Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thành - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Với năng lực chuyên môn cao của các bác sĩ cùng sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ, các bà mẹ vẫn có cơ hội sinh thường ngay cả khi đã từng sinh mổ.
1. Sinh thường sau sinh mổ là gì?
Sau lần sinh mổ, phụ nữ có hai lựa chọn cho lần sinh tiếp theo:
- Tiếp tục sinh mổ
- Sinh thường qua đường âm đạo, được gọi là sinh thường sau sinh mổ (VBAC).
2. Nghiệm pháp thử chuyển dạ sau sinh mổ là gì?
Nghiệm pháp nhằm mục đích đánh giá khả năng sinh thường sau sinh mổ. Nếu nghiệm pháp thành công, sản phụ có thể sinh thường, và ngược lại, nếu không thành công, sản phụ buộc phải sinh mổ thêm một lần nữa.
3. Một vài lợi ích của sinh thường sau sinh mổ (VBAC)
Một số lợi ích của sinh thường sau sinh mổ gồm có:
- Tránh sinh mổ
- Thời gian hồi phục ngắn hơn
- Giảm nguy cơ nhiễm trùng
- Mất máu ít hơn
VBAC đáp ứng nhu cầu muốn sinh con qua ngả âm đạo của nhiều phụ nữ. Sinh thường sau lần sinh mổ có thể giúp tránh một số vấn đề sức khỏe do sinh mổ nhiều lần gây ra, như tổn thương ruột hoặc bàng quang, phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung, hay vấn đề về nhau thai trong những lần mang bầu tiếp theo.
4. Những nguy cơ có thể xảy ra của sinh thường sau sinh mổ (VBAC)
Nhiễm trùng, mất máu và các biến chứng khác là một vài nguy cơ. Vỡ sẹo mổ tử cung cũ là một nguy cơ nghiêm trọng nhưng hiếm gặp. Dù ít khi xảy ra, nhưng vỡ tử cung là nguy cơ nghiêm trọng và có thể gây hại cho cả mẹ lẫn bé. Bà bầu có nguy cơ vỡ tử cung cao không được chỉ định Sinh thường sau sinh mổ.
5. Tầm quan trọng của vết mổ tử cung cũ
Sinh mổ sẽ để lại sẹo trên da cũng như trong tử cung, trong đó, ở một số trường hợp, sẹo mổ cũ có thể dẫn tới vỡ tử cung. Vết sẹo phụ thuộc vào đường rạch trong tử cung:
- Rạch ngang: Bác sĩ rạch một đường ngang qua phần thấp và mỏng nhất của tử cung. Đây là đường rạch phổ biến nhất và trong tương lai ít có nguy cơ vỡ tử cung nhất.
- Rạch dọc ở vị trí thấp: Bác sĩ rạch một đường từ trên xuống trong vùng thấp và mỏng nhất của tử cung. Loại vết rạch này mang nguy cơ vỡ tử cung cao hơn so với vết rạch ngang.
- Rạch dọc ở vị trí cao (mổ đẻ truyền thống): Bác sĩ rạch một đường từ trên xuống, ở phía trên của tử cung. Phương pháp rạch này tiềm ẩn nguy cơ vỡ tử cung sau này cao nhất. Sản phụ buộc phải rạch dọc trong một số trường hợp như sinh rất non.
6. Nhận biết loại vết rạch mổ cũ bằng cách nào?
Thai phụ nên lưu giữ lại các giấy tờ y tế, để có thể cung cấp đầy đủ thông tin về phương thức sinh cũng như các thông tin về phương pháp mổ trong lần sinh trước. Bởi chỉ khám sẹo mổ trên da không đủ để bác sĩ đánh giá vết rạch mổ đẻ cũ.
7. Bệnh viện nào triển khai sinh thường sau sinh mổ?
Không phải bệnh viện nào cũng triển khai sinh thường sau sinh mổ, bởi với phương pháp này, các bác sĩ cần dày dặn kinh nghiệm để ứng phó được với tất cả các tình huống có thể xảy ra trong quá trình sinh nở. Các bà mẹ tương lai nên tham khảo kỹ trước khi lựa chọn cho mình một bệnh viện uy tín.
8. Có thể phát sinh vấn đề làm thay đổi kế hoạch không?
Các bà mẹ tương lai đã lập kế hoạch sinh thường sau sinh mổ nên lưu ý, có thể phát sinh những thay đổi so với kế hoạch, ví dụ có thể sẽ phải đẻ chỉ huy. Đẻ chỉ huy là phương pháp kích thích các cơn co tử cung nhằm gây chuyển dạ. Tuy nhiên, phương pháp này có thể khiến VBAC thất bại, hay làm tăng nguy cơ biến chứng trong chuyển dạ. Nếu có thay đổi phát sinh, có khả năng sản phụ sẽ phải cân nhắc chuyển sinh mổ.
Ngược lại, nếu thai phụ đã lập kế hoạch sinh mổ sau lần sinh mổ trước, nhưng đã chuyển dạ trước ngày sinh dự kiến, đồng thời đã mang bầu đủ tháng và em bé khỏe mạnh, có thể sinh thường sẽ là phương án tốt nhất cho mẹ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Acog.org