Nhiều trường hợp sốt trên 38 độ kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng nhưng lại không phải do các bệnh thoáng qua gây nên. Việc chẩn đoán hiện tượng sốt 38 độ kéo dài không rõ nguyên nhân thường rất khó khăn, phức tạp. Bệnh có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được thăm khám và can thiệp kịp thời.
1. Tìm hiểu chung về sốt trên 38 độ kéo dài
Sốt kéo dài trên 38 độ là bệnh lý khá thường gặp trong khoa truyền nhiễm. Ngoài sốt là dấu hiệu bệnh lý rõ rệt nhất thì có thể xuất hiện thêm các dấu hiệu mờ nhạt khác. Sốt kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng và không thể đưa ra chẩn đoán chính xác. Bệnh nhân mặc dù được điều trị bằng các loại thuốc thông thường như hạ nhiệt hay kháng sinh nhưng vẫn không có hiệu quả.
Năm 1961, một định nghĩa cụ thể hơn về hiện tượng sốt kéo dài chưa rõ nguyên nhân được đưa ra bởi Petersdorf và Beeson như sau:
- Nhiệt độ cơ thể người bệnh luôn trên 38.2 độ C, dù đo vào bất kỳ thời điểm nào.
- Sốt kéo dài trong ít nhất 3 tuần.
- Dù tiến hành đủ các xét nghiệm lâm sàng hay cận lâm sàng trong vòng 1 tuần vẫn không tìm ra được nguyên nhân.
Chẩn đoán sốt kéo dài đôi khi rất phức tạp. Kể cả ở những quốc gia có nền y khoa tiên tiến, được trang bị hệ thống máy móc hiện đại nhất cũng có lúc phải cho bệnh nhân ra viện sau quá trình điều trị mà vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây sốt kéo dài.
Nhóm nguyên nhân gây sốt trên 38 độ kéo dài có thể được phân thành 4 loại như sau:
- Nhóm nguyên nhân cổ điển: Sốt kéo dài hơn 3 tuần nhưng không tìm được nguyên nhân sau 3 ngày nhập viện (hoặc 3 lần khám ngoại trú).
- Nhóm nguyên nhân liên quan đến bệnh nhân nằm viện: Trường hợp bệnh nhân bị sốt nhập viện được chăm sóc cấp tính, không có dấu hiệu bị nhiễm trùng hoặc ủ bệnh khi nhập viện.
- Nhóm nguyên nhân do thiếu hụt miễn dịch: Nếu có kết quả chẩn đoán không chắc chắn sau 3 ngày thực hiện các đánh giá, trong đó bao gồm nuôi cấy âm tính sau 48 giờ.
- Nhóm nguyên nhân liên quan đến HIV: Sốt kéo dài trên 3 tuần ở bệnh nhân ngoại trú được xác định nhiễm HIV, hoặc trên 3 ngày ở bệnh nhân nội trú được xác định nhiễm HIV, nếu chẩn đoán không chắc sau khi thực hiện các biện pháp đánh giá.
2. Điều trị sốt trên 38 độ kéo dài
Trong trường hợp thật sự cần thiết, có thể dùng thuốc điều trị sốt kéo dài. Khi đã có đầy đủ bệnh sử, bệnh trạng, triệu chứng, xét nghiệm, mặc dù chưa thể chẩn đoán chính xác nhưng đã có hướng điều trị và được cân nhắc kỹ càng, thì có thể thử điều trị bằng các thuốc điều trị căn nguyên hay cơ chế, nhưng không được dùng bừa bãi, vội vàng, có thể gây khó khăn trong việc chẩn đoán, điều trị về sau.
Thuốc kháng viêm không steroid và thuốc kháng histamin có thể được sử dụng để điều trị bệnh trong trường hợp không tìm ra nguyên nhân cơ bản của bệnh. Ở nhiều người, loại thuốc này có tác dụng giảm sốt.
Bệnh nhân bị sốt do suy giảm miễn dịch có thể điều trị bằng kháng sinh phổ rộng, nhắm vào các loại vi khuẩn hay gây bệnh nhất. Đối với trường hợp bị sốt do nhóm nguyên nhân liên quan đến HIV, cần tập trung điều trị HIV bằng thuốc kháng virus, sau đó có thể điều trị thêm các triệu chứng hoặc biến chứng liên quan.
3. Chăm sóc người bệnh sốt kéo dài như thế nào?
3.1 Hạ sốt đúng cách
Trước tiên cần hiểu rằng, sốt là phản ứng giúp cơ thể tăng cường hoạt động chống nhiễm khuẩn, động viên miễn dịch đặc hiệu và không đặc hiệu. Đây là phản ứng bảo vệ, vì vậy cần tôn trọng nó.
Việc dùng thuốc hạ sốt cũng có những tác động không tốt tới cơ thể, như gây tổn thương máu, suy giảm miễn dịch, giảm đề kháng của cơ thể với mầm bệnh, làm mờ bệnh cảnh điển hình dẫn tới khó khăn trong chẩn đoán.
Tuy nhiên ở một số trường hợp nhất định, đặc biệt là sốt kéo dài ở trẻ em, việc thân nhiệt không bền vững, sốt quá cao có thể gây hiện tượng co giật rất nguy hiểm cho trẻ. Vì vậy khi cần thiết có thể dùng các phương pháp vật lý để hạ sốt như dùng quạt, chườm lạnh, mặc quần áo mỏng và thoáng, phòng ngừa co giật do sốt ở trẻ bằng thuốc an thần và thuốc hạ sốt dành cho trẻ.
3.2 Bổ sung đủ nước cho cơ thể
Bệnh nhân bị sốt cao tất yếu dẫn tới mất nước. Đối với người bị sốt trên 38 độ kéo dài, không ăn uống gì được thì cần bổ sung nước theo công thức sau:
Lượng nước uống thường ngày + lượng nước bằng 70% lượng thức ăn rắn + 250ml nước nội sinh + lượng nước thải qua nước tiểu và phân + lượng nước thải qua đường hô hấp + lượng nước bốc hơi qua da.
Dựa theo công thức trên, có thể thấy người bệnh cần bổ sung khoảng 2-3 lít nước/ngày, cho tới khi lượng nước tiểu đạt 1 lít/ngày.
Việc bổ sung cho lượng nước tuần hoàn đủ lại càng cần thiết với trẻ em, bởi ở trẻ thiếu nước cũng có thể gây sốt.
3.3 Ăn uống đủ dinh dưỡng, chú ý bổ sung đạm
Bệnh nhân khi bị sốt kéo dài không rõ nguyên nhân thường bị rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện chán ăn, nôn mửa, táo bón... Chán ăn dẫn tới thể trạng gầy nhanh do đạm ở tổ chức bị tiêu hao. Sốt càng cao, nhu cầu đạm của cơ thể càng tăng.
Do đó, cần cho người bệnh bổ sung đủ từ 2.100 - 3.000 kcalo/ ngày. Lượng đạm bổ sung không hạn chế. Lượng vitamin dùng như bình thường vì ở người sốt, vitamin không bị phân hủy nhiều hơn người khỏe mạnh. Nên phân bổ bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, thức ăn lựa chọn hợp khẩu vị người bệnh.
3.4 Bất động
Bệnh nhân bị sốt trên 38 độ kéo dài không nên bất động tuyệt đối, trừ khi có phản chỉ định, để tránh gây nghẽn mạch máu. Có thể cho bệnh nhân ngồi ghế vài tiếng trong ngày.
Để được tư vấn chi tiết về bệnh, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đặt khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
XEM THÊM: