Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lâm Thị Kim Chi - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Siêu âm ổ bụng tổng quát là một trong những thăm khám thường quy, sử dụng sóng siêu âm để xây dựng và tái tạo hình ảnh về cấu trúc bên trong cơ thể. Siêu âm bụng có thể đánh giá được tổn thương ở các cơ quan như gan, mật, hệ tiết niệu, hệ sinh dục, lách, tụy. Vậy trước khi siêu âm ổ bụng có phải nhịn ăn hay nhịn tiểu không?
1. Siêu âm ổ bụng có phải nhịn ăn không?
Với những trường hợp cấp cứu thì bệnh nhân không cần nhịn ăn uống hay nhịn tiểu.
Với trường hợp đã chuẩn bị sẵn, trước khi siêu âm ổ bụng, bệnh nhân nên nhịn ăn ít nhất 6 - 8 giờ. Nên siêu âm buổi sáng vì thời gian ngủ qua đêm sẽ giúp bữa ăn trước đó tiêu hóa hết. Đặc biệt ở bệnh nhân có nghi ngờ hoặc tiền sử bệnh lý túi mật, nhịn đói sẽ giúp cho kết quả siêu âm được chính xác hơn. Thức ăn chưa được tiêu hóa có thể cản trở sóng âm, gây khó khăn cho bác sĩ lấy được hình ảnh rõ nét.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng siêu âm như: bệnh béo phì, thức ăn trong dạ dày và không khí ở đường ruột. Vì thế, để quá trình siêu âm bụng thu được kết quả chính xác, thời gian trước đó người bệnh chỉ nên ăn nhẹ, ăn các thức ăn dễ tiêu, hạn chế ăn những đồ khó tiêu, nhiều dầu mỡ và dễ gây đầy bụng.
Ví dụ như khi siêu âm túi mật, gan, tụy hoặc lách, bệnh nhân có thể được yêu cầu không ăn chất béo vào buổi tối trước khi làm xét nghiệm cho đến tận khi tiến hành thủ thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể uống nước và bất kỳ thuốc nào như hướng dẫn.
2. Siêu âm ổ bụng có phải nhịn tiểu không?
Trước khi siêu âm khoảng 30 - 60 phút, bệnh nhân nên uống nhiều nước và nhịn tiểu căng. Nhịn tiểu làm căng bàng quang, giúp ích nhiều cho việc quan sát hình ảnh trong ổ bụng. Đặc biệt là khi siêu âm phần tử cung, tiền liệt tuyến, các cơ quan vùng hố chậu và hạ vị... Không nên cố uống quá nhiều nước trong một lúc khiến dạ dày bị giãn, ảnh hưởng tới kết quả siêu âm.
3. Lưu ý khi thực hiện siêu âm ổ bụng
- Khi siêu âm bụng, người bệnh nên mặc đồ thoải mái để có thể dễ dàng thực hiện. Bệnh nhân sẽ nằm lên trên giường khám, kéo áo cao lên ngang ngực và kéo quần thấp xuống ngang xương mu. Vì vậy phụ nữ đi siêu âm ổ bụng không nên mặc váy. Không nên e ngại khi phải cởi bỏ quần áo hoặc thực hiện siêu âm vì đây là những thủ thuật thông thường trong khám bệnh.
- Bác sĩ sẽ bôi gel lên bụng, thoa đều và đặt đầu dò đầu dò siêu âm lên vùng bụng. Bệnh nhân nằm ngửa, thời gian thực hiện chưa đầy 20 phút và không có đau đớn hay rủi ro nào. Chất gel này trong suốt và dễ dàng lau sạch sau khi siêu âm xong. Kết thúc quá trình siêu âm, bệnh nhân sẽ được yêu cầu mặc lại quần áo và ngồi chờ kết quả siêu âm theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Siêu âm ổ bụng hoàn toàn không gây hại tới sức khỏe của người bệnh. Không có trường hợp nào không thể siêu âm ổ bụng. Trong một số tình huống bệnh nhân không thể nằm yên trong quá trình siêu âm hoặc nhiễm trùng da và mô mềm vùng siêu âm thì nên hạn chế siêu âm.
- Đối với siêu âm đầu dò âm đạo (chỉ thực hiện ở phụ nữ đã có quan hệ tình dục): bệnh nhân phải đi tiểu hết để bàng quang không còn nước tiểu trước khi siêu âm.
- Bác sĩ sẽ dùng thiết bị đầu dò để tiếp xúc, phát sóng âm có tần số cao và thu lại hình ảnh kết quả siêu âm ổ bụng trên màn hình hiển thị. Siêu âm không phải tia X-quang, không sử dụng các phóng xạ ion hóa nên khá an toàn đối với con người. Có thể siêu âm ổ bụng khi kiểm tra sức khỏe định kỳ vì đây là một thăm dò thường quy, an toàn. Nên tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ 3 - 6 tháng/lần.
Siêu âm ổ bụng là một trong những kiểm tra không thể thiếu trong các gói Khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Quá trình siêu âm được thực hiện cẩn thận bởi các bác sĩ siêu âm, chẩn đoán hình ảnh giàu kinh nghiệm, có chuyên môn cao, hệ thống máy siêu âm hiện đại, công nghệ cao, cung cấp hình ảnh chi tiết, rõ nét, phát hiện những hình ảnh bất thường rất nhỏ. Nhờ vậy giúp phát hiện bệnh và các dấu hiệu gây bệnh sớm, giúp ích rất nhiều cho quá trình điều trị sau này.
Thạc sĩ Bác sĩ Lâm Thị Kim Chi tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh - Đại học Y Dược Huế và có trên 6 năm kinh nghiệm làm bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Bác sĩ Chi từng công tác tại tại Bệnh viện Phụ sản- Nhi Đà Nẵng trước khi là bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng như hiện nay.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.