Hỏi
Chào bác sĩ,
Chồng em sốt liên tục trong 5 ngày, nhiệt độ khoảng 38 - 39 độ. Ngày thứ 4, chồng em bắt đầu nổi vài cụm chấm đỏ ở khu vực mông, nốt to nhất lên màng trắng. Sau một ngày, số nốt đỏ tăng lên và có dấu hiệu to ra. Em nghi ngờ dấu hiệu Zona thần kinh. Bác sĩ cho em hỏi sốt cao, nổi cụm đỏ có mảng trắng ở mông có phải Zona không? Phương pháp điều trị như thế nào? Do dịch bệnh nên em không thể đưa chồng đến bệnh viện thăm khám trực tiếp. Em cảm ơn bác sĩ.
Nguyễn Văn Hoà (1975)
Trả lời
Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Sốt cao, nổi cụm đỏ có mảng trắng ở mông có phải Zona không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Dấu hiệu và triệu chứng của người bị bệnh Zona thần kinh:
- Khi bị nhiễm virus Zona, người bệnh sốt từ 38-39 độ C, đau mình mẩy, đau nhức đầu, người mệt mỏi, nước tiểu vàng,...
- Da người bệnh nổi ban đỏ đau rát, dần dần hình thành các đám mụn nước nhỏ, bọng nước tập trung thành từng chùm, dọc theo đường phân bố của dây thần kinh ngoại biên.
- Lúc đầu mụn nước căng, dịch trong, sau màu chuyển đục, hóa mủ, sau vài ngày các mụn nước này vỡ đi, hình thành các vảy rồi bong dần để lại nhiều vết sẹo lấm tấm trắng trên da giống như bị hắc lào.
- Người bệnh xuất hiện cảm giác ngứa, đau rát bỏng, âm ỉ, đau như kim châm, giật giật từng cơn ở vùng da nhiễm bệnh.
- Người bệnh phàn nàn bị nghe kém bên tai cùng với tai bị bệnh. Trong tai xuất hiện tiếng ù như tiếng ve kêu, dế kêu
- Ngoài những triệu chứng trên người bệnh còn cảm thấy nhức đầu,chóng mặt, khó chịu, đi loạng choạng, sợ ánh sáng, rối loạn bài tiết mồ hôi.
Cách chẩn đoán bệnh Zona thần kinh:
- Thăm khám, kiểm tra lâm sàng thấy ở trước hay sau tai bệnh nhân có nổi những hạch nhỏ. Da ống tai ngoài dày, đỏ, có nhiều mụn nước ở các giai đoạn khác nhau, cái thì đã vỡ, cái đã tạo sẹo, có cái đang chứa dịch màu vàng.
- Nếu bệnh nhân chà xát nhiều vào vùng này, mụn nước sẽ bị nhiễm trùng làm bội nhiễm, có thể gây viêm tấy lan toả ống tai ngoài, viêm sụn vành tai...
- Màng nhĩ sưng huyết đỏ. Đo thính lực đồ kém tiếp nhận.
- Xét nghiệm máu không có nhiều giá trị, chỉ thấy bạch cầu giảm mức độ ít. Nghiệm pháp miễn dịch huỳnh quang tìm virus cũng chỉ mang tính chất gợi ý. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào diễn biến và triệu chứng lâm sàng là dấu hiệu đau và mụn nước nằm ở vùng của các dây thần kinh, một bên.
Điều trị bệnh Zona thần kinh:
- Khi người bệnh nhiễm virus Zona thường được chỉ định sử dụng nhóm thuốc kháng virus (Acyclovir) hay dùng là Zovirax liều thay đổi theo từng độ tuổi.
- Trong trường hợp có bội nhiễm vi khuẩn cần phải dùng kháng sinh, kháng sinh chống bội nhiễm, kháng viêm, chống phù nề,... Nếu có kèm theo liệt mặt, cần sử dụng thuốc chuyên biệt và sử dụng vitamin B1, B6, B12 liều cao uống hoặc tiêm.
- Với Zona thần kinh, trong những trường hợp đau nhiều, kéo dài và gây mất ngủ cần được dùng thuốc an thần, giảm đau mạnh. Các loại thuốc này bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ, người bệnh không được tự ý mua để dùng.
- Thuốc tăng cường miễn dịch cũng đang được áp dụng điều trị phối hợp.
- Điều trị tại chỗ: Bôi thuốc mỡ kháng viêm, chống virus như mỡ Zovirax vùng có mụn nước để giảm đau, chống viêm, chống tạo sẹo, chống tình trạng bội nhiễm của các mụn nước.
Mông là vùng da được che chắn khá kín trên cơ thể, vì vậy khi da mông tiết mồ hôi sẽ tồn đọng lại, các tế bào chết và bụi bẩn tích tụ trên da không thoát ra được có thể dẫn đến bí tắc lỗ chân lông, đây chính là điều kiện thuận lợi để mụn nhọt ở mông phát triển. Đặc biệt, da ở vùng mông thường xuyên bị cọ xát với quần áo bó sát, từ đó gây tổn thương và hình thành nhọt.
Bên cạnh đó, nguyên nhân mụn nhọt ở mông còn được biết đến là do:
- Mắc các bệnh về da: Một số bệnh như viêm nang lông, dày sừng nang lông (những nốt sần sùi, thô ráp nhỏ trên mông), áp xe da (mụn nhọt lớn, đau và mọc thành từng cụm),... là những nguyên nhân khiến da vùng mông dễ bị mụn nhọt. Trong đó, nguyên nhân mụn nhọt ở mông chủ yếu nhất là viêm nang lông, khi những lỗ chân lông bị kích ứng sẽ trở nên đỏ và sưng, đôi khi có đầu trắng kèm theo đau hoặc ngứa. Viêm nang lông không chỉ gây mụn nhọt ở mông mà còn có thể gây mụn ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể. Viêm nang lông có thể là do quần áo ma sát lên da, chất liệu của quần áo như nilon hay polyester gây tích tụ mồ hôi.
- Do thay đổi nội tiết tố: Nữ giới là đối tượng dễ bị nhọt ở mông nhiều hơn so với nam giới do nội tiết tố ở nữ giới dễ bị thay đổi liên tục trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc trong giai đoạn mang thai. Làn da ở vùng mông tương đối dày, vì vậy khi nội tiết tố biến động sẽ làm cho tuyến dầu tại đây hoạt động mạnh hơn, lỗ chân lông bị quá tải hình thành mụn.
- Do thói quen ăn uống: Thói quen ăn thức ăn cay nóng, thực phẩm nhiều chất bảo quản khiến chức năng gan suy giảm, dẫn đến việc đào thải độc tố ra ngoài kém hơn, điều này có thể gây ra tình trạng mụn nhọt ở mông. Mặt khác, việc tiêu thụ quá nhiều đường, tinh bột hoặc sữa sẽ làm tăng nguy cơ bị mụn nhọt ở mông.
- Vệ sinh vùng da mông không sạch sẽ: Mặc quần áo ướt hay dính mồ hôi hay không thay quần lót thường xuyên,... này sẽ khiến lỗ chân lông tại vùng da mông bị bít tắc do các chất bẩn và mồ hôi, từ đó gây ra mụn nhọt ở mông.
- Do thao tác tẩy lông, cạo lông: Tẩy lông và cạo lông không đúng cách sẽ khiến da bị tổn thương dẫn đến viêm nhiễm rồi sinh ra mụn nhọt.
- Do áp lực tác động lên mông: Vùng mông là vùng da thường xuyên bị tì đè do ngồi lâu cũng là nguyên nhân mụn nhọt ở mông.
- Do di truyền: Nghe có vẻ vô lý nhưng các bác sĩ cho rằng những ai có bố mẹ hay bị mụn nhọt ở mông thì họ cũng có khả năng gặp phải vấn đề tương tự ở bất kỳ vùng da nào, đặc biệt là ở mông.
- Áp lực: Căng thẳng (stress) rất dễ khiến cơ thể bị rối loạn ở một số chức năng, thậm chí là mất ngủ, điều đó rất dễ gây nổi mụn ở bất kỳ đâu, không ngoại trừ ở mông.
Khi mụn nhọt ở mông mới xuất hiện sẽ trông rất giống với mụn trứng cá, thường có nhân và mụn trắng bên trong, nếu vô tình tác động mạnh thì mụn nhọt sẽ vỡ ra, gây tấy đỏ, thường có mủ và cảm giác ngứa rát rất khó chịu. Nếu không được xử lý sớm, vết mụn nhọt này sẽ bị chai cứng, thâm đen, gây đau nhức và gây mất thẩm mỹ.
Khi người bị mụn nhọt ở mông thường xuyên phải ngồi nhiều, nốt mụn sẽ bị chèn ép, mưng mủ và ngày càng sưng to, gây đau đớn cho người mắc phải. Lúc này việc chích nặn tự ý tại nhà là vô cùng nguy hiểm, có thể gây nhiễm trùng hoặc mất nhiều máu. Vì vậy, khi mụn nhọt sưng to và gây nhiều đau đớn, bệnh nhân hãy đến bệnh viện để kiểm tra, tìm hiểu tác nhân và xử lý ngay.
Nếu mụn nhọt ở mông đang sưng đỏ, chưa quá đau đớn hoặc do bệnh nhân chưa thể đến viện để chích rạch, một số biện pháp khắc phục tại nhà có thể tham khảo tạm thời (trong thời gian đợi nhọt chín hẳn để đến cơ sở y tế chích lấy cồi):
- Sử dụng cồn iod 3 - 5% bôi lên nốt mụn nhọt sau khi đã vệ sinh sạch vùng mông.
- Hạn chế ngồi, đè nốt mụn nhọt lên bề mặt cứng.
- Không dùng tay sờ lên mụn vì điều này sẽ làm đầu mụn bị chai,
- Sau vài ngày, nếu mụn mưng mủ tạo ngòi sẽ vỡ ra, lúc này bệnh nhân có thể nặn mụn ra ngoài và bôi thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn nên đến bệnh viện khám để được chích lấy cồi triệt để hoặc để bác sĩ kê thêm kháng sinh đường uống/tiêm phù hợp.
Đối với mụn nhọt ở mông chưa gây cảm giác đau nhức, khó chịu và chưa ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, bệnh nhân cần có biện pháp điều trị đúng cách để đẩy nhanh tốc độ lành mụn nhọt và hạn chế biến chứng. Một số thuốc sát trùng được bác sĩ khuyên dùng:
- Thuốc sát trùng Betadine.
- Dung dịch sát khuẩn rivanol 1% hoặc nitrat bạc 1%.
- Cồn lode 3%.
- Nước muối sinh lý.
- Fucidin.
- Eosine.
- Sản phẩm trị mụn chứa axit salicylic.
- Thuốc có thành phần Benzoyl Peroxide.
Nếu bạn còn thắc mắc về Zona, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.