Soi cổ tử cung để làm gì? Khi soi có đau nhiều không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Soi cổ tử cung là một biện pháp được các bác sĩ sử dụng để phát hiện sớm các bệnh lý bất thường ở tử cung phụ nữ, đặc biệt là ung thư cổ tử cung. Soi cổ tử cung có thể thực hiện bằng mắt thường, nhưng đa số phải dùng đến máy soi chuyên biệt với độ phóng đại lên nhiều lần.

1. Soi cổ tử cung là gì?

Soi cổ tử cung là một thủ thuật để quan sát vùng cổ tử cung, thường được thực hiện thông qua một thiết bị phóng đại đặc biệt gọi là máy soi cổ tử cung. Khi tiến hành soi cổ tử cung, máy soi sẽ chiếu một luồng ánh sáng vào âm đạo và vào cổ tử cung. Qua đó, hình ảnh truyền về qua máy soi sẽ được phóng đại lên rất nhiều lần. Thủ thuật này cho phép các bác sĩ tìm ra những vấn đề bất thường ở khu vực cổ tử cung của bệnh nhân mà mắt thường thậm chí không thể nhìn thấy được.

2. Soi cổ tử cung để làm gì?

Soi cổ tử cung nên được thực hiện khi kết quả xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung cho thấy có sự thay đổi bất thường đối với các tế bào cổ tử cung. Lúc đó, thủ thuật soi cổ tử cung sẽ cung cấp thêm thông tin để bác sĩ có thể nhận định chính xác hơn về các tế bào bất thường. Ngoài ra, soi cổ tử cung còn được sử dụng để đánh giá chi tiết hơn đối với các vấn đề khác, bao gồm:

Đôi khi thủ thuật soi cổ tử cung cần phải thực hiện nhiều lần. Bên cạnh đó, thủ thuật này cũng được sử dụng để theo dõi kết quả điều trị.

3. Soi cổ tử cung được thực hiện như thế nào?

Soi cổ tử cung nên được thực hiện khi người phụ nữ không có kinh nguyệt, đó cũng là thời điểm phù hợp nhất. Bởi vì lúc đó, bác sĩ sẽ quan sát khu vực cổ tử cung rõ hơn và không bị ảnh hưởng bởi kinh nguyệt. Trong vòng ít nhất 24 giờ trước khi thực hiện, không nên:

  • Thụt rửa âm đạo
  • Sử dụng tampon
  • Dùng thuốc đặt âm đạo
  • Quan hệ tình dục

Tương tự như khi thăm khám vùng chậu, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh nằm ngửa, hai chân được nâng lên cao ​​và bàn chân được đặt lên giá đỡ. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ y khoa gọi là mỏ vịt để mở rộng âm đạo, từ đó bác sĩ mới có thể quan sát khu vực bên trong cổ tử cung. Máy soi cổ tử cung được đặt ngay bên ngoài âm đạo.

Bác sĩ sau đó sẽ thoa một loại dung dịch vào khu vực cổ tử cung và âm đạo bằng tăm bông hoặc bông gòn. Dung dịch này có tác dụng giúp cho các tế bào bất thường trên cổ tử cung dễ nhìn thấy hơn.


Soi cổ tử cung với sự hỗ trợ của mỏ vịt và máy soi
Soi cổ tử cung với sự hỗ trợ của mỏ vịt và máy soi

4. Sinh thiết cổ tử cung

Trong quá trình soi cổ tử cung, bác sĩ có thể nhận thấy dấu hiệu các mô tăng sinh bất thường. Lúc này, bác sĩ sẽ thực hiện trích lấy một mẫu mô nhỏ từ khu vực bất thường này và đem ra ngoài làm xét nghiệm. Thủ thuật lấy mô bệnh này gọi là sinh thiết cổ tử cung.

Một số tế bào cũng được lấy ra từ cổ tử cung bằng một thiết bị đặc biệt, chuyên sử dụng để thu thập các tế bào. Thủ thuật này được gọi là nạo kênh cổ tử cung (ECC).

5. Soi cổ tử cung có đau không?

Soi cổ tử cung có đau không còn tùy thuộc vào việc người bệnh có cần phải thực hiện sinh thiết hay không. Tuy nhiên, soi cổ tử cung là thủ thuật không gây quá nhiều đau đớn. Nếu không cần thực hiện sinh thiết, người bệnh sẽ cảm thấy khá thoải mái và có thể sinh hoạt bình thường như mọi ngày. Đôi khi sẽ có dấu hiệu lốm đốm máu trong vòng vài ngày sau đó do các tế bào ở cổ tử cung có thể bị tổn thương nhẹ.

Trong trường hợp bác sĩ phải thực hiện sinh thiết lấy mẫu mô từ cổ tử cung, người bệnh có thể sẽ cảm thấy đau và khó chịu trong vòng 1 - 2 ngày. Để khắc phục, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc giảm đau

6. Hồi phục sau khi soi cổ tử cung

Sau khi thực hiện soi cổ tử cung, bác sĩ thường sẽ nhắc nhở người bệnh giới hạn một số hoạt động trong một thời gian để khu vực cổ tử cung nhanh chóng hồi phục. Trong khi cổ tử cung lành lại,người bệnh không được đặt bất cứ thứ gì vào âm đạo, bao gồm cả việc thực hiện các hoạt động sau đây:

  • Quan hệ tình dục.
  • Sử dụng tampon.
  • Thụt rửa âm đạo.

Bên cạnh đó, cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Xuất huyết âm đạo quá nhiều (phải sử dụng nhiều hơn một băng vệ sinh trong vòng một giờ)
  • Đau bụng dưới nghiêm trọng
  • Sốt
  • Ớn lạnh

Soi cổ tử cung cùng với các thủ thuật và xét nghiệm liên quan có vai trò phát hiện và chẩn đoán sớm căn bệnh ung thư cổ tử cung. Điều này mang ý nghĩa tiên quyết trong việc mang lại cơ hội chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân và đảm bảo không ảnh hưởng lớn chất lượng cuộc sống. Do đó, nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, người phụ nữ cần đi thăm khám ngay.

Hiện nay, các bác sĩ có thể kết hợp thăm khám chuyên sâu cùng với kỹ thuật công nghệ hiện đại để phát hiện các tổn thương bất thường ở cổ tử cung bằng thủ thuật soi cổ tử cung, từ đó giúp bệnh nhân phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh ung thư cổ tử cung.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn Acog.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe