Polyp túi mật là bệnh không có biểu hiện triệu chứng cụ thể, chỉ phát hiện bệnh khi thăm khám. Vì vậy, để chẩn đoán thì cần thiết phải siêu âm. Việc chẩn đoán polyp túi mật bằng siêu âm giúp bác sĩ có thể nhìn thấy được vị trí, kích thước, mức độ nguy hiểm cũng như theo dõi sự tiến triển của các polyp, từ đó đưa ra cách điều trị thích hợp.
1. Polyp túi mật là gì?
Túi mật là một túi nhỏ, có màu xanh lam với dung tích 30-60 ml, dính vào phía dưới thùy gan phải, thông nối với đường mật qua ống túi mật. Túi mật sẽ chiếu lên thành bụng, nằm ở vùng bụng trên phải. Vai trò của túi mật là cô đặc và lưu trữ dịch mật. Khi chúng ta ăn, túi mật sẽ co bóp để đẩy dịch mật chứa trong đó vào đường mật rồi xuống tá tràng để trộn lẫn với thức ăn giúp tiêu hóa chất béo.
Polyp túi mật hay còn gọi là u nhú niêm mạc tuyến mật, đây là một dạng tổn thương u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật. Polyp túi mật thường phân thành 5 loại như sau:
- Polyp cholesterol: Polyp cholesterol thường có kích thước polyp nhỏ, chỉ từ 2 -10 mm, có cuống.
- U cơ tuyến túi mật: Loại polyp này là các tinh thể cholesterol, bùn mật, có thể mọc khu trú hoặc lan tỏa.
- Polyp viêm: Đây thường là dạng polyp đơn độc, kích thước polyp từ 5 – 10 mm, cấu tạo từ các mô hạt, xơ và tế bào bị viêm.
- Polyp tuyến: Đây cũng là dạng polyp túi mật mọc đơn độc, không cuống.
- Các dạng polyp hiếm gặp khác: khối u tế bào hạt, u xơ, u mỡ, các mô dị hình,...
Có nhiều nguyên nhân liên quan đến việc hình thành polyp túi mật như: Rối loạn chức năng gan mật; nồng độ mỡ máu tăng; người béo phì, nhiễm virus viêm gan... Các triệu chứng polyp túi mật có thể bao gồm:
- Khi polyp gây rối loạn bài tiết, bài xuất dịch mật tại lòng túi mật hay có sỏi tủi mật hoặc viêm túi mật kèm theo, người bệnh sẽ cảm thấy đau tức nhẹ vùng hạ sườn phải hoặc thượng vị, đau xuất hiện sau khi ăn. Ngoài ra, có thể bị đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn và nôn.
- Đau tức nhẹ khi ấn vùng hạ sườn phải, đa số không phát hiện các dấu hiệu bất thường.
2. Siêu âm phát hiện polyp túi mật
Polyp túi mật là bệnh không có biểu hiện triệu chứng cụ thể, chỉ phát hiện bệnh khi thăm khám. Vì vậy, để chẩn đoán thì cần thiết phải siêu âm phát hiện polyp túi mật. Siêu âm là phương pháp đơn giản, việc chẩn đoán polyp túi mật bằng siêu âm giúp bác sĩ:
- Có thể nhìn thấy được những hình ảnh polyp túi mật trên siêu âm, vị trí, kích thước cũng như đánh giá mức độ nguy hiểm chúng.
- Ngoài ra hình ảnh polyp túi mật trên siêu âm còn giúp theo dõi sự tiến triển của các polyp, từ đó đưa ra cách điều trị thích hợp.
Khi siêu âm polyp túi mật nhiều lần cho kết quả khác nhau là bởi do diễn biến của bệnh và lúc ăn no sẽ khác so với lúc đói, vì thế mà có sự dao động về kích thước của polyp. Vì vậy, trước khi siêu âm phát hiện polyp túi mật, người bệnh không nên ăn uống để hình ảnh polyp túi mật sẽ được nhìn thấy rất rõ.
Siêu âm polyp túi mật cho tỷ lệ chẩn đoán chính xác cao nhưng lại không phân biệt được đó là polyp lành tính hay ác tính, vì thế để chính xác hơn bác sĩ có thể sẽ đo kích thước của các polyp túi mật và dựa vào những tiêu chuẩn dưới đây để đánh giá nguy cơ tiềm ẩn ung thư:
- Polyp túi mật lớn hơn 1cm có khả năng phát triển thành ung thư lên đến 46 - 70%.
- Polyp có hình dáng xù xì, chân lan rộng và không nhìn thấy cuống có nguy cơ là polyp ác tính.
- Polyp túi mật tăng nhanh cả về số lượng và kích thước.
3. Điều trị polyp túi mật
Polyp túi mật không thể tự hết hoặc tự biến mất. Để polyp biến mất, cách điều trị là cắt túi mật. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thực hiện khi polyp có nguy cơ ung thư cao. Các trường hợp còn lại, mục tiêu ưu tiên vẫn là phòng ngừa polyp tăng kích thước để bảo tồn túi mật. Các phương pháp điều trị bao gồm:
Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý:
- Chế độ ăn uống có ảnh hưởng tới việc polyp phát triển, vì thế để đảm bảo bạn nên thực hiện cho mình chế độ ăn uống hợp lý. Người bị polyp túi mật nên ăn các chất béo có nguồn gốc từ thực vật thay cho các chất béo từ mỡ động vật.
- Tăng cường ăn các loại rau xanh, củ quả giúp cho việc tiêu hóa dễ dàng.
- Kiêng ăn da các loại gia cầm như gà, ngan, vịt và nội tạng động vật bởi các thực phẩm này chứa hàm lượng cholesterol cao, tạo cơ hội cho polyp tăng.
Siêu âm polyp túi mật định kỳ để giúp kiểm soát kích thước cũng như theo dõi sự phát triển của polyp:
- Trường hợp polyp có kích thước nhỏ hơn 6cm sẽ định kỳ tái khám sức khỏe từ 6-9 tháng/lần.
- Nếu polyp có kích thước lớn hơn từ 6 - 9 cm sẽ định kỳ tái khám khoảng 3 tháng/lần.
Phẫu thuật cắt túi mật để tránh trường hợp rủi ro, polyp phát triển thành ung thư khi:
- Polyp túi mật lớn, kích thước polyp túi mật tăng nhanh với số lượng nhiều.
- Chân polyp lan rộng, hình không đều đặn.
- Đa polyp túi mật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.