Siêu âm doppler xuyên sọ trong hồi sức cấp cứu

Siêu âm doppler xuyên sọ là một trong những phương pháp đang được áp dụng phổ biến nhằm mục đích nghiên cứu, kiểm tra tình trạng sức khỏe não bộ,... Trong hồi sức cấp cứu, siêu âm doppler xuyên sọ được sử dụng để chẩn đoán, theo dõi chết não, co thắt mạch sau chảy máu dưới nhện, tăng áp lực nội sọ,...

1. Siêu âm doppler xuyên sọ là gì?

Siêu âm doppler là phương pháp sử dụng sóng siêu âm để khảo sát các dạng chuyển động bên trong cơ thể như sự dịch chuyển của các tế bào hồng cầu (thay đổi về tần số, tốc độ) hoặc áp lực động mạch.

Khi thực hiện thủ thuật siêu âm doppler, bác sĩ sẽ phóng một chùm sóng siêu âm có tần số thích hợp đi xuyên qua các vật thể chuyển động trong cơ thể. Sau đó, máy tính thu về các tín hiệu, chuyển tiếp thành các thông số. Cuối cùng, bác sĩ đọc các chỉ số thu được và thực hiện chẩn đoán cho bệnh nhân.

Siêu âm doppler xuyên sọ cũng là thủ thuật được thực hiện tương tự siêu âm doppler thông thường. Thủ thuật siêu âm xuyên sọ đưa sóng siêu âm thăm dò vào những vị trí có xương sọ mỏng hơn các nơi khác. Sóng sẽ thu về các thông tin liên quan tới hình ảnh của toàn sọ, đặc biệt là các buồng chứa chất lỏng, dịch tủy trong não.

Có 3 vị trí chủ chốt để thực hiện thủ thuật siêu âm doppler xuyên sọ:

  • Doppler xuyên sọ vùng thái dương: Kiểm tra các động mạch não trước, giữa và sau;
  • Doppler xuyên sọ vùng ổ mắt: Kiểm tra các động mạch mắt và động mạch cảnh;
  • Doppler xuyên sọ khu dưới chẩm: Ghi nhận tốc độ dòng máu tại động mạch sống và động mạch nền.

Siêu âm doppler xuyên sọ là phương pháp không xâm nhập nên rất an toàn, chi phí thấp, có thể thực hiện nhiều lần ở bệnh nhân hoặc theo dõi liên tục và cũng có thể tiến hành ngay tại giường bệnh.


Siêu âm doppler xuyên sọ an toàn và dễ thực hiện
Siêu âm doppler xuyên sọ an toàn và dễ thực hiện

2. Quy trình siêu âm doppler xuyên sọ trong hồi sức cấp cứu

2.1 Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định

  • Chẩn đoán chết não;
  • Theo dõi và chẩn đoán tăng áp lực nội sọ;
  • Theo dõi và chẩn đoán co thắt mạch máu sau chảy máu dưới nhện;
  • Theo dõi trong phẫu thuật;
  • Thực hiện khi bệnh nhân bị bệnh nặng, di chuyển khó khăn.

Chống chỉ định

Siêu âm doppler xuyên sọ là kỹ thuật không xâm nhập và không nguy hại nên không có chống chỉ định.

2.2 Chuẩn bị

  • Nhân sự thực hiện: Bác sĩ và điều dưỡng;
  • Phương tiện kỹ thuật: Máy siêu âm doppler xuyên sọ, khăn lau, gel bôi trơn đầu dò, bàn nằm hoặc ghế ngồi cho người bệnh, máy vi tính, máy in;
  • Bệnh nhân: Được giải thích về thủ thuật, được đặt ở tư thế nằm, vệ sinh sạch sẽ và bộc lộ tốt các vùng cửa sổ siêu âm;
  • Hồ sơ bệnh án: Ghi rõ các thông tin cần thiết như tên, tuổi, địa chỉ, giới tính, chẩn đoán lâm sàng, ngày giờ thực hiện siêu âm doppler xuyên sọ và tên bác sĩ thực hiện siêu âm.

2.3 Quy trình thực hiện

Kiểm tra hồ sơ

Tên, tuổi, chẩn đoán lâm sàng, lý do làm siêu âm doppler xuyên sọ.

Kiểm tra bệnh nhân

Kiểm tra các chức năng sống của người bệnh: Tình trạng hô hấp, nhiệt độ, mạch, huyết áp. Đồng thời cần kiểm tra các vùng cửa sổ thăm dò siêu âm xem có sạch sẽ không, được bộc lộ tốt không;

Thực hiện kỹ thuật

Siêu âm theo 3 vị trí chủ chốt:

  • Siêu âm qua cửa sổ thái dương: Độ dày của xương thái dương có sự khác biệt giữa các sắc tộc hoặc giới tính nên bác sĩ sẽ cân nhắc tới yếu tố này trước khi chỉ định thực hiện siêu âm tại vị trí này. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ đặt đầu dò phía trên gò má khu vực đằng trước tai, thực hiện kiểm tra và lựa chọn vị trí thăm dò tốt. Máy tính sẽ ghi nhận tín hiệu của động mạch não trước, giữa và sau ngay khi sóng siêu âm đạt tới độ sâu phù hợp;
  • Siêu âm qua cửa sổ ổ mắt: Trước khi thực hiện bác sĩ sẽ hướng dẫn kỹ thuật cho bệnh nhân vì kỹ thuật siêu âm vùng ổ mắt đòi hỏi nhãn cầu của bệnh nhân phải đứng yên. Khi thực hiện, bệnh nhân tập trung hướng tầm nhìn của bản thân về phía trước, bác sĩ sẽ đặt đầu dò ở mí mắt, sử dụng một lực nhẹ vừa đủ để gel siêu âm tiếp xúc với mặt da và ghi nhận kết quả siêu âm;
  • Siêu âm qua cửa sổ dưới chẩm: Xương chẩm là xương nằm dưới cùng bên phải hộp sọ, phủ lên thùy chẩm. Khi thực hiện siêu âm, bệnh nhân cần phối hợp với bác sĩ để tìm điểm đặt đầu dò, sau đó siêu âm và ghi nhận kết quả.

Theo dõi huyết áp của người bệnh sau khi siêu âm
Theo dõi huyết áp của người bệnh sau khi siêu âm

2.4 Theo dõi và xử trí tai biến sau siêu âm

  • Cần theo dõi các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân như mạch, nhiệt độ, huyết áp, hô hấp,...;
  • Không có tai biến xảy ra do siêu âm xuyên sọ.

Để rút ngắn thời gian siêu âm doppler xuyên sọ và thu được kết quả chính xác nhất, bệnh nhân cần phối hợp theo hướng dẫn của bác sĩ trong suốt quá trình thực hiện.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe