Nhiễm trùng vết mổ được xem là một nhiễm trùng bệnh viện rất phổ biến hiện nay, xảy ra sau khi bệnh nhân trải qua một cuộc phẫu thuật để điều trị một bệnh lý nào đó. Nhiễm trùng vết mổ gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bệnh nhân cũng như khiến thời gian điều trị bệnh kéo dài hơn bình thường. Vì vậy, việc sử dụng kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn vết mổ là một điều hết sức cần thiết để ngăn ngừa tình trạng này xảy ra.
1. Nhiễm trùng vết mổ
Trong những loại nhiễm trùng bệnh viện thì nhiễm trùng vết mổ là thường gặp nhất, khiến bệnh nặng hơn và thời gian điều trị cũng kéo dài hơn. Một điều vô cùng quan trọng đó là nhiễm trùng vết mổ làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh khi dùng kháng sinh để xử lý tình trạng này. Thực trạng nhiễm khuẩn vết mổ ở các nước trên thế giới được ước tính rơi vào khoảng 5% bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng vết mổ trong những bệnh nhân đã thực hiện phẫu thuật, và nhiễm trùng vết mổ chiếm 20% trong những loại bệnh lý nhiễm trùng bệnh viện. Nhiễm trùng vết mổ thường sẽ khiến bệnh trở nặng hơn và kéo dài thời gian điều trị hơn bình thường khoảng 7- 10 ngày.
Nhiễm trùng vết mổ thường bị tác động bởi một số yếu tố như lượng vi trùng mà bệnh nhân nhiễm phải, độc lực của vi trùng như thế nào cũng như hệ miễn dịch của người bệnh có đủ mạnh hay không. Nguyên nhân nhiễm trùng vết mổ có thể do bên trong cơ thể bệnh nhân hoặc do môi trường bên ngoài là phòng mổ, nhân viên y tế và những nguồn gây nhiễm trùng từ bên ngoài như những thiết bị được cấy vào cơ thể của bệnh nhân hay những dụng cụ y tế phục vụ cho việc điều trị trên bệnh nhân đó. Đối với những nhiễm trùng vết mổ ở vị trí ống tiêu hóa và hệ thống tiết niệu sinh dục thì vi khuẩn gây bệnh thường gặp là trực khuẩn gram (-) và những loại vi khuẩn yếm khí. Ngoài ra, cũng có trường hợp nhiễm trùng vết mổ do vi khuẩn gram (+) gây ra.
2. Kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn vết mổ
Câu hỏi được đặt ra rất nhiều trong những trường hợp bệnh nhân phải đối mặt với tình trạng nhiễm trùng vết mổ đó là “hướng dẫn phòng ngừa nhiễm khuẩn vết mổ” như thế nào cũng như “nhiễm trùng vết thương uống thuốc gì? ”. Ngoài những biện pháp như chuẩn bị bệnh nhân trước mổ đúng quy trình cũng như những yêu cầu cần thiết trong phẫu thuật, từ buồng mổ, hệ thống lọc không khí, đảm bảo vô khuẩn, kỹ thuật mổ đúng quy trình... thì việc sử dụng kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn vết mổ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng vết mổ trên bệnh nhân.
Kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn vết mổ cần có chỉ định cụ thể của bác sĩ điều trị cũng như tùy theo nguyên nhân gây nhiễm trùng vết mổ là gì mà mục đích khi dùng kháng sinh dự phòng sẽ khác nhau, từ đó cần phải có những sự chọn lọc loại kháng sinh phù hợp khi sử dụng. Một chú ý rất quan trọng khi dùng kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn vết mổ đó là chỉ sử dụng kháng sinh với mục đích ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng vết mổ với những trường hợp được chẩn đoán là loại phẫu thuật sạch, phẫu thuật sạch- nhiễm. Còn đối với những phẫu thuật được xếp vào nhóm phẫu thuật nhiễm và phẫu thuật bẩn thì lúc này mục đích khi dùng kháng sinh không còn là dự phòng mà dùng để điều trị thật sự trên bệnh nhân đó.
Một số nguyên tắc cơ bản khi dùng kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn vết mổ đó là:
- Dùng kháng sinh dự phòng dựa theo những khuyến cáo được nghiên cứu và đưa ra, có bằng chứng rằng loại kháng sinh dự phòng sử dụng có khả năng làm thuyên giảm tình trạng nhiễm trùng.
- Lựa chọn những thuốc kháng sinh an toàn, phù hợp kinh tế của bệnh nhân, có chức năng diệt khuẩn.
- Xác định cụ thể thời gian tiêm kháng sinh liều thứ nhất nhằm mục đích nồng độ diệt khuẩn sẽ tối ưu nhất.
- Tiến hành duy trì nồng độ kháng sinh trong huyết thanh và trong mô khi đang phẫu thuật và cho đến khi sau phẫu thuật, khâu da khoảng vài giờ đồng hồ.
Một số lưu ý trong quá trình sử dụng kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn vết mổ đó là:
- Thuốc kháng sinh dự phòng được sử dụng trên bệnh nhân trước khi tiến hành rạch da phẫu thuật, để phòng ngừa nhiễm trùng vết mổ ngay từ khi vi khuẩn tiếp xúc với vị trí mổ.
- Cần ấn định thời điểm sử dụng kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn vết mổ để nồng độ diệt khuẩn thuốc kháng sinh có thể đạt mức tối đa khi phẫu thuật xảy ra. Thời gian hiệu quả nhất là khoảng 30 phút trước khi rạch da lần đầu tiên và trong 2 giờ đồng hồ sau đó.
- Cần lưu ý cho chỉ định dùng thuốc kháng sinh dự phòng trong những bệnh lý cần phẫu thuật liên quan đến tạng rỗng.
- Các phẫu thuật trong nhóm phẫu thuật sạch- nhiễm, ví dụ như phẫu thuật ruột già không khẩn cấp thì có thể chỉ định thuốc kháng sinh bằng đường uống và trước phẫu thuật cần thực hiện những kỹ thuật cần thiết như rửa, chuẩn bị ruột già. Những trường hợp khác thường sẽ được dùng thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch là chủ yếu.
- Những loại phẫu thuật có đường rạch da không liên quan đến tạng rỗng, không liên quan đến vùng nhiễm, ví dụ như phẫu thuật đặt khớp giả thì cũng cần có chỉ định dùng thuốc kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn vết mổ.
- Trong những thuốc kháng sinh thì nhóm thuốc Cephalosporin được sử dụng khá nhiều để dự phòng nhiễm trùng vết mổ vì nó có thể có hiệu quả với vi khuẩn gram (-) và vi khuẩn gram (+). Trong trường hợp cơ thể bệnh nhân có những phản ứng bất lợi với thuốc Beta Lactam thì có thể dùng thuốc Clindamycin và Vancomycin. Những trường hợp phẫu thuật ống tiêu hóa thì nên ưu tiên sử dụng thuốc kháng sinh Cefoxitin hoặc Cephalosporin thế hệ 2 nhằm ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn do vi khuẩn kỵ khí gây ra. Nếu bệnh nhân được chẩn đoán có khả năng nhiễm phải tụ cầu kháng Methicillin MRSA thì cần dùng Vancomycin trong trường hợp này.
- Một lưu ý khá quan trọng khi dùng kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn vết mổ đó là trong quá trình dùng thuốc thì cần song hành với công tác kiểm tra tình trạng nhiễm trùng bệnh viện để giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện xảy ra là một trong những yếu tố thuận lợi gây ra nhiễm trùng vết mổ.
Nhiễm trùng vết mổ là một loại nhiễm trùng bệnh viện diễn biến phức tạp và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Để ngăn ngừa được tình trạng này thì cần chẩn đoán được khả năng nhiễm phải loại vi trùng nào, từ đó có những biện pháp phòng ngừa phù hợp, trong đó kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn vết mổ đóng vai trò cực kỳ quan trọng để đẩy lùi tình trạng này xảy ra.