Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hồng Liên - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Siêu âm là một xét nghiệm có ý nghĩa quan trọng trong thai kỳ. Nó giúp xác định tình trạng sức khỏe thai nhi, phát hiện các bất thường và tầm soát các dị tật bẩm sinh nếu có.
1. Siêu âm trước sinh là gì?
Siêu âm trước sinh sử dụng sóng âm thanh tần số cao mà tai người không nghe thấy được, truyền qua lớp da thông qua đầu dò để quan sát bào thai ở trong bụng.
Với siêu âm trước khi sinh, tiếng vang được ghi lại, nhờ phân tích của máy siêu âm chuyển thành hình ảnh, video của em bé. Siêu âm có khả năng quan sát hình ảnh thai nhi,cử động thai túi ối, nhau thai, buồng trứng, một số tình trạng bất thường về giải phẫu và dị tật bẩm sinh.
Đa số các trường hợp siêu âm trước sinh được chỉ định siêu âm trên bề mặt da bụng, sử dụng gel làm môi trường dẫn điện để hình ảnh được quan sát tốt hơn. Ngoài ra, một số trường hợp khác được chỉ định siêu âm qua ngã âm đạo.
Loại siêu âm này được thực hiện bằng cách đưa đầu dò vào âm đạo của thai phụ với mục đích đánh giá các bất thường ở cổ tử cung, tử cung, buồng trứng và xác định tình trạng em bé , tuổi thai nhờ hình ảnh sắc nét hơn so với siêu âm thường.
2. Siêu âm trước sinh có an toàn không?
Hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy siêu âm trước sinh được thực hiện đúng kỹ thuật có thể gây hại cho bà mẹ và thai nhi. Kỹ thuật siêu âm đúng là kỹ thuật được thực hiện bởi các bác sĩ siêu âm và không sử dụng các loại tia bức xạ.
3. Siêu âm trước sinh được chỉ định trong trường hợp nào?
Siêu âm thai nhi thường được chỉ định trên đối tượng là phụ nữ mang thai khoảng 20 tuần nhằm mục đích xác định xem em bé có phát triển đúng cách trong tử cung hay không. Siêu âm có thể giúp quan sát các chuyển động cơ thể, cánh tay, chân và nhịp tim của em bé.
Giới tính của thai nhi có thể xác định sau 20 tuần mang thai. Tuy nhiên, siêu âm không phải luôn đưa ra kết quả chính xác về giới tính của bé, khả năng các hình ảnh siêu âm bị đọc sai giới tính vẫn có thể xảy ra.
Siêu âm thai nhi có thể được thực hiện sớm hơn trong thai kỳ để xác định:
- Các trường hợp nghi ngờ mang thai đôi, thai ba
- Thai quá tuần tuổi hoặc xác định tuổi thai
Siêu âm thai nhi ở những tuần sau nữa được sử dụng để xác định:
- Sức khỏe của thai nhi
- Vị trí nhau thai
- Lượng nước ối xung quanh em bé
- Vị trí của thai nhi
- Cân nặng dự kiến của bé
4. Siêu âm 3D và 4D là gì?
Siêu âm 3D giúp quan sát hình ảnh thai nhi trên không gian ba chiều, nhưng không giúp quan sát rõ các chuyển động của bé. Còn siêu âm 4D cũng giúp quan sát trên không gian ba chiều nhưng còn có thể xem chuyển động liên tục của em bé một cách rõ nét.
Cả hai kỹ thuật siêu âm này đều có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện các dị tật bẩm sinh. Theo FDA thì thai phụ nên đến các cơ sở y tế để thực hiện siêu âm vì nhân viên y tế đã được đào tạo bài bản và có thể đưa ra lời khuyên hữu ích nếu có bất thường với thai nhi.
5. Chuẩn bị gì trước khi siêu âm?
Thai phụ thường được đề nghị uống từ 4 - 6 cốc nước trước khi đi siêu âm để làm đầy bàng quang để giúp quan sát hình ảnh của thai nhi tốt hơn. Bạn cũng có thể được yêu cầu kiềm chế đi tiểu cho đến khi thực hiện xong thủ thuật siêu âm.
Một số bác sĩ có thể cho phép đem video siêu âm về để gia đình lưu lại khoảnh khắc của con khi còn trong bụng mẹ. Bạn có thể hỏi trước bác sĩ để chuẩn bị. Nếu được phép, bạn cần mang theo một băng video hoặc DVD trống đến siêu âm.
6. Quá trình siêu âm diễn ra như thế nào?
Khi bước vào phòng siêu âm, thai phụ được đề nghị nằm trên giường. Bác sĩ sẽ bôi một lượng nhỏ gel lên da bụng rồi bắt đầu siêu âm. Lưu ý, loại gel này giúp làm tăng chất lượng hình ảnh mà không gây hại cho da hay làm bẩn quần áo.
Đầu dò siêu âm được nhẹ nhàng áp vào da trên bụng bà mẹ. Nó truyền sóng âm thanh tần số cao vào cơ thể, phản xạ lại các cấu trúc bên trong cơ thể, bao gồm cả thai nhi. Các sóng âm thanh hoặc tiếng vang phản xạ lại sẽ được thu nhận bởi đầu dò và biến thành hình ảnh trên màn hình máy siêu âm. Những hình ảnh này có thể được in ra hoặc đôi khi được ghi lại trên băng video.
Siêu âm thai gần như không gây ra sự khó chịu nào cho cơ thể. Trừ khi, bàng quang đầy, mà đầu dò đặt lên bàng quang sẽ gây cảm giác buồn đi tiểu. Trong quá trình siêu âm, bạn còn được yêu cầu nín thở vài lần.
Thời gian cho toàn bộ quá trình siêu âm mất khoảng 30 phút. Sau khi kết thúc, gel sẽ được lau sạch khỏi da bụng và bác sĩ sẽ thảo luận về kết quả siêu âm với bạn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.