Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Phương - Bác sĩ Sản Phụ Khoa - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Dính buồng tử cung không xảy ra tức thì mà diễn biến từ từ, nếu phát hiện muộn và không điều trị kịp thời, dính buồng tử cung ở mức độ nặng có thể đem lại nhiều tác hại khó lường như rối loạn kinh nguyệt, khó khăn trong việc thụ thai,... thậm chí có thể gây vô sinh.
1. Dính buồng tử cung có nguy hiểm không?
Dính buồng tử cung là tình trạng mặt trước và mặt sau của thành tử cung bị dính lại với nhau do lớp niêm mạc tử cung bị viêm nhiễm tổn thương nghiêm trọng không thể tái tạo kịp thời để phục hồi như ban đầu.
Hiện tượng dính buồng tử cung ở chị em phụ nữ là một biến chứng phổ biến thường gặp sau nạo hút thai, do chị em thực hiện nạo hút thai không an toàn dẫn đến bị sót nhau thai, sót thai hoặc sót nhau sau đẻ, sau sảy thai.
Ngoài ra, hiện tượng dính buồng tử cung còn có thể do việc thực hiện thủ thuật bóc tách u xơ tử cung, do nhiễm trùng như lạc nội mạc tử cung, viêm nhiễm vùng kín.
Khi bị dính buồng tử cung, lớp niêm mạc tử cung sẽ không thể phát triển và bong tróc bình thường, dẫn đến tình trạng rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt không đều rong kinh, bế kinh hoặc vô kinh. Kinh nguyệt không đều là dấu hiệu trứng rụng không đúng chu kỳ, gây khó khăn trong việc thụ thai, làm giảm khả năng có con của phụ nữ gây vô sinh, hiếm muộn.
Trường hợp bị dính buồng tử cung một phần thì tinh trùng có thể di chuyển vào để kết hợp được với trứng để thụ thai tạo thành hợp tử nhưng phôi thai sẽ khó có thể đi vào tử cung, gây mang thai ngoài tử cung hoặc gây sảy thai do lớp niêm mạc tử cung bị bào mòn, sinh non do tử cung mất đi sự đàn hồi tự nhiên, băng huyết sau sinh, thai nhi dị tật...
Nếu nữ giới bị dính buồng tử cung toàn phần thì tinh trùng sẽ không thể bơi vào bên trong để gặp trứng và không thụ tinh được.
Trước những biến chứng dính buồng tử cung thì nhiều người lo lắng không biết có nên mổ tách dính buồng tử cung không? Về vấn về này, các bác sĩ chuyên khoa cho rằng, nên mổ tách dính buồng tử cung bởi nếu để lâu không điều trị, nguy cơ dẫn đến vô sinh, khó chịu ở vùng tử cung là rất cao. Chi phí phẫu thuật dính buồng tử cung sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
2. Phẫu thuật soi buồng tử cung tách dính buồng tử cung
2.1. Chỉ định và chống chỉ định
- Phương pháp phẫu thuật soi buồng tử cung tách dính buồng tử cung chỉ định trong trường hợp dính buồng tử cung không hoàn toàn, có nhu cầu sinh đẻ hay có biến chứng.
- Chống chỉ định trong trường hợp dính buồng tử cung hoàn toàn.
2.2. Các bước tiến hành
- Bước 1: Chuẩn bị và vô trùng dụng cụ soi buồng tử cung chẩn đoán và phẫu thuật.
- Bước 2: Khám toàn thân và chuyên khoa đánh giá các bệnh lý phối hợp; tư vấn về nguy cơ, biến chứng, tai biến của phẫu thuật; chụp tử cung-vòi tử cung xác định tổn thương dính buồng tử cung cho người cần phẫu thuật.
- Bước 3: Hướng dẫn người bệnh nằm tư thế phụ khoa, sau đó tiêm giảm đau toàn thân cho người bệnh.
- Bước 4: Sát khuẩn vùng sinh dục; đặt thông tiểu và lưu ống thông; đặt van âm đạo hay mỏ vịt; cặp cổ tử cung bằng kẹp Pozzi.
- Bước 5: Thăm dò buồng tử cung bằng thước đo. Sau đó, đưa ống soi chẩn đoán vào buồng tử cung rồi làm căng buồng tử cung bằng một trong các dung dịch có trọng lượng phân tử cao: Hyskon hoặc dung dịch không có điện giải như: manitol, sorbitol, dextran
- Bước 6: Để dịch chảy vào buồng tử cung, cần để dịch ở vị trí cao hơn ổ bụng người bệnh từ 90-100 cm và cho tự chảy. Trong trường hợp, nếu là túi dịch, có thể quấn băng máy đo huyết áp và duy trì áp lực khoảng 80 mmHg; máy bơm hút tự động: áp lực bơm 40-60 mmHg.
- Bước 7: Tiếp tục tiến hành quan sát toàn bộ buồng tử cung để đánh giá tổn thương dính buồng tử cung.
- Bước 8: Sau khi quan sát toàn bộ tử cung, người thực hiện tiến hành nong cổ tử cung đến 10; đưa kính soi phẫu thuật vào buồng tử cung và sử dụng đầu cắt thẳng hay bóng lăn để cắt tổn thương dính (thực hiện cắt tổn thương khi quan sát rõ ràng) rồi cắt hết tổn thương dính.
- Bước 9: Soi lại buồng tử cung để kiểm tra bảo đảm không chảy máu và buồng tử cung toàn vẹn.
2.3. Theo dõi sau phẫu thuật
- Sau mổ tách dính buồng tử cung, cần theo dõi toàn thân, mạch, huyết áp, lượng máu chảy ra từ âm đạo khi kết thúc phẫu thuật khoảng vài giờ.
- Dùng vòng kinh nhân tạo ngay sau phẫu thuật.
- Sau vài tháng, yêu cầu bệnh nhân chụp lại buồng tử cung để đánh giá sự vẹn toàn của buồng tử cung.
3. Chăm sóc sau phẫu thuật và phòng ngừa dính buồng tử cung
Thai ngoài tử cung Sau phẫu thuật soi buồng tử cung tách dính buồng tử cung, người bệnh cần:
- Nghỉ ngơi nhiều, hạn chế làm việc nặng.
- Chế độ ăn giàu chất xơ, các loại hạt như hạnh nhân hay hạt điều..., sản phẩm từ sữa, trà xanh,... để giúp tử cung khỏe mạnh.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để giúp nhuận tràng, tránh táo bón.
- Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Để phòng ngừa dính buồng tử cung, cần phải:
- Hạn chế nạo phá thai, nếu bắt buộc phải nạo phá thai thì cần tìm đến địa chỉ y tế uy tín có bác sĩ chuyên môn, cơ sở vật chất tiên tiến.
- Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, quan hệ tình dục an toàn để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
- Thực hiện khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/ lần để tầm soát hiệu quả các bệnh phụ khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.