Sinh thiết hạch cổ: Khi nào cần làm?

Nổi hạch vùng cổ có thể do rất nhiều nguyên nhân gây nên trong đó có nguyên nhân do ung thư di căn. Vì vậy trong một số trường hợp phát hiện hạch vùng cổ nhưng chẩn đoán chưa rõ ràng việc chọc sinh thiết hạch cổ làm mô bệnh để làm sáng tỏ chẩn đoán.

1. Cơ chế bảo vệ của hạch

Cơ thể có khoảng 600 hạch phân bố khắp nơi. Hạch có vai trò quan trọng tham gia vào hệ thống miễn dịch do hạch sinh ra các tế bào lympho có chức năng phát hiện và tiêu diệt các tác nhân gây bệnh cho cơ thể.

Cơ chế bảo vệ của hạch: Khi có nhiễm trùng hoặc ung thư, hạch sẽ phải sản xuất một lượng lớn tế bào lympho hơn bình thường để thực hiện chức năng bảo vệ cơ thể của hạch, vì vậy hạch sẽ to ra. Bình thường có thể sờ thấy hạch ở dưới hàm, hạch nách, hạch bẹn.


Hệ thống hạch trên cơ thể
Hệ thống hạch trên cơ thể

2. Nguyên nhân gây ra hạch ở cổ

Nguyên nhân của hạch cổ to thông thường do nhiễm trùng, lao và ung thư. Bao gồm bệnh lý của da, mô mềm vùng đầu cổ, khoang miệng, hầu họng, thanh quản và tai.

2.1 Hạch to do nhiễm trùng

Tìm thấy ổ nhiễm trùng qua khám tai mũi họng, nhọt ngoài da, vết loét trong khoang miệng và lưỡi, viêm họng, viêm hoặc áp xe nướu răng. Đặc điểm của hạch: đường kính của hạch thường nhỏ. Khi sờ nắn hạch di động tốt không dính chặt với mô xung quanh, có bờ giới hạn rõ, và mật độ mềm vừa phải không quá cứng. Hạch sẽ tự mất đi hoặc sau khi bệnh nhân được điều trị với kháng sinh kháng viêm.

2.2 Hạch cổ to do lao

Đặc điểm hạch do lao: hạch thường có tính chất không đau, hạch nhỏ, kích thước không đều nhau xuất hiện dần, không đau, xếp thành chuỗi. Kèm theo có khi sốt về chiều, gầy sút cân,... Có những tổn thương lao ở nơi khác như phổi, màng phổi, màng bụng.

2.3 Ung thư hạch

Hạch to, mật độ rắn, di động kém, hạch có thể riêng lẻ nhưng cũng có khi dính vào nhau thành từng đám. Có thể có những triệu chứng đi kèm theo như phù, đau chung quanh chỗ hạch to do thần kinh, mạch máu bị chèn ép. Chẩn đoán quyết định bằng sinh thiết hạch thấy tế bào ung thư.


Ung thư hạch cổ
Ung thư hạch cổ

2.4 Ung thư di căn

Ung thư di căn như ung thư vú ,ung thư vòm họng, ung thư tử cung, dương vật di căn hạch bẹn, ung thư dạ dày di căn hạch cổ...chẩn đoán bằng sinh thiết hạch thấy có tế bào ung thư di căn.

2.5 Nổi hạch ở cổ trong bệnh hoa liễu

Hạch trong bệnh giang mai: Trong giai đoạn đầu của bệnh hạch nổi to gần chỗ xâm nhập của xoắn trùng (bẹn). Thường có 4 -5 hạch nhỏ. Hơi rắn, di động dễ, không đau. Sang giai đoạn II, hạch có thể gặp ở tất cả mọi nơi trong cơ thể và to hơn.

2.6 Bệnh bạch cầu cấp

Hạch to, mềm, di động, xuất hiện hầu hết ở các vùng có hạch (cổ, nách, hố thượng đòn, bẹn). Dấu hiệu nổi bật là hội chứng thiếu máu phát triển nhanh, hội chứng chảy máu dưới da, sốt rất cao, lách to nhanh. Có tổn thương loét niêm mạc miệng và họng.

2.7 Bệnh bạch cầu mạn thể lympho

Hạch nhiều, nhỏ, phát triển nhanh. Lách chỉ hơi to, làm huyết đồ và tủy đồ, hồng cầu và tiểu cầu giảm, dòng lympho tăng nhiều.

2.8 Hạch Hodgkin

Thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ, hạch to ở hố thượng đòn trái, rồi lan lên cổ. Đặc điểm của hạch là chắc, không đau, không dính vào da, không dính vào nhau, không hóa mủ. Thường kèm triệu chứng sốt từng đợt, mỗi lần sốt thì hạch to thêm hoặc xuất hiện một hạch khác.


Tế bào hạch Hodgkin
Tế bào hạch Hodgkin

3. Chỉ định xét nghiệm sinh thiết hạch

Sinh thiết hạch là lấy toàn bộ một hoặc nhiều hạch bạch huyết và làm xét nghiệm mô bệnh học. Xét nghiệm giải phẫu bệnh hạch bạch huyết cho các bác sĩ thấy được cấu trúc hạch, hình thái và phân bố tế bào trong hạch.

Sinh thiết hạch cổ được chỉ định trong các trường hợp:

  • Nghi ngờ bệnh ung thư hạch
  • Nghi ngờ ung thư di căn hạch
  • Lao hạch
  • Hạch vùng cổ không rõ nguyên nhân

Hình ảnh hạch vùng cổ
Hình ảnh hạch vùng cổ

4. Sinh thiết hạch có nguy hiểm không?

Dù thủ thuật tương đối an toàn nhưng vẫn có tai biến, biến chứng:

  • Chảy máu, tụ máu tại chỗ sinh thiết: Chảy máu có thể xảy ra khi bóc tách các hạch nằm gần hay dính vào mạch máu, cần cẩn thận khi thực hiện.
  • Nhiễm trùng: Nếu bạn có nhiễm trùng biểu hiện là sưng nó đỏ đau nặng hơn bạn nên đến bệnh viện để khám và được điều trị sớm.
  • Tổn thương dây thần kinh: Cần cẩn thận khi thực hiện bóc tách các hạch, tránh các dây thần kinh.

Sinh thiết là một kỹ thuật khá phức tạp, do đó, bác sĩ sẽ chỉ làm sinh thiết sau khi đã thực hiện những kỹ thuật chẩn đoán dễ hơn (chụp X.quang, siêu âm, xét nghiệm) mà vẫn chưa khẳng định chắc chắn bệnh tật. Theo các chuyên gia thì xem mô hoặc tế bào dưới kính hiển vi bao giờ cũng cho những kết quả chẩn đoán chính xác nhất và rất hiệu quả khi xác định bản chất của một khối u: U lành hay u ác tính. Khi đã xác định là u ác tính, bác sĩ có thể sẽ chỉ định làm thêm các xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh, hoặc sinh thiết các mô lân cận để tìm vị trí ung thư nguyên phát, từ đó có liệu pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân. Vì là kỹ thuật khó nên để đảm bảo an toàn và có được kết quả chính xác nhất thì tốt nhất bạn nên lựa chọn các cơ sở y tế lớn, uy tín để thực hiện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe