Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Hoàng Thị Ánh Tuyết - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Thuốc ngừa thai là một biện pháp được nhiều phụ nữ tin dùng vì tính tiện lợi và hiệu quả. Tuy nhiên, không ít bà mẹ sau sinh vẫn chưa nắm được cách sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp loại cho con bú đảm bảo an toàn.
1. Tổng quan về thuốc tránh thai khẩn cấp loại cho con bú
Thuốc ngừa thai là một trong những biện pháp tránh thai hiệu quả nhất mà phụ nữ có thể sử dụng. Nếu dùng đúng cách, loại thuốc này có thể phát huy tác dụng đến 99%. Tuy nhiên uống thuốc tránh thai khi cho con bú có liệu an toàn không là câu hỏi mà rất nhiều người thắc mắc. Đa số chị em sau sinh đều lo lắng rằng những thành phần có trong thuốc ngừa thai sẽ ảnh hưởng đến em bé thông qua sữa mẹ.
Xung quanh vấn đề chọn loại thuốc tránh thai khẩn cấp dành cho con bú an toàn, các bác sĩ cho biết thuốc ngừa thai khẩn cấp có 2 dạng:
- Dạng thuốc chứa hoạt chất levonorgestrel: Tên thương mại là Postinor 1 hoặc Postinor 2;
- Dạng thuốc chứa hoạt chất mifepriston 10mg: Tên thương mại Mifestad 10, Mifentra 10...
Trong đó, chống chỉ định thuốc tránh thai khẩn cấp cho mẹ cho con bú chứa hoạt chất mifepristone 10mg. Chính vì vậy, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ có thể sử dụng dạng thuốc chứa hoạt chất levonorgestrel là Postinor 1 hoặc Postinor 2 mà không sợ ảnh hưởng đến bé.
Mặc dù một viên thuốc tránh thai khẩn cấp loại cho con bú chỉ chứa progestin ít nên không gây hại quá nhiều. Tuy nhiên, kể cả người đang nuôi con bằng sữa mẹ lẫn mọi đối tượng nữ giới nói chung đều chỉ nên sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp trong những trường hợp thật sự cần thiết. Không nên nghĩ đến lựa chọn này hoặc lạm dụng thường xuyên nếu còn có thể áp dụng được những biện pháp ngừa thai khác.
2. Cách sử dụng Postinor
Viên ngừa thai khẩn cấp Postinor đã được sử dụng và chứng minh hiệu quả trên thế giới. Nhà sản xuất cho biết nếu bạn uống Postinor đúng hướng dẫn, 99% chắc chắn rằng bạn đã ngừa thai thành công.
Chị em cần uống liều 1 - 2 viên thuốc ngừa thai khẩn cấp này trong vòng 72 giờ (3 ngày) sau khi quan hệ tình dục không bảo vệ hoặc thất bại với các biện pháp tránh thai đã dùng. Tuy nhiên nếu uống càng sớm, hiệu quả sẽ càng cao. Tốt nhất là trong vòng 24 giờ sau khi giao hợp - giai đoạn mà thuốc sẽ phát huy hiệu quả tối đa.
Lưu ý, không nên dùng Postinor trong các trường hợp sau:
- Phụ nữ đã mang thai (dù không gây hại cho bạn hoặc thai nhi, nhưng thuốc cũng không còn tác dụng ngừa thai);
- Dị ứng với Levonorgestrel hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc;
- Muốn ngăn ngừa lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs).
Nhìn chung, thuốc ngừa thai khẩn cấp không nên được sử dụng thường xuyên, Nếu dùng nhiều hơn 1 lần trong một chu kỳ, phụ nữ nhiều khả năng sẽ bị rối loạn kinh nguyệt.
Mặc dù rất ít tác dụng phụ, song khoảng 1% phụ nữ sẽ bị nôn sau khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp. Nếu nôn mửa trong vòng 3 giờ sau khi dùng thuốc, chị em cần phải uống bù thêm một viên thuốc khác. Gặp bác sĩ trong trường hợp chu kỳ kinh nguyệt trễ hơn 5 ngày, hoặc có bất thường về máu kinh, cũng như đau đột ngột ở vùng bụng dưới.
3. Các loại thuốc tránh thai khác cho phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ
Trắc nghiệm: Những điều cần biết về kiêng cữ sau sinh
Sau sinh, cơ thể sản phụ sẽ có rất nhiều sự thay đổi, việc thực hiện tốt các kiêng cữ sau sinh và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình hồi phục sức khỏe. Bài trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp mọi người có cái nhìn tổng quan về kiêng cữ sau sinh và thực hiện sao cho phù hợp nhất.Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Tạ Quốc Bản , chuyên khoa Sản phụ khoa , Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
3.1. Thuốc ngừa thai chỉ chứa progestin (POPs)
Ngoài dạng thuốc tránh thai khẩn cấp dành cho con bú chứa levonorgestrel, phụ nữ cũng có thể lựa chọn viên ngừa thai nội tiết tố chỉ chứa progestin (POPs). Thuốc hiện có trên thị trường là Embevin, được dùng hằng ngày, rất hiệu quả và an toàn ở nhóm đối tượng bà mẹ đang cho con bú.
POPs còn được gọi là thuốc ngừa thai mini, dù chỉ chứa một lượng nhỏ progesterone nhưng hiệu quả ngừa thai cũng đạt gần 100%. Tuy nhiên, người sử dụng phải cẩn thận và chú ý uống thuốc đúng thời điểm mỗi ngày. Bởi vì việc trì hoãn hoặc quên dùng thuốc chỉ khoảng 3 - 4 giờ cũng có thể gây ra vấn đề.
Thuốc tránh thai hàng ngày chỉ chứa progestin có tác dụng làm dày chất nhầy cổ tử cung và ngăn không cho tinh trùng gặp trứng. Một số loại còn giúp ngăn cản quá trình rụng trứng. Các chuyên gia cho rằng sử dụng thuốc ngừa thai POPs trong 6 tháng sau sinh là một sự lựa chọn khôn ngoan hơn so với những loại còn lại.
3.2. Thuốc ngừa thai dạng phối hợp
Thuốc ngừa thai dạng phối hợp cũng có tác dụng tránh thai rất hiệu quả, nhưng lại có chứa cả hormone progesterone và estrogen. Mặc dù những hormone này không ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ sơ sinh, nhưng lại làm giảm khả năng sản xuất sữa mẹ lên đến 41,9%. Nếu muốn sử dụng thuốc ngừa thai dạng kết hợp, chị em cần chờ đến khi các bé được 6 tháng - giai đoạn con tập ăn dặm và không bị ảnh hưởng nhiều nếu lượng sữa mẹ bị giảm. Ngược lại, nửa năm đầu đời là khoảng thời gian mà bé sơ sinh cần rất nhiều sữa mẹ.
3.3. Các loại thuốc ngừa thai khác
Nếu không có ý định dùng thuốc tránh thai dạng viên uống hoặc là người hay quên khi dùng thuốc POPs, chị em cũng có thể cân nhắc đến các loại thuốc ngừa thai khác như:
- Thuốc tiêm ngừa thai: Depo-Provera;
- Vòng tránh thai có chứa nội tiết tố: Mirena, Skyla;
- Cấy thuốc ngừa thai: Implanon, Nexplanon.
4. Một số lưu ý khi dùng thuốc ngừa thai loại cho con bú
Nếu muốn dùng thuốc ngừa thai trong giai đoạn đang cho bú, chị em phụ nữ cần ghi nhớ những điểm sau:
- Tham khảo ý kiến bác sĩ - dược sĩ trước để được hướng dẫn về phương pháp ngừa thai phù hợp nhất (ngay cả khi chỉ dùng thuốc tránh thai khẩn cấp loại cho con bú liều thấp);
- Một số tác dụng phụ khi uống thuốc tránh thai nội tiết giai đoạn cho con bú bao gồm: giảm lượng sữa tiết ra; bé trở nên cáu gắt và khó chịu (thường gặp nhưng chưa có nghiên cứu chứng minh); tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 (đặc biệt nếu có tiền sử tiểu đường thai kỳ);
- Cân nhắc lựa chọn một biện pháp tránh thai khác nếu lượng sữa tiết ra giảm làm ảnh hưởng đến trọng lượng của bé, hoặc mẹ bị thiếu ngủ và kiệt sức khiến thuốc không hiệu quả;
- Nên sử dụng bao cao su để tránh thai, đồng thời ngăn ngừa các bệnh lây lan qua đường tình dục.
Thực tế, phụ nữ đang cho con bú vẫn có khả năng mang thai nên cần chủ động áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn. Thuốc tránh thai khẩn cấp dành cho con bú chứa hoạt chất levonorgestrel sẽ không gây hại đến trẻ, do đó chị em có thể yên tâm sử dụng khi thật sự cần thiết. Nếu tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ, phụ nữ đến gặp bác sĩ để được tư vấn lựa chọn cách tránh thai lâu dài và phù hợp với bà mẹ đang cho con bú nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.