Sốt là hiện tượng nhiệt độ cơ thể của bạn cao hơn bình thường, thường xảy ra khi cơ thể bị nhiễm trùng, có những trường hợp sốt có thể tự khỏi nhưng cũng có những trường hợp cần được chăm sóc y tế. Vậy sốt 38 độ có cần uống thuốc không?
1. Sốt là gì?
Sốt là khi nhiệt độ cơ thể của bạn cao hơn bình thường. Nhiệt độ cơ thể trung bình là khoảng 37°C. Nhiệt độ cơ thể trung bình của bạn có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức đó.
Nó cũng có thể dao động nhẹ trong suốt cả ngày. Những biến động này có thể thay đổi theo độ tuổi và mức độ hoạt động của bạn. Nhiệt độ cơ thể thường cao nhất vào buổi chiều. Khi thân nhiệt tăng cao hơn mức bình thường, đó có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang trong quá trình chống lại nhiễm trùng. Nó thường không phải là một nguyên nhân để báo động.
Nhiệt độ sau đây hoặc cao hơn cho thấy bạn đang bị sốt:
- Người lớn và trẻ em: 38°C (miệng)
- Em bé (dưới 1 tuổi): 37,2°C (nách) hoặc 38°C (trực tràng).
2. Các triệu chứng của sốt là gì?
Các triệu chứng chung liên quan đến sốt có thể bao gồm: ớn lạnh, nhức mỏi, đau đầu, đổ mồ hôi hoặc cảm thấy đỏ bừng, chán ăn, mất nước, yếu hoặc thiếu năng lượng.
3. Sốt 38 độ có cần uống thuốc không?
Sốt nhẹ đối với người lớn và trẻ em là khi nhiệt độ cơ thể của bạn tăng cao hơn bình thường một chút. Nhiệt độ này thường nằm trong khoảng từ 37,1°C đến 38°C. Những trường hợp sốt cao cần được chăm sóc y tế bao gồm:
- Đối với người lớn, nhiệt độ miệng là 39,4°C.
- Đối với trẻ trên 3 tháng tuổi, nhiệt độ trực tràng từ 38,9°C trở lên. Nếu em bé của bạn dưới 3 tháng tuổi và có nhiệt độ trực tràng từ 38°C trở lên, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Trẻ sốt 38 độ có cần uống thuốc không là vấn đề mà rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Ở người lớn và trẻ em: Trong trường hợp sốt nhẹ 38°C, có thể không nên hạ nhiệt độ quá nhanh. Sự hiện diện của cơn sốt có thể hữu ích trong việc chống lại nhiễm trùng trong cơ thể bạn. Trong trường hợp sốt cao hoặc sốt gây khó chịu, các phương pháp điều trị sau đây có thể được khuyến nghị:
- Thuốc không kê đơn (OTC). Các lựa chọn phổ biến bao gồm Ibuprofen hoặc Paracetamol. Đây là những thuốc có thể giúp giảm đau và hạ sốt. Hãy chắc chắn để kiểm tra thông tin liều lượng cho trẻ em.
- Thuốc kháng sinh: Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh nếu bạn bị nhiễm vi khuẩn gây sốt. Thuốc kháng sinh không thể được sử dụng để điều trị nhiễm virus.
- Bù nước: Sốt có thể dẫn đến mất nước. Đảm bảo uống nhiều nước, như nước lọc, nước trái cây hoặc nước canh. Có thể dùng dung dịch bù nước Oresol cho trẻ nhỏ.
- Giữ mát: Mặc quần áo thoáng mát hơn, giữ cho môi trường của trẻ mát mẻ và đắp với chăn mỏng khi ngủ. Lau người bằng nước ấm.
- Nghỉ ngơi: Bạn sẽ cần nghỉ ngơi đầy đủ để hồi phục sau bất kỳ nguyên nhân nào gây sốt. Hạn chế các hoạt động gắng sức nào có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể của bạn.
Đối với trẻ sơ sinh: Nếu em bé của bạn bị sốt, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Đừng tự ý cho con bạn dùng thuốc không kê đơn tại nhà mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước về liều lượng và hướng dẫn. Sốt có thể là dấu hiệu duy nhất của một tình trạng nghiêm trọng hơn. Trẻ có thể cần được truyền thuốc qua đường tĩnh mạch (IV) và được bác sĩ theo dõi cho đến khi tình trạng được cải thiện.
Tóm lại, sốt là khi nhiệt độ cơ thể của bạn cao hơn bình thường. Đây thường là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang trong quá trình chống lại một số loại nhiễm trùng. Sốt thường sẽ biến mất trong vòng vài ngày. Hầu hết các cơn sốt nhẹ không có gì đáng lo ngại. Sốt 38 độ được xem là sốt nhẹ và không cần dùng thuốc hạ sốt cho cả người lớn và trẻ em. Với các trường hợp sốt cao hơn, bạn sẽ có thể giảm bớt sự khó chịu bằng cách dùng thuốc hạ sốt, bù đủ nước và nghỉ ngơi. Bất kỳ cơn sốt nào ở trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi hoặc sốt cao ở người lớn và trẻ em đều phải được chuyên gia y tế đánh giá.