Sỏi niệu quản gây những biến chứng gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thiện Ngôn - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Sỏi niệu quản chiếm 28% tỷ lệ sỏi đường tiết niệu, sỏi niệu quản thường do sỏi di chuyển từ thận rơi xuống, là bệnh nguy hiểm gây nhiều biến chứng nguy hiểm do gây bít tắc đường đi đi của nước tiểu. Vậy sỏi niệu quản là gì, có thể gây ra những biến chứng nào?

1. Sỏi niệu quản là gì?

Niệu quản là một ống dài dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, niệu quản có 3 vị trí hẹp sinh lý là những điểm thường gây cản trở cho việc sỏi di chuyển xuống dưới.

Sỏi niệu quản là một trong các loại sỏi đường tiết niệu, là bệnh rất hay gặp.

Nguyên nhân gây sỏi niệu quản hầu hết là do sỏi rơi từ trên thận xuống, sỏi hình thành tại niệu quản rất ít gặp chỉ trong một số điều kiện như hẹp, u hay có túi thừa niệu quản

Sỏi niệu quản được chia làm sỏi niệu quản 1⁄3 trên, 1⁄3 giữa và 1⁄3 dưới. Việc chia nhỏ theo vị trí sỏi được áp dụng trong việc lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

2. Triệu chứng sỏi niệu quản

  • Đau âm ỉ vùng hố thắt lưng: Đau vùng lưng lan dần theo đường đi của sỏi trên niệu quản, gặp trong trường hợp sỏi nhỏ.
  • Khi sỏi rơi từ thận xuống niệu quản gây cơn đau quặn thận với biểu hiện: Đau xuất hiện đột ngột, mức độ đau dữ dội từng cơn, đau từ vùng thắt lưng lan xuống vùng bẹn và sinh dục không có tư thế giảm đau.
  • Đái máu có thể đái máu vi thể phát hiện qua soi hay đái máu đại thể có thể phát hiện bằng mắt thường nước tiểu màu như nước rửa thịt.
  • Đái ra sỏi ít gặp nhưng có giá trị chẩn đoán.
  • Đái ra mủ trong trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu kèm các triệu chứng: Sốt, đái buốt, đái rắt.

Sỏi niệu quản có thể gây đau âm ỉ
Sỏi niệu quản có thể gây đau âm ỉ

3. Biến chứng của sỏi niệu quản

Sỏi niệu quản có thể tiến triển nếu không được điều trị sớm gây ra các biến chứng như:

  • Ứ nước tại thận gây giãn đài bể thận: Do sỏi chặn đường nước tiểu đi qua, nước tiểu không xuống được bàng quang để đào thải ra ngoài gây ra ứ nước tại thận, giãn đài bể thận làm ảnh hưởng tới chức năng thận.
  • Viêm nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Khi viên sỏi di chuyển làm tổn thương niêm mạc niệu quản tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây viêm với biểu hiện sốt cao rét run, hố thắt lưng căng đau.
  • Suy thận cấp: Xảy ra khi sỏi gây tắc hoàn toàn đường niệu quản gây ra triệu chứng vô niệu.
  • Suy thận mạn: Khi viêm đường tiết niệu xảy ra kéo dài gây ra suy thận mạn, các tế bào thận tổn thương không phục hồi.

4. Chẩn đoán niệu quản

  • Chụp X-quang thận thường
  • Chụp thận thuốc tĩnh mạch (UIV) và chụp niệu quản-bể thận ngược dòng (UPR)
  • Chẩn đoán đặc biệt
  • Trường hợp sỏi cản quang
  • Ở đoạn thắt lưng: Các hạch vôi hoá, hình ảnh của gai ngang đốt sống khi phần ngoài của nó có chỗ cản quang đậm hơn dễ nhầm với viên sỏi.
  • Ở đoạn chậu: Có những ổ xương đậm không rõ nguyên nhân, thường thấy trên các cánh chậu; những hình ảnh này mang tính chất cố định trong mọi tư thế của xương chậu trên phim X-quang.
  • Ở đoạn hố chậu bé: Dễ nhầm với hình ảnh viêm tĩnh mạch. Viêm tĩnh mạch có hình tròn đồng nhất hoặc có tâm sáng. Phần lớn tĩnh mạch bị viêm có vị trí nằm khá xa ra ngoài đường niệu quản. Khi còn nghi ngờ thì phải dựa vào UIV.

Các hình ảnh vôi hoá của động mạch như những vạch thường nằm dưới khớp vùng chậu (động mạch chậu).

  • Trường hợp sỏi không cản quang
  • Phải phân biệt với các bóng hơi trong chụp UPR, những hình khuyết của nang niệu quản, nhất là khối u của niệu quản.

5. Điều trị sỏi niệu quản

Việc điều trị sỏi niệu quản phụ thuộc vào vị trí, kích thước, các biến chứng đi kèm.

  • Trường hợp sỏi đã di chuyển xuống thấp, chưa gây biến chứng gì: Điều trị bằng phương pháp nội khoa bằng thuốc chống viêm giảm đau, giãn cơ trơn, kháng sinh khi nghi ngờ có nhiễm khuẩn.
  • Trường hợp sỏi to, không di chuyển và đã gây biến chứng phải lấy sỏi càng nhanh càng tốt bằng phương pháp mổ lấy sỏi niệu quản.

Sỏi niệu quản có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng người bệnh nên cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Khi có các triệu chứng nghi ngờ sỏi niệu quản cần đến các cơ sở y tế để khám và điều trị, những người bệnh có tiền sử sỏi thận cũng cần được theo dõi thường xuyên hay có phương pháp điều trị sỏi thận tránh việc sỏi thận rơi xuống gây sỏi niệu quản.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán sỏi niệu quản

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe