Sinh lý bệnh Glocom: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh Glôcôm là tình trạng bệnh lý do một số cơ chế gây ra tăng áp lực trong mắt. Nếu không được điều trị đúng cách thì khi nhãn áp tăng sẽ gây ra những tổn thương cho các dây thần kinh thị giác. Tổn thương do Glôcôm bệnh học ảnh hưởng xấu đến dây thần kinh thị giác là không thể phục hồi.

1. Sinh lý bệnh Glocom

1.1. Cơ học

Tăng nhãn áp là yếu tố được xem như nguyên nhân gây khởi phát của một chuỗi các biến đổi bệnh lý ở mức độ tế bào của thị thần kinh. Thị thần kinh bao gồm những sợi trục bắt đầu từ vị trí các tế bào hạch VM (hạch chưa myelin hóa) rồi ra khỏi nhãn cầu (đã myelin hóa) qua lá sàng củng mạc, một cấu trúc dạng collagen.

  • Áp lực lên tế bào hạch chưa myelin hóa

Nhãn áp tăng tác động trực tiếp lên tế bào hạch chưa myelin hóa trong đó có hoạt động dẫn truyền hướng tâm của sợi trục từ đó làm chết tế bào hạch do thiếu các yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não. Giảm tưới máu đầu thị thần kinh kéo dài gây thiếu máu mô dẫn tới sự tích lũy các gốc oxy phản ứng ở võng mạc, hậu quả là những tế bào hạch bị tổn thương và thiếu dinh dưỡng.

Trong bệnh Glôcôm, tình trạng tăng nhãn áp là nguyên nhân dẫn tới đáp ứng hoạt hóa các tế bào thần kinh đệm ở đầu thị thần kinh (tế bào tiểu thần kinh đệm, tế bào hình sao). Các tế bào hình sao được hoạt hóa tổng hợp những phân tử gây thoái hóa và tái cấu trúc tổ chức ngoại bào đồng thời gây tác động cơ học và sinh học lên đầu thị thần kinh và tế bào hạch VM.


Tăng nhãn áp ảnh hưởng đến thần kinh thị giác
Tăng nhãn áp ảnh hưởng đến thần kinh thị giác

1.2. Miễn dịch

Về miễn dịch, có giả thiết cho rằng sự chèn ép bào tương sợi trục ở lá sàng củng mạc có thể ngăn cản quá trình dẫn truyền tín hiệu từ sợi trục về thân tế bào hạch dẫn đến hiện tượng chết theo chương trình. Hiện tượng này bao gồm sự hoạt hóa các enzym tiêu hóa ADN trong nhân và sự thực bào các thành phần khung cấu trúc tế bào bởi các tế bào bên cạnh.

Khi có các kích thích do tình trạng Glôcôm bệnh học gây ra, sự tương tác giữa các tín hiệu khởi phát chết theo chương trình và các yếu tố dinh dưỡng thần kinh là những yếu tố sẽ quyết định sự tồn tại của tế bào hạch VM.

1.3. Mạch máu

Nhiều nghiên cứu đã đề cập tới mối liên quan giữa tiến triển của bệnh Glôcôm tới migraine và các bệnh lý mạch máu khác như tăng huyết áp, đái tháo đường. Bằng các kỹ thuật khảo sát dòng chảy như Pulsatile Ocular Blood Flowmeter, Scanning Laser Doppler Flowmetry, Color Doppler Imaging, các tác giả đã phát hiện tình trạng giảm tưới máu tới nhiều vị trí khác nhau của nhãn cầu bao gồm đầu thị thần kinh, hắc mạc, võng mạc và hệ mạch hậu nhãn cầu trên những ca bệnh bệnh Glôcôm. Ngoài ra các nghiên cứu cũng chỉ ra sự rối loạn trong khả năng tự điều chỉnh dòng máu (theo các cơ chế chuyển hóa, hormon, thần kinh) khi có tình trạng giảm tưới máu khu vực đầu thị thần kinh.


Bệnh glocom có liên quan đến migraine
Bệnh glocom có liên quan đến migraine

2. Cơ chế bệnh sinh Glocom bệnh học

2.1 Cơ chế bệnh sinh trong bệnh Glôcôm góc đóng nguyên phát

Trên những mắt có cấu trúc thể thủy tinh to hơn so với bình thường, hoặc vị trí thể thủy tinh nhô ra trước hơn người bình thường, khi đó mặt trước của thể thuỷ tinh sẽ áp sát vào mặt sau mống mắt gây nên tình trạng nghẽn đồng tử. Thủy dịch không thoát ra tiền phòng, sẽ bị ứ lại ở hậu phòng và áp lực hậu phòng tăng lên, chân mống mắt bị đẩy ra trước áp vào vùng bè củng giác mạc gây triệu chứng đóng góc. Thủy dịch bị ứ lại trong nhãn cầu là nguyên nhân gây ra tình trạng tăng nhãn áp.

Nghẽn trước vùng bè củng - giác mạc (theo cơ chế đóng góc)

Ở những mắt có cấu trúc giác mạc nhỏ, tiền phòng nông, góc tiền phòng hẹp, khi đồng tử giãn chân mống mắt dày lên dính vào mặt sau giác mạc nên góc tiền phòng bị đóng lại. Thuỷ dịch không thoát qua vùng bè vào hệ thống tĩnh mạch là nguyên nhân tình trạng thủy dịch bị ứ lại trong nhãn cầu gây tăng nhãn áp.

Bệnh Glôcôm góc đóng có thể xảy ra mà không có hiện tượng nghẽn đồng tử. Trong một số trường hợp, bề mặt mống mắt bằng phẳng, tiền phòng ở trung tâm có vẻ sâu hơn so với với bình thường. Hiện tượng này có nguyên nhân là do dị dạng của mống mắt, không có nghẽn đồng tử. Sau khi đồng tử dãn vùng chu vi mống mắt dồn lên và bít vào vùng bè gây ra bệnh lý Glôcôm đóng góc.


Bệnh glocom cần được điều trị sớm
Bệnh glocom cần được điều trị sớm

2.2. Cơ chế bệnh sinh trong bệnh Glôcôm góc mở nguyên phát

Cơ chế bệnh sinh của bệnh Glôcôm góc mở nguyên phát còn chưa được biết rõ. Bệnh Glôcôm thường tương ứng với tổn thương thị thần kinh gây ra bởi sự rối loạn tuần hoàn cung cấp máu cho đĩa thị và tình trạng tăng nhãn áp do rối loạn quá trình lưu thông thủy tinh dịch ở vùng bè.

Glôcôm là căn bệnh khá nguy hiểm và gây ra mù lòa. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tránh được nguy cơ này nếu như phát hiện được bệnh từ sớm. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang cung cấp Gói Glôcôm sẽ thực hiện các thăm khám toàn diện và chỉ định phẫu thuật (nếu có) cho khách hàng có triệu chứng của Glôcôm.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng có kinh nghiệm 13 năm là bác sĩ điều trị bệnh về mắt tại Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng. Hiện là Bác sĩ Mắt tại Phòng khám Liên Chuyên khoa Khoa Khám bệnh - Nội khoa Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để biết thêm thông tin chi tiết về gói Glôcôm bạn vui lòng liên hệ qua số điện thoại: 02033 828 188 hoặc đặt lịch khám TẠI ĐÂY

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe