Thuốc bôi ngoài da trị vảy nến là phương pháp điều trị cơ bản cho bệnh nhân. Các loại thuốc bôi vảy nến còn được sử dụng đơn độc trên bệnh nhân có tổn thương da mức độ nhẹ hoặc kết hợp với các phương pháp toàn thân khác (liệu pháp ánh sáng, thuốc uống, các sản phẩm điều trị vảy nến từ thảo dược) khi tổn thương da ở mức độ trung bình, nặng.
1. Vảy nến có thể chữa được bằng thuốc bôi ngoài da?
Vảy nến khởi phát do nhiều yếu tố tác động, tuy nhiên nguyên nhân sâu xa là do hệ miễn dịch suy yếu, rối loạn gây ra tình trạng tự miễn dịch. Vảy nến là bệnh da liễu mãn tính, bệnh xảy ra khi quá trình sản xuất tế bào da mới diễn ra với tốc độ quá nhanh, nhanh hơn quá trình chết tế bào dẫn đến sự hình thành các mảng da chết bất thường, da trở nên dày cộm, khô ráp, gây cảm giác ngứa ngáy nhẹ.
Một số trường hợp vùng vảy nến còn có dấu hiệu bị nứt nẻ, chảy máu và đau đớn nhiều. Tuy nhiên, trong những trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng các loại thuốc bôi vảy nến tại chỗ để hạn chế tổn thương trên da đồng thời khắc phục triệu chứng và ức chế sự tiến triển của bệnh.
Đối với bất cứ loại thuốc bôi vảy nến nào cũng cần sử dụng đúng chỉ định của bác sĩ để đạt được kết quả tốt nhất và hạn chế được các rủi ro phát sinh trong quá trình điều trị bệnh.
2. Các nhóm thuốc bôi trị vảy nến thường được sử dụng
Mục đích của các loại thuốc bôi trị vảy nến là làm giảm vảy và giảm viêm dưới da, cải thiện triệu chứng lâm sàng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý là mỗi vùng da trên cơ thể sẽ có đặc điểm khác nhau, vì vậy cần có lựa chọn các thuốc bôi vảy nến khác nhau và cân nhắc trong việc kết hợp điều trị thuốc giúp đạt hiệu quả tối ưu.
Có 4 nhóm thuốc bôi ngoài da trị vảy nến chính là thuốc Corticosteroid, thuốc ức chế Calcineurin, các chất tương tự vitamin D và Tazarotene. Ngoài ra có thể kết hợp thêm các chất dưỡng ẩm, axit salicylic, anthralin, hắc ín và các sản phẩm từ thảo dược để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
Thêm vào đó, khi dùng thuốc bôi ngoài da trị vảy nến, lượng thuốc bôi thường được ước tính theo đơn vị ngón tay (FU), cụ thể 1 FU sẽ bằng lượng thuốc lấy từ đầu tuýp thuốc có đường kính 5mm, với độ dài bằng ngón xa đốt trỏ (khoảng 0.5g với nam trưởng thành). 1 FU thường dùng để bôi trên diện tích da rộng bằng cả bàn tay bao gồm cả lòng bàn tay, mu tay và các ngón tay. Khi dùng thuốc bôi ngoài da trị vảy nến cho da đầu thường lấy 1 lượng 3 FU, vùng mặt và cổ sử dụng 2.5 FU, bôi cánh cẳng bàn tay sử dụng một lượng là 4 FU, phần thân trước của cơ thể cần 8 FU, bôi thuốc bôi ngoài da trị vảy nến ở lưng cần đến 8 FU, tương tự đùi chân bàn chân là 8 FU và bôi thuốc ở bộ phận sinh dục cần 1 lượng thuốc là 0.5 FU.
2.1. Thuốc bôi ngoài da trị vảy nến có chứa Corticosteroid
Corticoid có tác dụng giảm viêm, giảm tăng trưởng, ức chế miễn dịch, co mạch. Do thuốc tác động thông qua cơ chế gắn với receptor nội bào, điều hòa biểu hiện gen đặc biệt là gen mã hóa các interleukin tiền viêm, vì vậy sau khi bôi thuốc cần ít nhất 1 tuần để thuốc đạt được tác dụng cải thiện trên lâm sàng và cần trung bình 2 tháng để các triệu chứng lui bệnh.
Corticoid bôi cũng được chia làm 7 nhóm từ I - VII, tương đương với hoạt tính rất mạnh, mạnh, trung bình và yếu. Việc lựa chọn thuốc sẽ được bác sĩ quyết định dựa vào mức độ nặng của bệnh, vị trí, lứa tuổi.
Corticosteroid loại nhẹ (nhóm 7 như hydrocortisol nồng độ 1%) có thể được sử dụng để điều trị vảy nến ở mặt, nếp kẽ, vùng da dễ bị teo da (như mặt trước cánh tay). Đối với lòng bàn tay, bàn chân, các mảng tổn thương vảy nến thường là mảng dày, mạn tính cần sử dụng corticoid nhóm I (ví dụ clobetasol propionate 0.05%). Các vùng da còn lại có thể được bắt đầu sử dụng thuốc bôi corticoid thuộc nhóm từ 2 đến 5.
Corticoid loại mạnh bôi ngày 1 - 2 lần cho đến khi đạt được hiệu quả điều trị bệnh, sau đó giảm xuống bôi ngày 1 lần vào 2 ngày cuối tuần hoặc bôi cách ngày để duy trì hiệu quả điều trị. Do bệnh vảy nến thường có xu hướng dễ tái phát khi ngừng thuốc, cần giảm thuốc từ từ, không dừng đột ngột. Đối với nhóm rất mạnh (clobetason propionat) cần sử dụng 2 lần/ ngày, không dùng kéo dài hơn 4 tuần và không sử dụng quá 50g/ tuần.
Corticoid các thế gây ra các tác dụng phụ tại chỗ: Teo da, giãn mạch, rạn da, xuất huyết, viêm nang lông, trứng cá đỏ,... hoặc tác dụng phụ toàn thân như: hội chứng Cushing, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, hoại tử vô mạch chỏm xương đùi và ảnh hưởng phát triển chiều cao của trẻ em... Do đó, khi có hiệu quả điều trị cần chuyển thuốc nhẹ hơn, áp dụng liệu pháp điều trị ngắt quãng và kết hợp các thuốc không corticoid.
2.2. Thuốc bôi ức chế calcineurin (hoạt chất tacrolimus, pimecrolimus)
Thuốc bôi ức chế calcineurin hoạt động theo cơ chế gắn vào calcineurin, ức chế phosphoryl hóa nó dẫn đến ức chế hoạt động tế bào lympho T và ức chế sự tổng hợp các cytokine tiền viêm.
Mặc dù, thuốc bôi ức chế calcineurin chưa được FDA chấp nhận cho điều trị vảy nến, tuy nhiên thuốc vẫn có thể được sử dụng trên vùng da mỏng như mặt, nếp kẽ trong thời gian dài > 4 tuần, với liều lượng bôi ngày 2 lần, sau đó giảm liều và duy trì. Thông thường, sau 1 tuần bôi thuốc là có thể đạt hiệu quả rất tốt.
Thuốc bôi ức chế calcineurin có thể gây kích ứng tại chỗ trong 2 tuần đầu bôi thuốc với biểu hiện là: cảm giác nóng, châm chích, ngứa sau đó làn da của bệnh nhân sẽ dung nạp dần. Để giảm tác dụng phụ này của thuốc bôi ức chế calcineurin, bạn cần tránh bôi thuốc khi da đang ẩm ướt.
2.3. Các chất tương tự vitamin D bôi tại chỗ
Các chất tương tự vitamin D bôi tại chỗ hoạt động theo cơ chế gắn vào receptor vitamin D, ức chế phân triển và biệt hóa tế bào sừng với hai loại hay dùng là calcipotriol (calcipotriene) và calcitriol. Thuốc có thể sử dụng với dạng đơn độc hoặc phối hợp với corticoid.
Đối với các chất tương tự vitamin D bôi tại chỗ dạng đơn độc dùng ngày 2 lần, có thể kéo dài hoặc dùng điều trị duy trì cùng với corticoid (trong tuần bôi calcipotriol, cuối tuần bôi corticoid) hoặc có thể buổi sáng dùng corticoid loại mạnh, buổi tối dùng calcipotriol.
Tác dụng phụ của các chất tương tự vitamin D bôi tại chỗ: có tới 35% bệnh nhân gặp tác dụng phụ tại chỗ gồm nóng rát, ngứa, phù, bong da, khô da, đỏ,... ở vùng da điều trị và cả vùng da xung quanh. Tác dụng phụ này thường giảm hoặc hết khi tiếp tục dùng các chất tương tự vitamin D bôi tại chỗ. Thuốc có nguy cơ dẫn đến tăng calci máu, ức chế hormon tuyến giáp do đó không bôi quá 30% diện tích cơ thể, dưới 15g thuốc/ ngày và 100g thuốc/ tuần.
2.4. Tazarotene
Tazarotene hoạt động theo cơ chế tác động đến sự biệt hóa và phân triển tế bào sừng, làm giảm biểu hiện của các gen tiền viêm. Dùng tazarotene 0.1%, và 0.05% bôi ngày 1 lần hoặc có thể kết hợp với corticoid dạng bôi. Tazarotene có thấy tính hữu ích trong bệnh vảy nến lòng bàn tay bàn chân, vảy nến móng.
Tazarotene có thể gây đỏ da, nóng rát, ngứa. Để giảm tác dụng phụ của Tazarotene có thể sử dụng thuốc nồng độ thấp, dùng Tazarotene cùng dưỡng ẩm, bôi Tazarotene cách ngày, bôi Tazarotene thời gian ngắn 30 - 60 phút hoặc kết hợp corticoid bôi. Chống chỉ định dùng Tazarotene cho phụ nữ có thai.
2.5. Một số sản phẩm thuốc bôi ngoài da trị vảy nến khác
- Kem dưỡng ẩm: nên dùng loại emollient chứa các chất béo, giúp làm mềm da, giảm ngứa, dự phòng tái phát vảy nến cho bệnh nhân, ngày bôi từ 1 - 3 lần, thường bôi sau tắm 3 - 5 phút.
- Acid salicylic dạng bôi tại chỗ: hoạt chất này có tác dụng bạt sừng bong vảy, dùng khi bệnh vảy nến có vảy dày. Lưu ý bôi thuốc diện rộng có nguy cơ ngộ độc acid salicylic, vì thế không bôi thuốc nhiều quá 20% diện tích cơ thể, không bôi vào vùng tổn thương đang viêm đỏ nhiều.
- Anthralin (dithranol): sử dụng trong 8 - 12 tuần, nên bắt đầu dùng từ nồng độ 0.1% và tăng dần đến khi dung nạp được.
3. Giải pháp cải thiện vảy nến từ thảo dược
Các sản phẩm điều trị vảy nến hiện nay hầu hết đều là chất chống viêm tổng hợp, có tác dụng ức chế miễn dịch nhằm giảm triệu chứng ngứa ngáy, bong tróc vảy, viêm da,... Tuy nhiên, các thuốc này không thể tác động được vào nguyên nhân sâu xa của căn bệnh vảy nến là do hệ miễn dịch suy yếu.
Mặt khác, các thuốc bôi vảy nến chống viêm có nguồn gốc tổng hợp thường không thân thiện với cơ thể, dễ gây kích ứng tế bào da mỏng manh, gây ra nhiều tác dụng phụ, thậm chí một số trường hợp bôi thuốc không đúng cách còn dẫn đến tình trạng bội nhiễm, làm bệnh thêm trầm trọng. Hiện nay, các chuyên gia y tế có xu hướng tìm đến các giải pháp điều trị bệnh có nguồn gốc thảo dược, cụ thể gồm các dược liệu có khả năng điều trị vảy nến như: Sói rừng, Bạch thược, Nhàu, Hoàng bá, Thổ phục, Nhũ hương...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.