Bài viết bởi Bác sĩ Phạm Đức Lượng - Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City
Vết thương ngực hở là một loại chấn thương ngực gây thủng thành ngực, làm khoang màng phổi thông thương với không khí bên ngoài, có hoặc không có tổn thương các cơ quan trong lồng ngực.
1. Vết thương ngực hở là gì?
Tùy theo các thương tổn giải phẫu bên trong lồng ngực mà vết thương ngực hở có nhiều thể bệnh với các tên gọi và mức độ nặng - nhẹ khác nhau, như: vết thương ngực hở đơn thuần, vết thương tim, vết thương ngực - bụng, vết thương bụng - ngực, vết thương động mạch chủ ..., với đặc điểm chẩn đoán và điều trị khác nhau và mang tính chuyên khoa sâu.
Do gây rối loạn nặng nề sinh lí hô hấp và tuần hoàn, có thể dẫn đến tử vong, nên vết thương ngực hở là loại cấp cứu ngoại khoa được ưu tiên số 1 trong sơ cứu, chẩn đoán, vận chuyển và xử lí.
2. Nguyên nhân gây vết thương ngực hở?
Có hai nhóm nguyên nhân gây vết thương ngực hở:
- Vết thương ngực do hỏa khí: do đạn thẳng, mảnh vỡ của bom, mìn, mảnh pháo, tên lửa...
- Vết thương ngực không do hoả khí (vật sắc nhọn đâm): dao, kiếm, kéo, cành cây, mảnh gãy/vỡ của phương tiện giao trong trong tai nạn...
3. Cơ chế bệnh sinh của vết thương ngực hở?
Tim, phổi và các mạch máu chính xung quanh chúng nằm trong lồng ngực, được bảo vệ bởi xương ức, xương cột sống và khung xương sườn. Khung sườn cũng mở rộng đủ xa xuống để bảo vệ các cơ quan như gan và lá lách nằm ở tầng trên của bụng.
Nếu một vật sắc nhọn xuyên qua thành ngực, có thể có tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan ở ngực và phần trên bụng và điều này có thể dẫn đến sốc. Phổi đặc biệt dễ bị thương, do bị hư hại hoặc từ vết thương làm thủng màng hai lớp màng phổi (lá thành và lá tạng) bao quanh và bảo vệ mỗi lá phổi. Sau đó không khí có thể vào giữa hai màng và tạo áp lực lên phổi và phổi có thể xẹp xuống — một tình trạng gọi là tràn khí màng phổi.
Áp lực xung quanh phổi bị ảnh hưởng có thể ảnh hưởng ngày càng tăng đến phổi không bị thương và nạn nhân ngày càng trở nên khó thở. Trong tràn khí màng phổi áp lực, sự tích tụ áp lực này có thể khiến tim không được nạp đầy máu đúng cách, làm suy giảm tuần hoàn và gây sốc. Đôi khi, máu tích tụ trong khoang màng phổi (tràn máu màng phổi) và gây áp lực lên phổi.
Trong vết thương ngực hở, khi có các thương tổn sinh lý - giải phẫu như thủng thành ngực, tràn máu – tràn khí màng phổi, thì sẽ dẫn đến suy hô hấp do các rối loạn sinh lí hô hấp, mà điển hình là “hô hấp đảo ngược” và “trung thất lắc lư”
Hô hấp bình thường | Phổi bị thu gọn (bên phải) |
Ở thì hít vào: thành ngực nở ra, cơ hoành hạ xuống, sẽ kéo phổi nở ra theo, dẫn đến giảm áp suất phế nang, và không khí tự đi vào phổi. Ở thì thở ra: thành ngực xẹp xuống, cơ hoành nâng lên, sẽ ép xẹp nhu mô phổi, làm tăng áp suất phế nang và không khí tự đi ra ngoài qua đường hô hấp. |
Không khí từ phổi phải và/hoặc từ môi trường đi vào khoang màng phổi xung quanh phổi; máu tích tụ trong khoang màng phổi gây thay đổi cân bằng áp suất. Phổi co lại khỏi thành ngực. |
4. Dấu hiệu nhận biết vết thương ngực hở?
Khó thở và đau ngực: có tính chất liên tục và tăng dần, mức độ rất nặng nếu vết thương ngực còn đang hở.
Nạn nhân có cảm giác khó chịu rõ rệt: vật vã, kích thích, lo lắng...
Có các dấu hiệu của tình trạng thiếu oxy, bao gồm tím môi, màu da xanh xám (xanh tím)
Cũng có thể tìm thấy các dấu hiệu khác:
- Ho ra bọt máu đỏ.
- Cảm giác có tiếng "lép bép" khi ấn vào vùng da xung quanh vị trí của vết thương do tràn khí dưới da.
- Sùi bọt máu qua vết thương theo nhịp thở của bệnh nhân.
- Tiếng “phì phò”: Âm thanh của không khí bị hút vào ngực khi nạn nhân hít vào và xì ra từ vết thương khi bệnh nhân thở ra.
- Tĩnh mạch ở cổ nổi.
Xác định tác nhân gây thương tích: ví dụ do dao - kéo đâm, bị chém, vật nhọn chọc vào trong tai nạn.
5. Cần làm gì để sơ cứu nạn nhân có vết thương ngực hở?
Đau, chảy máu và có khả năng gây chết người nên nạn nhân có vết thương ngực hở cần được sơ cứu ngay lập tức để giảm bớt chảy máu, đau và ổn định nạn nhân cho đến khi được đội cấp cứu chuyên nghiệp tiếp cận. Xử lý vết thương ngực hở cần có hành động nhanh chóng, chính xác.
Mục đích của sơ cứu vết thương ngực hở nhằm băng vết thương và duy trì hô hấp, làm giảm thiểu sốc và sắp xếp việc di chuyển khẩn cấp tới bệnh viện.
5.1 Kiểm tra sự an toàn của môi trường
Nạn nhân có vết thương ngực hở có thể gặp trong một vụ tai nạn giao thông, đâm/chém, ám sát, bom nổ... Vì vậy, trước khi tiếp cận hiện trường, phải đánh giá sự an toàn của môi trường. Tránh biến mình thành nạn nhân tiềm năng bằng cách can thiệp hoặc đến gần những kẻ tấn công, hiện trường mà có nguy cơ còn bom nổ hoặc tai nạn liên tiếp có nguy cơ xảy ra. Chỉ tiếp cận nạn nhân khi bạn đã xác định rằng bạn làm như vậy là an toàn. Mặc dù việc chờ đợi làm mất thời gian quý báu để sơ cứu cho nạn nhân, nhưng việc có thêm người bị thương không có lợi cho việc giải cứu bất kỳ ai.
5.2 Gọi để được trợ giúp khẩn cấp ngay lập tức
Nếu bạn là người duy nhất xung quanh, hãy sử dụng điện thoại của bạn để gọi cho sự trợ giúp như là một ưu tiên hàng đầu. Nếu bạn không có điện thoại bên mình, hãy cố gắng tìm một người qua đường hoặc một cửa hàng gần đó. Bạn muốn giúp nạn nhân càng nhanh càng tốt, nhưng điều hữu ích nhất bạn có thể làm là tìm sự trợ giúp y tế chuyên nghiệp cho nạn nhân càng sớm càng tốt.
Nếu môi trường không an toàn và bạn không thể tiếp cận nạn nhân một cách an toàn, hãy sử dụng thời gian đó để gọi dịch vụ cấp cứu.
5.3 Đặt nạn nhân nằm xuống
Trước khi bạn làm bất cứ điều gì khác để xử lý vết đâm, hãy bảo người đó nằm xuống đất. Điều này sẽ giúp ổn định nạn nhân dễ dàng hơn, đặc biệt nếu họ bắt đầu choáng váng hoặc bất tỉnh.
Để tạo sự thoải mái, hãy đặt áo khoác hoặc ba lô dưới đầu nạn nhân. Ngoài ra, nếu có những người khác xung quanh, hãy yêu cầu một trong số họ ngồi tựa đầu vào lòng người đó và nói chuyện với họ. Điều này sẽ xoa dịu nạn nhân và giúp anh ta giữ bình tĩnh.
6. Khám nạn nhân và xác định mức độ thương tích
6.1 Kiểm tra đường thở, hơi thở và tuần hoàn của nạn nhân.
- Đảm bảo rằng đường thở của nạn nhân không bị tắc nghẽn.
- Nghe tiếng thở và quan sát sự di động lồng ngực của nạn nhân.
- Kiểm tra mạch của nạn nhân để đảm bảo tim vẫn đập.
- Nếu nạn nhân đã ngừng thở, hãy thực hiện hô hấp nhân tạo.
- Nếu người đó còn tỉnh, hãy bắt đầu làm việc nhưng cũng nói chuyện với họ để giúp họ bình tĩnh và giúp làm chậm nhịp tim. Nếu có thể, hãy cố gắng tránh để mắt nhìn thấy vết thương.
6.2 Bộc lộ vùng tổn thương
Bạn có thể sẽ phải cắt/xé bỏ quần áo của nạn nhân để xác định đúng (các) vết thương. Cố gắng tìm kiếm và xác định tất cả các vết thương trước khi bắt đầu điều trị. Các tổn thương đôi khi bị che khuất bởi cả quần áo, máu hoặc các chất dịch khác và thậm chí cả bùn đất, tùy thuộc vào nơi nạn nhân được tìm thấy. Cần chú ý làm việc này nhẹ nhàng, cẩn thận tránh làm đau thêm cho nạn nhân.
Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy một vết thương rõ ràng là nghiêm trọng cần được điều trị khẩn cấp, bạn nên xử lý ngay lập tức. Vết thương nặng có thể là vết thương chảy máu liên tục và đầm đìa hoặc vết thương phun ra máu như mạch nước phun. Máu phun ra thường là dấu hiệu cho thấy vết thương đã chạm vào động mạch.
6.3 Băng vết thương ngực hở
Che vết thương và vùng xung quanh bằng vật liệu sạch, không thoát khí như giấy bạc nhà bếp, túi nhựa hoặc màng dính. Chỉ băng/dán ba cạnh vật che vết thương và để lại một cạnh để không khí từ trong màng phổi có thể thoát ra từ một bên của băng và ngăn không khí từ môi trường xâm nhập vào khoang màng phổi. Nếu không khí tràn vào khoang màng phổi, phổi có thể xẹp xuống.
Chú ý: Tuyệt đối không lấy vật đâm ra khỏi vết thương.
Để lại vật đâm trong vết thương nếu nó vẫn còn đó và rất cẩn thận không di chuyển nó vì có thể gây tổn thương thêm. Lúc này, vật đâm đóng vai trò thực sự trong việc ngăn chảy máu. Việc kéo nó ra sẽ làm tăng mất máu, trong khi đẩy nó vào có thể gây thêm thương tích cho các cơ quan nội tạng. Bạn cần băng ép vết thương xung quanh và cố định vật đâm tốt nhất có thể.
7. Theo dõi nạn nhân
Trong khi chờ đội cấp cứu đến, hãy tiếp tục theo dõi đường thở, sự hô hấp và tuần hoàn của nạn nhân. Tìm kiếm và điều trị các triệu chứng sốc. Các triệu chứng của sốc bao gồm da lạnh, xanh xao, mạch nhanh hoặc thở nhanh, buồn nôn hoặc nôn, chóng mặt hoặc ngất xỉu, và tăng lo lắng hoặc kích động.
Nếu bạn nghi ngờ nạn nhân có thể bị sốc, hãy nới lỏng quần áo chật và ủ ấm cho nạn nhân. Cố gắng để nạn nhân nằm yên. Nếu có thể hãy nâng cao hai chân nạn nhân lê cao để máu lưu thông về tim dễ hơn.
Nếu nạn nhân có thay đổi ý thức, bạn cần nhanh chóng hành động. Đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn. Không đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng chấn thương tủy sống và cột sống cổ kèm theo. Theo dõi nhịp thở của người đó.
Nếu nạn nhân bất tỉnh, ngừng thở, đặt nạn nhân nằm ngửa và thực hiện hồi sức tim phổi.
Theo dõi và ghi lại dấu hiệu quan trọng của nạn nhân — mức độ ý thức, nhịp thở và mạch/nhịp tim—cho đến khi trợ giúp khẩn cấp đến
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo:
- Gina M. Piazza et all: Penetrating chest wound, First aid manual: the step by step guide for everyone, Fifth edition first published in the United States in 2014 by DK Publishing, 4th floor, 345 Hudson Street, New York, NY 10014.
- Julie M Winkle, Eric Legome: Initial evaluation and management of penetrating thoracic trauma in adults, up to date, last updated: May 05, 2020. https://www.uptodate.com/contents/initial-evaluation-and-management-of-penetrating-thoracic-trauma-in-adults?search=prehospital%20management%20of%20the%20penetrating%20chest%20wound&source=search_result&selectedTitle=3~150&usage_type=default&display_rank=3