Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Mỗi lần sinh có trải nghiệm rất khác. Theo thống kê, sinh con rạ sẽ có một số đặc điểm sinh lý và tâm lý khác hơn so với sinh con so. Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá các điểm khác biệt mà các mẹ hay thắc mắc con so khác gì với con rạ?
1. Phát hiện mang thai sớm hơn so với sinh con so?
Thông thường, các mẹ phát hiện mình đã mang thai sớm hơn ở lần sinh con rạ, vì hầu hết những triệu chứng mang thai tương tự với lần sinh so giúp các mẹ nhận biết sớm hơn.
2. Vòng bụng của mẹ lớn hơn và bụng bầu thấp hơn?
Các mẹ bầu lần hai thường có vòng bụng to hơn so với một tháng so với lần sinh con so vì ở lần sinh trước tử cung không trở về được như lúc ban đầu nên kích thước bụng sẽ phát triển nhanh hơn. Ngoài ra, tử cung của bạn không còn săn chắc như trước nên bụng bầu cũng thấp hơn. Các mẹ bầu nên tránh mang vác đồ nặng, nên đi lại nhẹ nhàng, thư giãn, tư thế ngủ nên nằm nghiêng qua bên trái.
3. Mẹ bầu có thể nhận thấy thai máy sớm hơn?
Với lần mang thai sinh con so, các mẹ thường thấy trẻ đạp vào khoảng tháng thứ 5 trong khi đó vào tháng thứ 4 (từ tuần 16 -18) ở lần mang thai hai bạn đã nhận thấy con mình bắt đầu đạp. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào sức khỏe và cảm nhận của mẹ cũng như sức khỏe của thai nhi.
Xem ngay: Dấu hiệu chuyển dạ sinh con so
4. Mẹ bầu tăng cân nhanh hơn ở lần sinh con rạ?
Điều này thường đúng với bà mẹ sinh con rạ và con so cách nhau không lâu, khi đó cơ thể chưa tiêu tan được lượng mỡ thừa từ lần mang thai trước lại tiếp tục tích lũy mỡ ở lần mang thai thứ hai. Tuy nhiên, sự tăng cân nhanh và sớm hơn của mẹ bầu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như: sự thay đổi hormone và chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai.
5. Sinh con rạ có chuyển dạ nhanh hơn?
Đúng vậy, quá trình chuyển dạ có thể diễn ra nhanh hơn ở lần sinh thứ hai. Thông thường, mẹ sinh con so thường có thời gian chuyển dạ trung bình từ 16 – 24 giờ; trong khi đó, sinh con rạ thì thời gian thường trong khoảng 8 – 12 giờ. Điều đặc biệt là giai đoạn đầu (chuyển dạ tiềm ẩn) sẽ nhanh hơn và cơn co thắt sẽ nhanh và mạnh hơn. Ngoài ra, thời gian chuyển dạ chủ động (rặn đẻ) cũng ngắn hơn do cơ và âm đạo đã giãn ra từ lần sinh con so (trừ sinh mổ).
6. Sinh con rạ có đỡ đau hơn không?
Mặc dù cảm giác đau của các cơn co thắt có thể giống nhau, nhưng hầu hết các mẹ chia sẻ sinh con rạ thường ít đau hơn. Nguyên nhân là do các mẹ đã có kinh nghiệm cũng như do thời gian chuyển dạ cũng ngắn hên nên sẽ đỡ mệt mỏi hơn trong quá trình sinh. Tuy nhiên, nếu sinh mổ ở lần sinh đầu thì có thể sẽ khác.
7. Con so thường sinh sớm hơn con rạ?
Có khá nhiều bà mẹ thắc mắc trẻ sinh đủ tháng là bao nhiêu tuần vì cho rằng sinh con so thường sinh sớm hơn ngày dự sinh và lo lắng trẻ sinh thiếu tháng. Trẻ được xem đủ tháng là khi sinh từ tuần 38 đến 40. Trên thực tế, có nhiều mẹ bầu sinh ở tuần thứ 36, trường hợp này được gọi là sinh non và có cả trường hợp sinh con muộn ở tuần 42. Theo thống kê, thời điểm sinh con so thường sớm hơn ngày dự sinh từ khoảng 7 đến 10 ngày so với sinh con rạ. Vì thế, khi đến gần ngày dự sinh, mẹ nên nhận biết kịp thời các dấu hiệu chuyển dạ sinh con để đến bệnh viện kịp thời.
8. Sữa non tiết ra sớm hơn khi mang thai con rạ?
Nếu như ở lần sinh con so, sữa non chỉ xuất hiện ở những tuần cuối của thai kỳ hoặc thậm chí sau sinh con. Khi mang thai con thứ hai, một số mẹ bầu sẽ thấy sữa non tiết ra sớm hơn, có thể từ tuần thứ 27. Điều này cho thấy tuyến sữa của mẹ đã sẵn sàng và đây là một dấu hiệu bình thường nên các bà mẹ không cần lo lắng.
Tóm lại, việc sinh con so và con rạ có một số đặc điểm khác nhau, mẹ cần chú ý và phân biệt để nhận biết các dấu hiệu chuyển dạ và đến bệnh viện kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.