Sốt virus ở người lớn có nên truyền nước?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS - Trưởng Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Virus gây bệnh cúm hiện nay có sự khác nhau về chủng và về loại. Hiện tượng cúm dường như gặp ở mọi đối tượng và xảy ra quanh năm, rất nhiều người khi bị cúm đã chọn cách đi truyền nước để chữa trị nhanh. Tuy nhiên, liệu sốt virus ở người lớn có nên truyền nước hay không, phải điều trị như thế nào mới đúng?

1. Sốt virus ở người lớn và những điều cần biết

Khái niệm bệnh sốt virus

Cúm – sốt là một loại bệnh nhiễm virus cấp tính ở đường hô hấp, được gây ra chủ yếu bởi virus cúm Influenza Virus, thuộc nhóm Orthomyxoviridae. Thông thường, sốt virus ở người lớn sẽ diễn biến tương đối nhẹ và tự khỏi sau 2 – 7 ngày. Nhưng cũng có trường hợp người lớn bị cúm, sốt cao trên 39 độ và diễn biến nặng gây ra viêm tai, viêm phổi, viêm phế quản,... Đó là trong trường hợp sức đề kháng của bạn quá yếu do các bệnh mãn tính.

Dấu hiệu nhận biết bệnh sốt virus ở người lớn

Hầu hết các cơn bệnh cảm cúm, sốt virus đều sẽ có những triệu chứng điển hình sau:

  • Mệt mỏi: Đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh sốt virus ở người lớn vì khi bị bệnh, virus sẽ làm cân bằng sinh học trong cơ thể của bệnh nhân bị rối loạn, gây ra mệt mỏi.
  • Đau nhức người: Khi mệt mỏi và thân nhiệt tăng cao, cơ thể của bệnh nhân sẽ xuất hiện hiện tượng đau nhức, đặc biệt là các cơ. Tình trạng này sẽ kéo dài trong suốt thời gian bệnh, khiến bệnh nhân khó chịu.
  • Sốt: tùy theo sức đề kháng của mỗi người mà tình trạng sốt của bệnh nhân nhẹ hay nặng. Khi sức đề kháng kém hoặc mật độ tấn công từ virus quá mạnh mẽ, cơ thể bị nhiễm trùng nặng, bạn sẽ sốt rất cao. Nếu không xử trí kịp thời, thậm chí bạn sẽ tử vong.
  • Ngạt mũi / chảy nước mũi: Khi nhiễm trùng, virus sẽ gây cảm giác lạnh từ bên trong, dẫn đến việc chảy nước mũi và ho rất nhiều. Nếu như không hạn chế tiếp xúc, mỗi cơn ho của bạn sẽ cho ra hàng triệu virus cúm và gây bệnh cho người xung quanh. Bên cạnh đó, tình trạng ngạt mũi cũng sẽ diễn ra gây khó thở.
  • Nhức đầu: Sốt và đau nhức cơ thể sẽ dẫn đến nhức đầu. Bạn có thể uống thuốc để hạn chế, tránh căng thẳng và nên nghỉ ngơi nhiều hơn.
  • Mắt thấy khó chịu: Cảm giác nóng rát, đau nhức nhãn cầu cũng sẽ xảy ra khiến bệnh nhân khó chịu. Mắt sẽ có màu đỏ và rát rất sâu.
  • Phát ban trên da: Một số loại virus gây cúm cũng sẽ tác động và làm da phát ban đỏ. Một số trường hợp bị phát ban do không do virus mà do kích ứng.

Triệu chứng đầu tiên của sốt virus là sốt cao
Triệu chứng đầu tiên của sốt virus là sốt cao

2. Sốt virus ở người lớn có nên truyền nước?

Nhiều bệnh nhân quan niệm rằng, khi bị sốt virus cần phải được truyền dịch thì bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, suy nghĩ này có thật sự đúng?

Dịch truyền là gì?

Hiện nay, có 3 loại dịch truyền chủ yếu là dung dịch Glucose (5% hay 10%), dịch nước muối (nước biển với hàm lượng NaCl là 9/1000) và dung dịch tổng hợp chất điện giải.

Những dung dịch trên hoàn toàn vô khuẩn và được truyền trực tiếp vào cơ thể thông qua tĩnh mạch với khối lượng lớn. Dịch truyền sẽ có nhiều tác dụng nhất định đối với sức khỏe bệnh nhân như nâng cao huyết áp, cân bằng điện giải đối với bệnh nhân mất máu, mất nước...

Một số loại dịch truyền có chứa chất dinh dưỡng như acid amin hay vitamin để bù đắp cho cơ thể, nhờ đó giải độc và kháng khuẩn, tăng bài tiết nước tiểu,...

Sốt virus ở người lớn có nên truyền nước?

Qua một số thông tin về dịch truyền trên, có thể thấy những dung dịch này hầu hết được sử dụng trong trường hợp cấp cứu như mất máu – mất nước quá nhiều trong tai nạn, khi phẫu thuật, bị ngộ độc thực phẩm,...


Thăm hỏi ý kiến bác sĩ trước khi truyền nước
Thăm hỏi ý kiến bác sĩ trước khi truyền nước

Đối với trường hợp sốt virus ở người lớn, truyền dịch sẽ có những tác dụng tích cực. Tuy nhiên, nếu như truyền tùy tiện, bạn có thể sẽ gặp phải nhiều tai biến nghiêm trọng.

Nguyên tắc cơ bản nhất khi bị sốt virus là không truyền muối, đường và các chất điện giải. Những chất này khi được truyền trực tiếp vào cơ thể sẽ gây áp lực lên vùng sọ và tăng phù não, khiến bệnh tình thêm nặng. Bên cạnh đó, đến nay vẫn không có nghiên cứu nào xác định rõ tác dụng của dịch truyền trong việc hạ sốt. Việc giảm sốt hầu hết là do tác dụng từ thuốc hạ sốt.

Bên cạnh đó, thuốc đi vào cơ thể đều sẽ gây ra tác dụng phụ và nếu truyền trực tiếp, nguy cơ của những tác dụng này lại càng cao. Thậm chí, truyền dịch bừa bãi ở các cơ sở y tế không uy tín còn gây nhiễm trùng, lây nhiễm một số bệnh lý nguy hiểm như viêm gan, HIV, AIDS,...

Việc truyền nước khi bị sốt virus ở người lớn chỉ nên được tiến hành nếu có nghi kèm với sốt xuất huyết (thể hiện ở các dấu hiệu ngoài da). Bên cạnh đó, nếu người bệnh gặp tình trạng nôn mửa liên tục, tiêu chảy và mất nước... thì mới được chỉ định truyền nước. Việc truyền nước trong trường hợp này cũng phải được theo dõi cẩn thận.

Tai hại của việc tự ý truyền dịch và điều trị cúm là cực kỳ to lớn. Hãy tìm gặp bác sĩ, thăm khám cụ thể và nhận điều trị phù hợp để nhanh chóng cải thiện bệnh tình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe