Sốt xuất huyết tấn công cơ thể như thế nào?

Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi đốt, bệnh lây lan với tốc độ nhanh. Bệnh sẽ có những biến chứng nguy hiểm nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời.

1. Sốt xuất huyết tấn công cơ thể như thế nào?

Tổ chức y tế Thế giới (WHO) xếp bệnh sốt xuất huyết vào loại bệnh đáng được quan tâm nhất do muỗi truyền. Sốt xuất huyết Dengue ( sốt xuất huyết) là bệnh truyền nhiễm, lây lan với tốc độ rất nhanh. Trong 50 năm qua trên toàn thế giới, các ca nhiễm bệnh sốt xuất huyết đã tăng lên hơn 30 lần.

Tại Việt Nam, sốt xuất huyết là một bệnh phổ biến, bởi chưa có thuốc đặc trị nên phương pháp kiểm soát sốt xuất huyết chủ yếu là áp dụng các biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy... tại các khu vực xuất hiện ổ dịch hoặc những nơi trú ẩn của muỗi.

Bệnh sốt xuất huyết do virus dengue gây ra với 4 type. Ở Việt Nam, đều có có 4 type gây bệnh này và chúng thường luân phiên nhau gây dịch. Hệ miễn dịch chỉ được tạo thành sau khi mắc bệnh chình vì vậy, nó chỉ có tính đặc hiệu đối với từng type. Điều đó khiến cho một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết tận 4 lần và những lần mắc sau thường nặng hơn những lần trước.

Muỗi vằn chính là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết từ cơ thể người bệnh sang người lành. Muỗi sau khi đốt người mắc bệnh sốt xuất huyết, virus từ máu người bệnh sẽ truyền sang tế bào muỗi. 12 ngày là khoảng thời gian từ khi muỗi hút máu từ người bệnh cho đến khi muỗi có thể truyền bệnh sang người lành. Trong khoảng thời gian này, trong cơ thể muỗi, các virus được nhân lên, lây lan đến các tế bào cho đến khi lan đến tuyến nước bọt của muỗi. Khi đó, nếu muỗi đốt người lành, nó sẽ truyền virus Dengue sang cho cơ thể người lành.


Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm, lây lan với tốc độ rất nhanh
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm, lây lan với tốc độ rất nhanh

2. Diễn biến của bệnh sốt xuất huyết

Diễn biến của bệnh sốt xuất huyết rất khó lường và trở nặng nhanh chóng. Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết bắt đầu là dấu hiệu sốt cao liên miên từ 4-7 ngày. Người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức đầu dữ dội, đau các khớp cơ, buồn nôn, người mệt mỏi, chán ăn. Đây là những triệu chứng sốt xuất huyết thể nhẹ.

Sau giai đoạn khởi phát (3 ngày đầu nhiễm bệnh), người bệnh cảm thấy khó chịu với các tổn thương bên trong mạch máu và bạch huyết, có thể kèm theo đau bụng, đại tiện ra phân đen, chảy máu cam, chảy máu chân răng...lúc này cơ thể người bệnh đã giảm tiểu cầu đến mức xuất huyết.

Triệu chứng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết là sốc. Thân nhiệt của người bệnh tụt xuống dưới 35 độ C, và cảm nhận rõ cơ thể đang chảy máu ồ ạt, huyết áp tụt xuống nhanh chóng. Mất máu quá nhiều, huyết tương tăng nhanh khiến cho phổi bị tràn màng dịch, cơ thể người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê do não phù, nguy hiểm tới tính mạng.

Sốt xuất huyết ở người lớn có thể sinh ra các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, suy thận, suy gan, rối loạn đông máu...

3. Cách điều trị sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết khiến cho cơ thể người bệnh bị suy kiệt vì thế bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất, uống nhiều nước, bổ sung thêm nhiều vitamin nhằm cải thiện hệ miễn dịch. Phần lớn bệnh nhân bị sốt xuất huyết tử vong là do chủ quan, đến bệnh viện khi tình trạng bệnh đã trở nặng.

Trong những ngày đầu bị sốt, người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc hạ sốt có chứa thành phần paracetamol đơn chất. Việc uống sai thuốc, hay quá liều đều gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Không dùng aspirin và ibuprofen vì nó có tác dụng ngăn chặn các tiểu cầu tập kết, gây nên tình trạng xuất huyết dạ dày.

  • Có thể hạ sốt bằng cách dùng khăn ấm đắp vào trán, lau người, lau nách...
  • Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước, nước trái cây, uống nhiều oresol. Người lớn cần uống từ 2,5-3lit mỗi ngày.
  • Trẻ em bị sốt xuất huyết thường mất nhiều nước chính vì vậy cha mẹ cần chú ý cho trẻ uống thêm điện giải, nước sôi để nguội nước trái cây...

Sốt xuất huyết ở người lớn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, chính vì vậy,khi thấy bất cứ dấu hiệu nào của bệnh, bệnh nhân nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, không nên tự điều trị tại nhà.

Nếu tình trạng bệnh không nghiêm trọng, không cần phải nhập viện, người bệnh cần tuân thủ các khuyến cáo trong việc điều trị sốt xuất huyết tại nhà.


Nếu không cần phải nhập viện, người bệnh cần tuân thủ các khuyến cáo trong việc điều trị sốt xuất huyết tại nhà
Nếu không cần phải nhập viện, người bệnh cần tuân thủ các khuyến cáo trong việc điều trị sốt xuất huyết tại nhà

4. Một số lưu ý khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà

  • Không được sử dụng thuốc paracetamol quá liều tránh những tổn thương cho gan
  • Không dùng thuốc kháng sinh ngoại trừ có nguy cơ bị nhiễm trùng, cần có sự tư vấn của bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc
  • Người bệnh không được tự ý truyền dịch tại nhà nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm như phù phổi cấp, suy tim...
  • Không áp dụng những phương pháp chữa trị dân gian, không có đủ cơ sở khoa học, chưa được chứng minh thực tiễn, không cạo gió, xông hơi
  • Người bệnh nên lau người bằng nước ấm, không nên tắm bằng nước lạnh hoặc nước nóng
  • Không nên ăn những loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay, uống rượu bia, hút thuốc lá.

Khi thấy bất cứ dấu hiệu nào của bệnh sốt xuất huyết, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám và có được kết quả chính xác nhất để có phương án điều trị phù hợp cho từng đối tượng, tránh tình trạng nhầm lẫn sang những căn bệnh khác có những triệu chứng bệnh tương tự.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe