Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thanh Nam - Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Siêu âm đầu dò âm đạo (qua ngã âm đạo hoặc ngả trực tràng đối với bệnh nhi, bệnh nhân chưa có quan hệ tình dục) là kỹ thuật siêu âm vùng chậu được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định để thăm khám, chẩn đoán các bệnh lý ở buồng trứng, ống dẫn trứng, cổ tử cung...của phụ nữ. Đây là một kỹ thuật có giá trị cao trong chẩn đoán và góp phần quan trọng giúp điều trị các bệnh lý liên quan đến hệ sinh sản.
1. Siêu âm đầu dò là gì?
Siêu âm đầu dò (Transvaginal Ultrasonography) là kỹ thuật sử dụng sóng siêu âm tần số cao tiếp xúc qua ngã âm đạo để từ đó hiển thị hình ảnh tử cung, buồng trứng và các bộ phận khác của cơ quan sinh sản độ với độ phân giải cao giúp chẩn đoán chính xác bệnh lý phụ khoa.
Tùy theo từng mục đích chẩn đoán mà bác sĩ sẽ có chỉ định siêu âm đầu dò hậu môn hoặc là siêu âm đầu dò âm đạo cho bệnh nhân:
- Siêu âm đầu dò trực tràng: Được chỉ định để phát hiện các bệnh lý ở vùng tiểu khung ở bệnh nhi hoặc bệnh nhân chưa có quan hệ tình dục.
- Siêu âm dò âm đạo: Được chỉ định trong các trường hợp phụ nữ mang thai giai đoạn đầu, phụ nữ có dấu hiệu mang thai ngoài tử cung, đánh giá các khối u ở buồng trứng, tử cung, kiểm tra tim thai thai nhi, đánh giá nguồn gốc của các khối u trong tiểu khung. Ngoài ra, siêu âm đầu dò âm đạo còn được dùng để kiểm tra tình trạng ứ mủ vòi trứng, ứ nước, xác định thời gian rụng trứng...
2. Khi nào cần thực hiện siêu âm đầu dò?
2.1. Cơ thể có những dấu hiệu bất thường
Khi nhận thấy cơ thể có những triệu chứng, dấu hiệu sau đây thì người bệnh cần đi siêu âm thăm khám:
- Đau vùng xương chậu
- Chảy máu âm đạo chưa rõ nguyên nhân
- Kiểm tra u xơ tử cung, u nang buồng trứng
- Kiểm tra vị trí đặt vòng tránh thai, cần xác nhận rằng đặt vòng tránh thai đúng vị trí
- Đánh giá sức khỏe vùng xương chậu
- Các trường hợp rối loạn kinh nguyệt.
2.2. Khám phụ khoa định kỳ
Phụ nữ thường có những đợt khám phụ khoa định kỳ, trong những lần này có thể bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm đầu dò để đánh giá chi tiết hơn về cơ quan sinh dục, chẩn đoán một số bệnh phụ khoa.
- Siêu âm đầu dò phát hiện bệnh gì?
Trong một số trường hợp, những người khám phụ khoa sẽ được chỉ định siêu âm đầu dò nếu nghi ngờ có những dấu hiệu mang thai ngoài tử cung (thai làm tổ bên ngoài tử cung, thường là trong ống dẫn trứng), đánh giá các khối u (u nang buồng trứng, u xơ tử cung), đánh giá độ dày niêm mạc tử cung, đo kích thước trứng để xác định thời điểm rụng trứng phục vụ cho kỹ thuật thụ tinh nhân tạo...
Ngoài ra phương pháp siêu âm đầu dò trực tràng còn giúp chẩn đoán các bệnh lý ở vùng tiểu khung, trực tràng, tuyến tiền liệt,...
2.3. Khám chẩn đoán cho phụ nữ đang mang thai
Đối với thai phụ, bác sĩ cũng có thể chỉ định siêu âm qua âm đạo trong thai kỳ để:
- Xác nhận có thai sớm
- Theo dõi nhịp tim của thai nhi ở tuần thai 6 - 8 tuần, phát hiện sớm dấu hiệu bất thường của tim thai, tim bẩm sinh
- Đánh giá tình trạng bất thường của nhau thai
- Xác định nguyên nhân gây chảy máu bất thường
- Chẩn đoán nguy cơ sẩy thai, sinh non thông qua những dấu hiệu bất thường.
Siêu âm đầu dò thường được sử dụng cho những phụ nữ mới mang thai. Đây là quy trình rất cần thiết có tác dụng quan trọng giúp nhận biết có thai trong giai đoạn đầu, khi phôi thai còn rất nhỏ và sẽ không hiển thị hình ảnh nếu chỉ siêu âm ở thành bụng.
Đối với những trường hợp thai nhi đã phát triển lớn, đầu thai nhi quay xuống dưới che khuất sóng âm khiến bác sĩ nghi ngờ nhau tiền đạo thì cũng có thể tiến hành siêu âm đầu dò để xác định vị trí của bánh nhau.
3. Quy trình thực hiện siêu âm đầu dò
- Chuẩn bị:
Để thực hiện siêu âm đầu dò, người bệnh không cần phải chuẩn bị gì nhiều. Chủ yếu là đi vệ sinh trước khi thăm khám hoặc nếu cần làm căng bàng quang vừa phải thì uống nước (800-1000ml) trước khi siêu âm từ 30 phút đến 1 tiếng tùy thuộc mục đích khảo sát của bác sĩ.
Bước 1: Để thực hiện thủ thuật, người bệnh sẽ được yêu cầu mặc váy và cởi quần áo từ eo trở xuống.
Bước 2: Sau đó người bệnh sẽ nằm lên bàn siêu âm, gác 2 chân lên giá đỡ. Để siêu âm thuận lợi nhất, bác sĩ có thể cho bệnh nhân kê một gối nhỏ ở phần hông.
Bước 3: Bác sĩ sẽ tiến hành đưa đầu dò (đã bọc bằng bao cao su có kèm gel bôi trơn) vào khoảng 5-7cm trong âm đạo. Trong một số trường hợp bác sĩ có thể siêu âm truyền nước muối (SIS) vào lòng tử cung để giúp tạo hình ảnh rõ nét hơn. Tuy nhiên thủ thuật siêu âm nước muối không được thực hiện ở phụ nữ có thai hoặc đang có tình trạng nhiễm trùng.
Bước 4: Đầu dò phát sóng siêu âm và thu lại tín hiệu, tín hiệu này được mã hóa và truyền ảnh trực tiếp các cơ quan vùng chậu. Trong quá trình tiến hành, đầu dò siêu âm có thể được xoay nhẹ để thu được hình ảnh đầy đủ và tổng thể.
Từ những hình ảnh này, bác sĩ có thể xác định tình trạng sức khỏe, chẩn đoán kịp thời các bệnh lý nếu có.