Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tống Dịu Hường - Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Siêu âm nhãn cầu hay còn gọi là siêu âm mắt là phương pháp hữu ích trong việc chẩn đoán và xác định nguyên nhân các bệnh về mắt. Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện siêu âm mắt khi vừa chấn thương mắt hoặc mắc các bệnh lý về mắt mà không rõ nguyên nhân.
1. Siêu âm nhãn cầu là gì?
Siêu âm nhãn cầu là phương pháp được sử dụng phổ biến hiện nay, có giá trị trong việc giúp các bác sĩ phát hiện các bệnh lý ở mắt của người bệnh và các nguyên nhân gây ra tình trạng tổn thương đó một cách chính xác nhất. Phương pháp siêu âm nhãn cầu sử dụng sóng âm thanh với tần số cao để tạo ra hình ảnh chi tiết về mắt và cấu tạo hốc mắt của người bệnh, nhờ đó mà các bác sĩ sẽ có cái nhìn chi tiết hơn về cấu trúc bên trong của mắt và đánh giá chính xác tình trạng bệnh.
2. Cần siêu âm nhãn cầu khi nào?
Trong trường hợp người bệnh gặp phải các vấn đề về mắt mà chưa rõ nguyên nhân hoặc gặp tai nạn chấn thương vùng mắt thì bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm mắt và hốc mắt. Ngoài ra, siêu âm mắt cũng có thể giúp phát hiện ra một số bệnh lý như:
● Khối u hoặc có sự tăng sinh tế bào trong mắt
● Dị vật trong mắt
● Cấy ghép thủy tinh thể
● Đo độ dày và mức độ lan rộng của khối u ung thư.
3. Lưu ý khi tiến hành siêu âm nhãn cầu
Không giống như một số loại siêu âm khác cần phải chuẩn bị trước khi tiến hành siêu âm, siêu âm nhãn cầu là phương pháp được thực hiện rất đơn giản và người bệnh không cần phải chuẩn bị điều gì, quá trình siêu âm sẽ không cảm thấy đau đớn. Để giúp quá trình siêu âm diễn ra thuận lợi thì người bệnh nên sử dụng thuốc nhỏ mắt để giúp mắt được thư giãn, làm sạch hơn.
Sau khi kết thúc siêu âm nhãn cầu, mắt của người bệnh sẽ bị hạn chế tầm nhìn tạm thời trong thời gian ngắn do ảnh hưởng của quá trình siêu âm, chính vì thế nên có người nhà đi cùng rồi trở về để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, để bảo vệ giác mạc không bị tổn thương thì sau khi siêu âm nhãn cầu, người bệnh không nên dụi mắt cho đến khi hết thuốc tê.
4. Quy trình siêu âm nhãn cầu
A-scan và B-scan là toàn bộ quá trình siêu âm nhãn cầu sẽ diễn ra trong vòng 20 - 30 phút. Bác sĩ sẽ tiến hành đo kích thước mắt (A-scan) và sau đó là B-scan để nhìn thấy rõ không gian phía trong mắt.
● A-scan: Đóng vai trò quan trọng, giúp đo kích thước của mắt, để thực hiện quy trình này, người bệnh sẽ ngồi thẳng lưng trên ghế, đặt cằm lên thiết bị đo chuyên dụng và nhìn thẳng về phía trước, sẽ có một đầu dò có sử dụng chất bôi trơn được đặt lên phần trước của mắt khi quét.
● B-scan: Trong trường hợp người bệnh mắc phải một số bệnh lý về mắt làm cho bác sĩ khó nhìn thấy mặt sau của mắt hay bị đục thủy tinh thể thì cần tiến hành B-scan ngay. B-scan sẽ giúp nhìn thấy không gian phía sau mắt và chẩn đoán khối u, bong võng mạc và các tình trạng bệnh khác. Người bệnh sẽ được yêu cầu nhắm mắt lại để bác sĩ bôi gel lên mí mắt và thực hiện di chuyển nhãn cầu theo nhiều hướng khác nhau theo hướng dẫn của bác sĩ.
5. Siêu âm nhãn cầu cho biết điều gì?
Hình ảnh siêu âm nhãn cầu sẽ giúp bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác tình hình và đưa ra kết quả cuối cùng. Bác sĩ sẽ xem kết quả đo kích thước mắt của người bệnh để đảm bảo các số đo mắt đều nằm trong phạm vi bình thường và tiếp theo là xem kết quả B-scan để biết các thông tin về cấu trúc của mắt. Nếu kết quả bất thường, bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân cụ thể.
Một số tình trạng bệnh lý ở mắt có thể được phát hiện nhờ vào B-scan bao gồm:
● Bong võng mạc
● Mô bị tổn thương hoặc chấn thương hốc mắt
● Ung thư võng mạc, nằm ở dưới võng mạc hoặc các bộ phận khác của mắt
● Dị vật ở trong mắt
● Sưng
● Xuất huyết dịch kính (máu chảy vào trong khoang chứa dịch kính ở phía sau mắt)
Siêu âm nhãn cầu là thủ thuật đơn giản, được tiến hành nhanh chóng và nhẹ nhàng nên người bệnh sẽ không hề cảm thấy đau đớn hay gặp phải biến chứng gì sau khi siêu âm nhãn cầu. Để bảo vệ đôi mắt luôn sáng khỏe, ngay khi thấy mắt có biểu hiện bất thường thì người bệnh nên đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán chính xác tình trạng và có phương án điều trị kịp thời.