Sốt do viêm, áp xe vú khi đang cho con bú

Viêm vú là tình trạng viêm mô vú, dẫn đến đau, sưng, nóng, đỏ vú, sốt và ớn lạnh. Viêm vú khi đang cho con bú khiến người mẹ cảm thấy mệt mỏi, gây khó khăn cho việc chăm sóc em bé, đặc biệt chúng có thể là nguyên nhân khiến trẻ phải cai sữa sớm. Nhưng tiếp tục cho con bú, ngay cả khi đang dùng thuốc kháng sinh sẽ tốt hơn cho bạn và trẻ.

1. Nguyên nhân viêm vú khi cho con bú

Vú được cấu tạo bởi một số tuyến và ống dẫn đến núm vú và vùng có màu xung quanh được gọi là quầng vú. Các ống dẫn sữa kéo dài từ núm vú vào mô bên dưới của vú giống như các nan hoa của bánh xe. Dưới quầng vú là các ống dẫn sữa. Những ống này chứa đầy sữa trong thời kỳ cho con bú sau khi phụ nữ sinh con. Khi con gái đến tuổi dậy thì, nội tiết tố thay đổi khiến các ống dẫn sữa phát triển và làm tăng lượng mỡ tích tụ trong mô vú. Các tuyến sản xuất sữa (tuyến vú) được kết nối với bề mặt của vú bằng các ống dẫn sữa có thể kéo dài đến vùng nách.

Viêm vú (tên tiếng Anh là Mastitis) là tình trạng nhiễm trùng mô vú xảy ra thường xuyên nhất trong thời kỳ cho con bú. Nguyên nhân dẫn đến viêm vú có thể do vi khuẩn, thường từ miệng trẻ, xâm nhập vào ống dẫn sữa thông qua vết nứt trên núm vú.

Nhiễm trùng vú thường xảy ra nhất từ ​​một đến ba tháng sau khi sinh con, nhưng chúng có thể xảy ra ở phụ nữ chưa sinh con và ở phụ nữ sau khi mãn kinh. Các nguyên nhân khác của nhiễm trùng bao gồm viêm vú mãn tính và một dạng ung thư hiếm gặp được gọi là ung thư vú viêm sưng (inflammatory carcinoma).

Ở phụ nữ khỏe mạnh, hiếm gặp viêm vú. Tuy nhiên, phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, bệnh mãn tính, AIDS hoặc suy giảm hệ thống miễn dịch có thể dễ bị viêm vú hơn.

Khoảng 1% - 3% bà mẹ cho con bú sẽ bị viêm vú. Tình trạng căng sữa và cho con bú không hoàn toàn bằng sữa mẹ có thể góp phần gây ra viêm vú và làm cho các triệu chứng của viêm vú trở nên tồi tệ hơn.

Viêm vú mãn tính (tên tiếng Anh là Chronic mastitis) xảy ra ở phụ nữ không cho con bú. Ở phụ nữ sau mãn kinh, nhiễm trùng vú có thể liên quan đến tình trạng viêm mãn tính của các ống dẫn bên dưới núm vú. Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể có thể khiến các ống dẫn sữa bị tắc nghẽn do có các tế bào da chết và các mảnh vụn. Những ống dẫn bị tắc này làm cho vú dễ bị nhiễm khuẩn. Nhiễm trùng có xu hướng trở lại sau khi điều trị bằng kháng sinh.

Các yếu tố nguy cơ của làm tăng khả năng mắc viêm vú bao gồm:

  • Từng bị viêm vú khi cho con bú
  • Núm vú bị đau hoặc nứt, mặc dù viêm vú có thể phát triển mà không bị nứt da
  • Mặc áo ngực vừa khít hoặc quá chật có thể hạn chế dòng sữa
  • Kỹ thuật chăm sóc không đúng cách
  • Mẹ quá mệt mỏi hoặc căng thẳng
  • Dinh dưỡng kém
  • Hút thuốc lá

Mẹ quá mệt mỏi hoặc căng thẳng cũng là một trong số nhiều yếu tố gây viêm vú khi đang cho con bú
Mẹ quá mệt mỏi hoặc căng thẳng cũng là một trong số nhiều yếu tố gây viêm vú khi đang cho con bú

2. Các triệu chứng nhiễm trùng vú

Nhiễm trùng vú có thể gây đau, đỏ và ấm ở vú cùng với các triệu chứng sau:

  • Đau và sưng
  • Nhức mỏi cơ thể
  • Mệt mỏi
  • Căng sữa
  • Sốt do áp xe vú và ớn lạnh

Áp xe vú có thể là một biến chứng của viêm vú. Các khối không ung thư như áp xe thường mềm và có cảm giác di động bên dưới da. Cạnh của khối áp xe thường đều đặn và rõ ràng. Các dấu hiệu cho thấy tình trạng nhiễm trùng vú nghiêm trọng hơn, bao gồm:

  • Khối u mềm ở vú không nhỏ đi sau khi cho trẻ bú sữa mẹ (Nếu áp xe nằm sâu trong vú, bạn có thể không sờ thấy được).
  • Chảy mủ từ núm vú
  • Sốt dai dẳng và không cải thiện các triệu chứng trong vòng 48-72 giờ điều trị

Bạn nên gọi cho bác sĩ ngay khi bạn cảm thấy bất kỳ khối u đáng ngờ nào, cho dù bạn đang cho con bú hay không. Đến ngay cơ sở Y tế nếu:

  • Có bất kỳ dịch tiết núm vú bất thường
  • Đau vú khiến bạn gặp khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.
  • Bạn bị đau vú kéo dài nhưng không rõ nguyên nhân.
  • Bạn có bất kỳ triệu chứng liên quan nào khác như mẩn đỏ, sưng tấy, đau gây cản trở việc cho con bú, một khối u hoặc cục mềm ở vú không biến mất sau khi cho con bú.
  • Nếu bạn đang cho con bú, hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của nhiễm trùng vú để có thể bắt đầu điều trị kịp thời.

Bạn có thể cần được đánh giá tại khoa cấp cứu của bệnh viện nếu cơn đau vú có liên quan đến các dấu hiệu nhiễm trùng khác (chẳng hạn như sốt, sưng hoặc tấy đỏ ở vú) và nếu bác sĩ không thể thăm khám cho bạn kịp thời. Các triệu chứng dưới đây cần được điều trị khẩn cấp:

  • Sốt cao dai dẳng trên 101,5 ° F
  • Buồn nôn hoặc nôn khiến bạn không thể dùng thuốc kháng sinh theo quy định
  • Chảy mủ từ vú
  • Vệt đỏ kéo dài về phía cánh tay hoặc ngực của bạn
  • Chóng mặt, ngất xỉu hoặc lú lẫn

3. Khám và kỹ thuật chẩn đoán nhiễm trùng vú

Việc chẩn đoán viêm vú và áp xe vú thường có thể được thực hiện dựa trên khám sức khỏe. Nếu không rõ một khối là do áp xe chứa đầy dịch hay khối rắn như khối u thì có thể bạn sẽ cần thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm. Siêu âm vú cũng có thể hữu ích trong việc phân biệt giữa viêm vú đơn thuần và áp xe hoặc chẩn đoán áp xe sâu trong vú. Kỹ thuật không xâm lấn này cho phép bác sĩ nhìn thấy ổ áp xe bằng cách đặt một đầu dò siêu âm trên vú của bạn. Nếu xác định có áp xe, thường bác sĩ sẽ phải chọc hút hoặc dẫn lưu ổ áp xe và điều trị thuốc kháng sinh đường tĩnh mạch.

Bác sĩ có thể lấy dịch từ ổ áp xe, sữa mẹ hoặc bất kỳ thứ gì bất thường được lấy ra từ ổ áp xe, để xác định loại vi sinh vật gây nhiễm trùng. Thông tin này có thể giúp bác sĩ của bạn quyết định loại kháng sinh phù hợp với người bệnh.

Những phụ nữ không nuôi con bằng sữa mẹ bị viêm vú hoặc những người không đáp ứng với điều trị, có thể được chụp X-quang tuyến vú hoặc sinh thiết vú. Đây là một biện pháp phòng ngừa vì một loại ung thư vú hiếm gặp có thể gây ra các triệu chứng tương tự như viêm vú.


Siêu âm vú cũng có thể hữu ích trong việc phân biệt giữa viêm vú đơn thuần và áp xe hoặc chẩn đoán áp xe sâu trong vú
Siêu âm vú cũng có thể hữu ích trong việc phân biệt giữa viêm vú đơn thuần và áp xe hoặc chẩn đoán áp xe sâu trong vú

4. Điều trị nhiễm trùng vú

4.1. Điều trị viêm vú tại nhà

Sau khi gặp bác sĩ, bạn có thể sử dụng những cách sau để giúp tình trạng nhiễm trùng vú của bạn mau lành:

  • Thuốc giảm đau: Uống acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (chẳng hạn như Advil) để giảm đau. Những loại thuốc này an toàn khi cho con bú và sẽ không gây hại cho em bé của bạn. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau kê theo toa nếu cơn đau của bạn nghiêm trọng và không thuyên giảm khi dùng thuốc không kê toa.
  • Trong trường hợp viêm vú nhẹ, bạn có thể không cần sử dụng thuốc kháng sinh. Nếu bạn được kê đơn thuốc kháng sinh, bạn cần hoàn thành đơn thuốc ngay cả khi bạn đã cảm thấy đỡ hơn trong vài ngày sử dụng.
  • Cho trẻ bú thường xuyên: Bạn vẫn cần cho con bú sữa mẹ ở vú bị ảnh hưởng, mặc dù vú sẽ bị đau và bạn có thể đang dùng thuốc kháng sinh. Việc rút cạn sữa thường xuyên sẽ ngăn cản sự căng sữa và tắc ống dẫn sữa, phòng ngừa khiến tình trạng viêm vú nặng hơn.
  • Nếu cần, bạn có thể sử dụng máy hút sữa để giảm áp lực và hút hết sữa hoàn toàn.
  • Bạn cũng có thể cho con bú sữa mẹ từ bên không bị ảnh hưởng và bổ sung sữa công thức khi cần thiết.
  • Nhiễm trùng sẽ không gây hại cho em bé vì vi trùng gây nhiễm trùng có thể đến từ miệng của em bé ngay từ đầu.
  • Nên tránh cho con bú ở vú bị nhiễm trùng khi có áp xe.
  • Giảm đau: Chườm ấm trước và sau khi bú thường có thể giúp giảm đau. Tắm nước ấm cũng có thể hiệu quả. Nếu chườm ấm không hiệu quả, bạn có thể chườm đá sau khi cho bú cũng có thể giúp bạn dễ chịu và giảm đau hơn. Tránh chườm đá ngay trước khi cho con bú vì nó có thể làm chậm dòng sữa.
  • Uống nhiều nước, uống ít nhất 10 ly mỗi ngày. Ăn các bữa ăn cân bằng và bổ sung thêm 500 calo mỗi ngày khi cho con bú. Mất nước và dinh dưỡng kém có thể làm giảm nguồn sữa và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn.

4.2. Thuốc trị viêm vú

Đối với viêm vú đơn giản không có áp xe, thường bác sĩ sẽ chỉ cần kê thuốc kháng sinh đường uống. Cephalexin (Keflex) và dicloxacillin (Dycill) là hai trong số những loại kháng sinh phổ biến nhất được lựa chọn, nhưng một số loại khác cũng có thể được chỉ định. Thuốc kháng sinh được kê đơn sẽ tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể và tình trạng dị ứng của bạn. Các thuốc này an toàn để sử dụng trong khi cho con bú và sẽ không gây hại cho trẻ.

Nếu tình trạng nhiễm trùng trở nên trầm trọng hơn kể cả khi bạn đã uống thuốc kháng sinh hoặc nếu bạn bị áp xe sâu cần điều trị phẫu thuật, bạn có thể nhập viện để tiêm kháng sinh đường tĩnh mạch.


Đối với viêm vú đơn giản không có áp xe, thường bác sĩ sẽ chỉ cần kê thuốc kháng sinh đường uống
Đối với viêm vú đơn giản không có áp xe, thường bác sĩ sẽ chỉ cần kê thuốc kháng sinh đường uống

4.3. Dẫn lưu ổ áp xe

Nếu có áp xe thì bạn sẽ cần phải dẫn lưu. Sau khi tiêm thuốc gây tê cục bộ, bác sĩ có thể dẫn lưu áp xe gần bề mặt da bằng cách sử dụng bơm kim tiêm để hút hoặc bằng cách rạch một đường nhỏ.

Tuy nhiên, nếu áp xe nằm sâu trong vú, bạn có thể phải phẫu thuật dẫn lưu trong phòng mổ. Thủ thuật này thường được thực hiện khi bạn được gây mê toàn thân để giảm thiểu đau đớn và dẫn lưu hoàn toàn ổ áp xe. Thuốc kháng sinh và chườm ấm trên khu vực này cũng được sử dụng để điều trị áp xe.

Viêm vú không gây ung thư, nhưng ung thư có thể bắt chước các triệu chứng của viêm vú. Nếu tình trạng nhiễm trùng vú chậm khỏi, bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang tuyến vú hoặc các kỹ thuật chẩn đoán khác để loại trừ ung thư.

4.4. Chăm sóc tiếp theo sau khi bị nhiễm trùng vú

Nếu bị nhiễm trùng vú, bạn có thể được khám để kiểm tra lại sau 24-48 giờ, đồng thời uống tất cả các loại thuốc kháng sinh đã được chỉ định.

Đo nhiệt độ ba lần một ngày trong 48 giờ đầu tiên sau khi bắt đầu điều trị. Theo đó, bạn nên gọi cho bác sĩ nếu bạn bị sốt cao, nôn ói hoặc ngày càng đỏ, sưng hoặc đau ở vú. Theo dõi tình trạng bệnh sau một đến hai tuần để đảm bảo rằng nhiễm trùng đã biến mất. Nếu nhiễm trùng lan rộng hoặc áp xe phát triển, bạn có thể cần dùng kháng sinh đường tĩnh mạch hoặc điều trị phẫu thuật.

5. Phòng ngừa viêm vú


Mẹ nên cho bé bú đều 2 bên để ngăn ngừa viêm vú
Mẹ nên cho bé bú đều 2 bên để ngăn ngừa viêm vú

Đôi khi không thể tránh khỏi viêm vú hoặc áp xe vú khi đang cho con bú. Một số phụ nữ dễ mắc viêm vú hơn những người khác, đặc biệt là những người lần đầu tiên cho con bú. Nhìn chung, bạn nên thực hiện các thói quen tốt dưới đây để ngăn ngừa viêm vú:

  • Cho trẻ bú đều hai bên vú.
  • Làm trống ngực hoàn toàn để ngăn căng sữa và tắc ống dẫn sữa.
  • Sử dụng các kỹ thuật cho con bú tốt để ngăn ngừa núm vú bị đau, nứt.
  • Làm khô thoáng ở bên núm vú bị đau hoặc nứt nẻ.
  • Ngăn hơi ẩm tích tụ trong miếng đệm ngực hoặc áo lót.
  • Tránh mất nước bằng cách uống nhiều nước.
  • Thực hành vệ sinh cẩn thận: Rửa tay, vệ sinh núm vú, giữ vệ sinh cho trẻ.

Sau sinh cơ thể người mẹ thay đổi, sản phụ có thể mắc phải nhiều các bệnh lý như xuất huyết sau sinh, són tiểu, rối loạn tiêu hóa, rối loạn đại tiểu tiện, sa trực tràng,...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe