Sốt xuất huyết ở người lớn: Dấu hiệu cần nhập viện

Sốt xuất huyết ở người lớn do virus Dengue gây ra, muỗi Aedes là tác nhân lây truyền bệnh chủ yếu. Người bị sốt xuất huyết đa số có thể điều trị ngoại trú nhưng nếu xuất hiện các dấu hiệu như vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng hoặc tăng cảm giác đau vùng gan... thì cần nhập viện để bác sĩ điều trị kịp thời.

1. Sốt xuất huyết có nguy hiểm không?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, muỗi Aedes là tác nhân lây truyền bệnh chủ yếu thông qua vết muỗi đốt. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng bùng phát thành dịch vào mùa mưa. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi.

Sốt là dấu hiệu đầu tiên của bệnh Sau đó, từ 4 – 7 ngày, xuất hiện các triệu chứng như: sốt cao, đau đầu, buồn nôn, đau nhức cơ, phát ban,... Bệnh tiến triển rất nhanh, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như:

  • Tổn thương mạch máu dẫn đến chảy máu cam, kèm theo huyết tương thoát khỏi mạch máu chảy ồ ạt ra ngoài dẫn đến tử vong ở người bệnh.
  • Suy tim, suy thận: Nguyên nhân là do tình trạng xuất huyết liên tục làm rối loạn hệ thống tuần hoàn.
  • Hạ tiểu cầu: Dấu hiệu nhận biết là cơ thể mệt mỏi, li bì.
  • Tràn dịch màng phổi: Đây là biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong ở người bệnh.

Sốt xuất huyết có thể gây biến chứng suy tim
Sốt xuất huyết có thể gây biến chứng suy tim

2. Dấu hiệu sốt xuất huyết ở người lớn

Tùy vào giai đoạn và mức độ của bệnh sốt xuất huyết mà triệu chứng của bệnh khác nhau. Cụ thể như sau:

Triệu chứng sốt xuất huyết thể nhẹ:

  • Người bệnh sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, khó hạ sốt và kéo dài 4 – 7 ngày.
  • Đau đầu dữ dội (vùng trán, phía sau nhãn cầu)
  • Đau nhức khớp và cơ kèm nổi mẩn đỏ, phát ban
  • Buồn nôn và nôn.

Triệu chứng sốt xuất huyết thể nặng:

  • Đau bụng, nôn hoặc có thể buồn nôn, chân tay lạnh, hốt hoảng
  • Xuất hiện dấu hiệu xuất huyết: Đặc trưng là chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ra máu, xuất huyết nội tạng dẫn đến đi ngoài phân đen.

Hội chứng sốc Dengue:

  • Đây là thể nặng nhất, các triệu chứng bao gồm tất cả các biểu hiện của thể nhẹ và triệu chứng chảy máu ồ ạt trong và bên ngoài cơ thể kèm theo sốc.
  • Hội chứng này thường xảy ra trong lần nhiễm trùng sau, khi đã có miễn dịch chủ động hoặc thụ động đối với một loại kháng nguyên virus.

Sốt cao là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh
Sốt cao là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh

3. Dấu hiệu cần nhập viện và phương pháp điều trị

3.1. Dấu hiệu cần nhập viện khi bị sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết có thể điều trị và theo dõi tại nhà và các triệu chứng sốt xuất huyết có thể khỏi sau 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế nhanh chóng khi có những dấu hiệu cảnh báo dưới đây:

  • Người bị bệnh có dấu hiệu vật vã, lừ đừ, li bì
  • Đau bụng, tăng cảm giác đau vùng gan
  • Gan to trên 2cm hoặc men gan tăng ≥ 400 U/l
  • Nôn ói trên 3 lần/giờ trong vòng 6 giờ
  • Xuất huyết niêm mạc
  • Đi tiểu ít
  • Hct tăng cao nhưng tiểu cầu giảm nhanh chóng ≤ 100.000/mm3
  • Nhà xa bệnh viện, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng, gia đình không có khả năng theo dõi sát, có các bệnh mạn tính đi kèm thì cần xem xét nhập viện.

Khi có chỉ số men gan tăng cao, người bệnh cần ngay lập tức đến bệnh viện
Khi có chỉ số men gan tăng cao, người bệnh cần ngay lập tức đến bệnh viện

3.2. Điều trị sốt xuất huyết

Xử trí sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo:

  • Truyền dịch: Cần truyền dịch nếu có ít nhất 1 trong các dấu hiệu như lừ đừ, nôn nhiều, không uống được nước, đau bụng, mất nước, Hct tăng cao
  • Thời gian truyền dịch không quá 24-48 giờ.

Điều trị sốc sốt xuất huyết:

  • Sốc do sốt xuất huyết xảy ra khi người bệnh bị thoát mạch quá nhiều và thường được chỉ định điều trị truyền dịch.
  • Trường hợp bị sốc sốt xuất huyết có xuất huyết đi kèm thì điều trị chống sốc bằng dung dịch điện giải

Điều trị sốt xuất huyết thể não:

  • Kê đầu bệnh nhân cao 30 độ, cho thở bình oxy;
  • Chống co giật cho bệnh nhân, điều trị hạ đường huyết và điều chỉnh rối loạn điện giải - toan kiềm;
  • Chống phù não khi lâm sàng bệnh nhân có dấu hiệu tăng áp lực nội sọ bằng việc đặt nội khí quản thở máy.
  • Nếu sốt dùng thuốc hạ nhiệt đặt hậu môn Paracetamol.

Trong 3 - 4 ngày đầu, nếu có chỉ định theo dõi tại nhà, người bệnh cần:

  • Nằm nghỉ ngơi, ăn thức ăn dễ tiêu hóa, uống dung dịch Oresol, nước trái cây.
  • Thuốc uống: Khi bị sốt xuất huyết uống thuốc gì? Khi bị sốt do sốt xuất huyết cần hạ sốt bằng Paracetamol, không dùng Ibuprofen hoặc Aspirin
  • Nếu thấy người bệnh có diễn biến nghiêm trọng như li bì, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều... thì cần đưa đến cơ sở y tế.

Thuốc Paracetamol có tác dụng hạ sốt
Thuốc Paracetamol có tác dụng hạ sốt

4. Phòng bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm, vì vậy, cần phòng tránh bệnh bằng cách:

  • Giữ gìn vệ sinh nơi ở, môi trường sống xung quanh; phát quang bụi rậm; không trữ nước ở xô chậu hay các dụng cụ khác trong nhà
  • Áp dụng một số biện pháp đuổi muỗi muỗi, phun thuốc diệt muỗi;
  • Mắc màn khi ngủ để tránh bị muỗi đốt;
  • Nếu có dấu hiệu sốt nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe