu tần suất xảy ra cơn và mức độ cơn.

Ngoài ra, việc xác định những yếu tố khởi kích các triệu chứng hen suyễn, như chất gây dị ứng, cũng rất quan trọng, bảo vệ cho trẻ khỏi các cơn hen cấp tính. Đồng thời, trẻ cũng cần được hướng dẫn tự mình hít, xịt các loại thuốc cắt cơn hen cho trẻ và luôn đem theo bên mình. Cuối cùng, cha mẹ nên đưa trẻ đi chích ngừa cúm hằng năm, xây dựng cho con môi trường sống trong lành, ăn uống đầy đủ, hoạt động thể chất thích hợp và sẵn sàng sức đề kháng cho hệ miễn dịch.

5. Hen suyễn ở trẻ có thể gây ra biến chứng hay không?


Hen suyễn ở mức độ nặng có thể gây tình trạng suy giảm chức năng phổi vĩnh viễn
Hen suyễn ở mức độ nặng có thể gây tình trạng suy giảm chức năng phổi vĩnh viễn

Thông thường, các triệu chứng của bệnh chỉ xảy ra trong cơn hen. Ngược lại, khi ngoài cơn, trẻ hoàn toàn bình thường và không có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào. Tuy nhiên, nếu việc điều trị hen suyễn ở trẻ không hiệu quả, tần suất xảy ra các cơn hen cấp tính cao hay mức độ nặng, bệnh lý này có thể gây ra một số biến chứng, bao gồm:

  • Các cơn hen nặng phải điều trị khẩn cấp hoặc chăm sóc tại bệnh viện
  • Suy giảm vĩnh viễn chức năng phổi
  • Chậm phát triển thể chất và tâm thần
  • Gián đoạn việc học hành
  • Hạn chế các hoạt động, sinh hoạt và vui chơi

Tóm lại, hen suyễn ở trẻ cần được nhìn nhận như một bệnh lý mạn tính nhằm tích cực trong việc sử dụng thuốc và quản lý hen suyễn ở trẻ. Khi thuốc hen suyễn cho trẻ đầy đủ giữa thuốc cắt cơn hen cho trẻ và thuốc dự phòng, tránh xa các yếu tố khởi kích, trẻ hoàn toàn có cơ hội được phát triển toàn diện và cân bằng như bạn bè đồng trang lứa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe